Thursday, July 10, 2014

Chúng ta nên thỉnh thoảng trầm tư về hạnh phúc của sự thảnh thơi của sự nhẹ nhàng trong cuộc sống

Hỏi: Chúng ta nên thỉnh thoảng trầm tư về hạnh phúc của sự thảnh thơi của sự nhẹ nhàng trong cuộc sống  

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 9-7-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Phải nhận rằng trong cuộc sống của chúng ta cái gì cho mình nhiều thì cái đó cũng tạo nên một sự lệ thuộc. Lấy ví dụ, điện thoại cầm tay chúng ta đang sài trước kia không có điện thoại cầm tay thì chúng ta thấy cuộc đời cũng vậy thôi, ai sống sao mình sống vậy, bây giờ khi người ta có điện thoại cầm tay mà chúng ta không có thì chúng ta có vấn đề. Về bản thân của mình cũng vậy. Thân của mình để mình sinh hoạt, để mình làm việc, để mình sống an lạc thì thân mình nó ít bịnh mà sức khỏe tốt thì việc tốt. Nhưng mà rồi cái thân của mình nó có khỏe mạnh mà để chăm sóc thân nhiều quá thì nó cũng là vấn đề. Có những người hôm nay ngay cả các vị tu sĩ khi chúng tôi nói chuyện thì chúng tôi có cảm tưởng như các vị sống chỉ để lo cho việc dưỡng sinh thôi, các vị không có lo những việc khác. 

Đức Phật  dạy chúng ta con đường trung đạo nghĩa là chúng ta hiểu được nên phải dùng những phương tiện như thế nào là vừa phải. Về điểm này có lẽ qúi vị đã nghe Chư Tăng nói nhiều. Điều chúng tôi muốn chia sẻ với qúi vị ở tại đây là chúng ta nên thỉnh thoảng trầm tư hoặc giả là cảm nhận thật sự cái hạnh phúc của sự thảnh thơi, của sự thanh thản, của sự nhẹ nhàng. Sự thảnh thơi đó nó làm cho chúng ta đến gần với đạo đến gần với Phật Pháp. Chúng tôi có nghe một anh Phật tử kể là bao nhiêu năm anh lái xe đưa đàn con đến trường hay đi đó đi đây hay đi chùa, thì anh cảm thấy rất là bình thường rồi đến một lần người vợ dẫn con đi California để làm việc gì đó anh ở nhà lái xe một mình trong một tuần lễ thì bỗng nhiên khi lái xe một mình anh cảm nhận được một sự yên tịnh ở trên chiếc xe và một tuần lễ không có mấy đứa con thì anh nghĩ rằng lâu nay mình nghĩ rằng niềm vui là mấy đứa con nhưng bây giờ từ khi những đứa con không có mặt thì mình cảm nhận được sự yên tịnh và đúng là một thế giới mới, một thế giới khác.

Con người chúng ta thỉnh thoảng có được những giây phút không bận lòng, không bận lòng với danh, không bận lòng với lợi, không bận lòng với những sợi giây tình cảm vướng mắc, những lúc đó mình thấy ở trong lòng thảnh thơi, rỗng rang, cảm thấy một thế giới mênh mông. Nó không hẳn là giải thoát nhưng chúng ta nên cảm nhận và ở những giờ phút đó chúng ta có thể đến gần với Phật Pháp một chút. Trong đời người ta thường vui với cái có, và có những lúc mình vui với cái không có, những lúc mình vui với câu "gánh nặng đã đặt xuống". Những lúc đó mình cảm thấy rất hạnh phúc. Cái duyên lành được đưa vào lòng của chúng ta là những giây phút yên lặng. Thật sự phải nói rằng sự cột trói của trần gian nó không nhất thiết nằm ở bên ngoài mà nó nằm ở bên trong mỗi chúng ta và đó là ý nghĩa lớn trong Phật Pháp khi nói về những kiết sử nói về những sợi giây trói buột. Là người sống trong cuộc đời chúng ta thấy những vướng bận của phù hoa, của danh, của lợi, của chức quyền, của cái thân này, của tài sản bao nhiêu thứ là sự cột trói mình mà mình ngồi đó chờ một người nào thuyết phục mình để thấy rằng mình đủ mạnh để rủ bỏ điều đó, thì thật sự lâu lắm. Và chúng ta nên có một sự cảm nhận. Cảm nhận ở đây tức là mình đem vào trong tâm mình những nhận thức rất xâu sắc về một cuộc sống ít có gánh nặng ít có ràng buột về một trạng thái thật sự thanh thản, thật  sự trả chúng ta về với những giây phút ít phiền não giống như người bệnh mà bây giờ điều trị hết bịnh. 

