Tuesday, July 15, 2014

Ý nghĩa của bài kinh Kinh Dhaniya (Sn 3)

Hỏi: Ý nghĩa của bài kinh Kinh Dhaniya (Sn 3)

(Bài giảng tóm tắt kinh Dhaniya (Sn3) Kinh Tập Sutta Nipata - Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Ý nghĩa của bài kinh Kinh Dhaniya (Sn 3) là: một người chủ nông trại có rất nhiều gia súc trâu và bò, và vị này cũng có một căn nhà rất đẹp rất yên ổn, có vợ con mọi thứ đều tốt đẹp. Tóm lại, người chủ trang trại này ở trong một thời kỳ đẹp nhất vàng son nhất của cuộc đời mình khi gia thất được yên bề, khi tài sản to lớn giàu có, khi cơ ngơi được đầy đủ vị này lấy cảm hứng từ cuộc sống.

Chúng ta thấy rằng; ngày xưa khi mình sống ở trong điều kiện nghèo đói cơn mưa đến nó chỉ là sự đe dọa. Cơn mưa đến, mình chạy cơm từng bữa mà hôm nay trời mưa không biết lấy cái gì để ăn. Mưa đến có thể ngập lụt, mưa đến có thể cho mình cảm giác thời tiết hôm nay không được tốt, nó làm cho mình lo về số phận của mình. Hoặc là thân thì bịnh. Hoặc giả là nó có thể gây nên nạn lụt. Nhưng khi một người ở trong điều kiện tốt nhất của đời sống, có tài sản, có cơ ngơi tốt, có vợ con được như ý, vị này đã rất mãn nguyện đã rất tự hào cảm thấy mình rất là yên lòng trước những sóng gió phong ba trong cuộc đời tại vì mình có đủ mọi thứ để trang bị. Giống như là một quốc gia mà quốc phòng yếu quá khi nghe có chiến tranh thì sợ. Ngày hôm nay tại sao Trung quốc rất hung hăng là tại vì Trung quốc bây giờ rất giàu họ sắm nhiều vũ khí, họ có rất nhiều tàu chiến, họ có nhiều mục đích đẩy mạnh về vũ khí. Rồi sau đó họ trở nên kênh kiệu họ trở nên ngang ngược là tại vì họ có quá nhiều. 

Thì đời sống con người mình, Đức Phật Ngài dạy là con người có những kiêu mạn như là sự kiêu mạn của tuổi trẻ, kiêu mạn của sự giàu có, sự kiêu mạn của sự thành đạt v.v... Sự kiêu mạn đó ở đây không phải là chạy ra ngoài vỗ ngực gọi là kiêu mạn nhưng  người ở trong một điểm nào đó về sức khỏe về sự nghiệp về sự thành tựu mà đạt đến cao điểm thì cảm thấy rằng mưa to gió lớn những cái gì mà mình phải đối diện hầu như chẳng những mình không sợ mà còn thích thú. Chúng tôi nghe người xưa có câu là "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ anh hùng hào kiệt có hơn ai. anh hùng hào kiệt có hơn ai". Một người mà bất tài thì họ gặp những cái thăng trầm của đời sống họ sợ nhưng một người có tài họ thấy rằng sự thăng trầm của đời sống là cơ hội để vươn lên và họ rất dũng cảm đi tới. 

Thì ở đây tâm trạng của một người ở trong sự thành công giàu có phải nói về điểm này trong phần mở đầu TT Tuệ Siêu có nhắc chữ "mục đồng" hay "người chăn bò", thật ra người chăn bò chăn trâu ở trong tiếng Việt thì không có chuyện gì để hãnh diện, ai muốn đi chăn trâu thì đâu có gì phải hãnh diện. Nhưng ở đây chúng ta nói một người chủ một nông trại và người chủ nông trại này có tài sản lớn có chỗ thành công, và khi người mục đồng này nói lên sự hân hoan của mình nói lên cái cảm hứng của mình. Ở đây không phải là một sự thích thú trời mưa. Mà ở đây là một cái gì đó mà người chủ nông trại lấy cái cảm khái. Thí dụ như ở chùa chúng tôi có Sư Chân Thiện, Sư có một điểm như vầy là Sư rất thích những đồ sài công nghệ cao, thí dụ như món đó mình sài mà tốt thì Sư nói "bây giờ mình có những thứ này để chạy bão thì rất là tốt, nếu mình chạy bão mà có những thứ này thì rất là vui". Thì qúi vị thấy một điều là đa số ai cũng sợ chạy bão hết nhưng một người mà có món đồ tốt giữ lấy để chạy bão thì thật ra mình không muốn chạy bão. 