Có một thời gian khoản 1 năm rưỡi, tại vì chúng tôi xách vali nặng nên vai của chúng tôi bị đau và mỗi lần đi đâu mà chúng tôi đưa tay nhấc vali lên thì tay của chúng tôi bị đau, đôi khi chúng tôi phải dùng đầu gối hất mạnh lên một chút tại vì dùng tay đưa lên nó đau  nhức nhối, cái đau đó nó cứ âm ỉ trong vai. Cho đến một ngày chúng tôi sang Vancourver gặp những người Phật tử họ giới thiệu đến một vị thầy thuốc ông này chữa trị mà phải nhận rằng ông trị rất có kết quả, rời khỏi chỗ trị bịnh của ông trở về thì chúng tôi không cảm thấy đau nữa đưa tay lên xuống rất thoải mái. Chúng tôi nhớ lại là gần như hơn 18 tháng cái đau đó là một cái gì trống trái trong lòng, nó là cái gì đó mà mỗi lần di chuyển rất khó khăn, bây giờ thì thoải mái và cảm thấy rằng đúng là một trạng thái giống như Đức Phật gọi là được giải thoát, tức là mình đang bị cái gì đó bây giờ mình chấm dứt và mình thoải mái. 

Hay hoặc giả, có những trường hợp mình đang bận lòng lo một chuyện gì đó nhưng nhờ đọc được một câu kinh hay tự nhiên mình chợt nhận ra mình ý thức rất rõ ràng sự lo lắng như vậy là vô ích và tâm mình trở lại sự thanh thản thì những lúc đó mình mới cảm nhận được sự thanh thản thật sự của một người mang nhiều gánh nặng và đặt gánh nặng xuống được. Ở đây một gánh nặng nào đó ở một điểm nhất thời nào đó nhưng nó cũng làm cho chúng ta tạo được cái duyên nghệ thuật. 

Không phải dễ dàng ở trong cuộc sống của chúng ta để nghe và nghe một cách thấm thía về lời dạy của Đức Phật khi  Đức Phật Ngài dạy sự ràng buột của đời sống như là trong đối thoại của bài kinh Dhaniya của kinh Tập Suttanipata này. Một người đang rất hưng phấn đang rất hạnh phúc đang rất tự tin về tài sản của mình về người thân của mình về cơ ngơi của mình về cuộc sống của mình và ngay trong thời điểm đó một bậc Giác Ngộ một bậc Đại Giác Ngộ như Đức Phật đã xuất hiện Ngài đã đọc lên những vần kệ để cho người này thấy rằng có một cảnh giới đẹp hơn an ổn hơn và cảnh giới đó hoàn toàn đối lập với những gì mà người này đang có. Và qua những lời dạy của Đức Phật cho người đó thấy rằng những gì người này đang đinh ninh đang chắc hẳn là hạnh phúc là an ổn thì nó không chắc gì là hạnh phúc, không hẳn là an ổn. Rất khó. Rất khó để cảm nhận, nhưng điều may mắn cho vị trại chủ Balamon.Dhaniya đó là vị này là một vị có rất nhiều túc duyên trong quá khứ, nói một cách khác là ba la mật đầy đủ và một điểm khác là vị này đang nói chuyện với bậc Đại Giác Ngộ là một bậc Thiên Nhân Chi Đạo Sư,  là một bậc Vô Thượng Điều Ngự, Đức Phật Ngài biết rất rõ và từ đó Ngài đã dìu dắt vị này từ bờ mê sang bến giác từ một tâm trạng rất hãnh diện rất hưng phấn về tài sản của mình về cái mình có mà vị đó cũng không nghĩ rằng đó là sợi giây trói buột để rồi cảm nhận được cái ý nghĩa xâu sắc nhất. 

Có lẽ chúng ta không có nhiều may mắn như vậy trong cuộc sống này bởi vì chúng ta không mặt tận mặt gặp Đức Phật gặp một bậc Vô Thượng Điều Ngự để Ngài chỉ điểm cho chúng ta cái gì mà mình nên suy nghĩ và cần suy nghĩ nhưng chắc chắn chúng ta nên cho mình những cơ hội để cảm nhận ý nghĩa thật sự của sự giải thoát khỏi sự ràng buột. 