Thì ở đây cũng vậy, một người sống mà có nhiều phương tiện có nhiều tài sản thì họ nghĩ rằng: "như bây giờ có những gì xảy ra ai chết thì ai chết chứ mình thì ngon lành", thì đại khái như vậy. 

Bài kệ của Đức Phật Ngài dạy ở tại đây thì Ngài đã dùng tâm trạng của Bàlamon Dhaniya để nói lên một sự tương phản giữa vật chất và tinh thần. Cái gì mình có cũng không hẳn là bảo đảm, mà mình nghĩ là tốt nhất nó chỉ là mặt bên ngoài thôi. Và Ngài nói lên sự sâu kín ở trong lòng của mình. 

Thí dụ như trong bài kệ ở đoạn chót Ngài nói rằng một người có trâu bò thì khổ vì trâu bò, có vợ con thì khổ vì vợ con. Ngài không dạy từ ban đầu mà Ngài dạy ở đoạn chót. Ở đoạn chót đó Ngài cho thấy rằng những gì Bàlamon Dhaniya cảm thấy rất hãnh diện, cảm thấy rất tin tưởng, cảm thấy là chỗ nương tựa vững chắc thì thật sự đó là nỗi khổ của mình nhiều hơn. Và chúng tôi nghĩ rằng ở đây nó có nhiều điểm rất đẹp và bài kệ này là bài học lớn ở trong đời sống của chúng ta.

Thật ra, nói trên phương diện tinh thần những thất bại những khổ đau nó không làm cho chúng ta dể chênh động như là những thành công của cuộc sống. Con người sống có nhiều thành công, con người sống mà quá giàu có về tài sản thì đó là những lúc chúng ta xa đạo nhiều nhất, chúng ta xa rời những lý tưởng chân chánh. Có nhiều người nghĩ rằng trong lúc mà những cơn phong ba bão tố xảy ra thì là lúc đáng sợ nhưng chúng tôi đi làm việc chúng tôi thấy ở trong lúc mà đối diện với những thành công đối diện với những sự việc to lớn thì từ từ chúng ta chỉ thấy những con người tranh danh đoạt lợi nhiều. Nhưng trong cơn khổ nạn chúng ta mới tìm thấy những tấm lòng. Có lẽ bản chất của chúng ta là sống khi mình mãn nguyện quá mình thoả mãn quá thì nó sanh tật. Thí dụ như, ở chỗ khác thì chúng tôi ít có dịp chứng kiến nhưng ở Hoa Kỳ thời gian mới sang Mỹ, có những cặp vợ chồng làm việc rất cực để trả tiền nhà trả tiền xe và hầu như cuộc sống của họ rất gắng bó với nhau, đến khi vài chục năm sau tiền nhà đã trả hết có tiền bạc vốn liếng đi đó đi đây và cơ sở làm ăn đã ổn định vững vàng thì người ta hay phải đối diện với cái đại họa. Đại họa ở đây tức là chồng sanh tật vợ sanh tật, như người chồng đi về Việt Nam rồi có vợ bé hay vợ sanh tật đi casino đánh bài rồi gia đình tan rã. Những cái họa nó đến từ cái khổ thì ít mà nó đến từ cái thành công thì nhiều.

 Tại vì con người có nhiều khi người ta rất sợ sự thất bại nhưng chính ra chúng ta đọc những bài kinh như vầy chúng ta thấy rằng trong hạnh phúc lớn thì tâm chúng ta sanh ra kiêu mạn, hạnh phúc lớn làm cho chúng ta bị ru ngủ, và trong hạnh phúc lớn nó làm cho chúng ta lơ đễnh và lúc đó hơn bao giờ hết chúng ta dễ tạo ra cái họa cho mình. Chúng ta phải đọc bài kinh này và đọc thật kỹ thì chúng ta sẽ thấy nhiều ý nghĩa rất tế nhị và ở trong sớ giải ghi là Bàlamon Dhniya và vợ đều chứng sơ quả tức là chứng quả Thánh Nhập Lưu. Thật ra đây là bài kinh rất đẹp một câu chuyện rất là đẹp, chúng tôi nghĩ chúng ta nên đọc kỹ bài kinh này thì chúng ta sẽ tìm thấy ở đó những ý nghĩa rất thấm thía cho cuộc sống hôm nay của mình ./.

No comments:

Post a Comment