Có lẽ chúng tôi đã nói với qúi vị rất nhiều lần một điều mà luôn luôn tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng đó là giờ cuối cùng Ngài Hộ Giác ra đi. Chúng tôi nhớ đó là buổi sáng thứ Hai ngày 3 tháng 12 năm 2012 Ngài Hộ Giác vừa xong phần lọc thận đó là phần lọc thận cuối cùng của Ngài. Chúng tôi ngồi bên cạnh Ngài và có một người Việt Nam kế bên cũng bị bịnh, ông này khó chịu bực bội, ông kêu gào ông la khóc, mà ông không nói được tiếng Anh. Thì Ngài Hộ Giác nói chúng tôi xem coi có giúp được ông gì không. Thì chúng tôi nói chuyện với ông rồi chúng tôi gọi người y tá đến thông dịch cho ông ấy. Chúng tôi vừa nói chuyện với Ngài và vừa nói chuyện với ông đó chúng tôi có thể cảm nhận được hai người bệnh giống nhau về rất nhiều thứ đó là lọc thận nhưng tâm thái của Ngài và tâm trạng của ông kia hoàn toàn khác biệt thanh thản. Và chúng tôi có những trao đổi với Ngài thì chúng tôi có nghĩ một điểm như vầy là: cái thân mình bệnh nó là một lẽ nhưng phải nhận rằng tâm của mình,  cái nhìn của mình về cuộc sống nó làm cho cuộc sống khác biệt rất lớn. Khác biệt rất lớn ở đây do mình bịnh mà mình làm lớn chuyện. 

Chúng ta nên nhớ đến lời Đức Phật dạy một điều là tại sao trí tuệ cần được thắp sáng. Tại sao sự hiểu biết chân thật luôn thiết thực như vậy? Tại vì chính những điều này cho chúng ta trở về với sự an bình thật sự. Và đó là con đường Đức Phật và các vị đệ tử của Ngài đã đi và Ngài đã dạy cho chúng ta. Không may là ngày hôm nay ngay cả chúng ta những người Phật tử đã đặt quá nặng về sự nghiệp vật chất. Ở bên Mỹ nó gần như là một phong trào hầu như đa số Chư Tăng mà chúng tôi gặp rất ít vị quan tâm là mình sẽ tu tập như thế nào, mình sẽ học như thế nào, hầu hết ngày nay đều quan tâm đến việc lập chùa, cái chùa nói lên sự thành công của mình, cái chùa là cuộc sống của mình, cái gì cũng cái chùa và điều đó trở thành một khuynh hướng rồi cuối cùng mình được gì? Đã có nhiều người họ bỏ ra cả cuộc đời qúi báu nhất để làm một ngôi chùa, rồi xây dựng ngôi chùa xong thì chết tại vì kiệt sức, chết rồi để lại cho những người sau, những người sau họ làm cái gì mình không biết. Rồi ngồi nghĩ lại phải chi mấy chục năm lập chùa mình để đi theo một hướng tu tập gì đó thì lợi lạc cho mình nhiều hơn. Nhưng điều đó rất khó, cuộc sống nó đưa đẩy nó bắt con người phải như vậy, con người phải lao theo như những con thiêu thân lao vào trong ánh đèn, lao vào để chết mà chúng vẫn lao vào. 

Thì những bài kinh này chúng ta học và chúng ta nghiệm cho kỹ chúng ta cố gắng làm sao đem ý nghĩa bài kinh này vào trong cuộc sống hàng ngày và thỉnh thoảng dành cho chúng ta những giờ phút thanh thản thì đó là cách chúng ta tạo duyên lành với Phật Pháp. Biết đâu nhờ những giây phút cảm nhận đó mà về sau này chúng ta gặp duyên lành nghe Đức Phật thuyết pháp chúng ta sẽ nhanh chóng lãnh hội giống như Bàlamon Dhaniya. 

Chúng tôi xin dứt lời tại đây và rất cầu mong rằng những lời của Đức Phật dạy cho vị trại chủ Bàlamon Dhaniya không phải chỉ là một thông điệp cũ kỹ xa xưa mà đây là những thông điệp vẫn hiển hiện trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Và xin cho chúng ta tìm thấy được hạnh phúc chân thật như Đức Phật Ngài dạy: "chân thật biết chân thật, phi chân biết phi chân". Thì nếu một người mà có thể thấy và biết cái gì là chân thật của đời sống như vậy thì người đó thật  sự tìm được sự an lạc thật sự./.  

No comments:

Post a Comment