Sunday, July 13, 2014

Như thế nào để quán chiếu nội tâm?

Hỏi: Như thế nào để quán chiếu nội tâm?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: "Như thế nào để quán chiếu nội tâm?" Chúng ta có nhiều cách hiểu khác nhau. Hiểu như là một pháp môn. Hiểu như một lối sống. Và hiểu giống như một lời dạy mang tánh cách tinh thần ở trong đời sống chúng ta. Lấy ví dụ, nói sự quán chiếu nội tâm như một khả năng hướng nội. Hướng nội tức là nhìn vào chính bản thân của mình điều đó giống như Đức Phật dạy cho tôn giả Rahula khi còn nhỏ hãy biết tự phản tỉnh lấy chính mình giống như một người phản tỉnh nội tâm. Điều này hết sức quan trọng cho một hành giả trên con đường tu tập, nếu chúng ta làm rất nhiều việc có thể chúng ta làm những việc mà chúng ta tin rằng có ý nghĩa hết sức nhưng mà rồi quên đi chúng ta làm bằng một tâm tư như thế nào thì lâu ngày sẽ mất đi giá trị thực sự của công việc làm đó. Trong câu chuyện ngày xưa thầy Nhất Hạnh viết "Cửa tùng đôi cánh gài". Một người có kính chiếu yêu khi hạ sơn đi xuống trần gian đã đi soi rọi rất nhiều khuôn mặt yêu ma cuối cùng trở về với sơn môn của mình thì cánh cửa của lối vào tu viện không mở cửa cho mình. Và sau đó những người ở tu viện đã nói vọng ra: "Hãy lấy kiếng chiếu yêu soi lại mặt mình" thì lúc đó mới biết chính bản thân của mình cũng là một khuôn mặt ma qủi khác. 

Có thể nói rằng, ở trong đời sống của chúng ta vấn đề quán chiếu nội tâm hết sức quan trọng trong việc làm. Con người đặc biệt ngay cả như đi xuất gia ban đầu thì chúng ta phát tâm xuất gia với mục đích hết sức cao thượng muốn đắc đạo giải thoát, muốn vượt qua trầm luân sanh tử, muốn thành tựu Phật quả nhưng mà rồi trong sự đưa đẩy cuộc đời đôi lúc cũng chính chiếc áo tu đó người ta lại có một hướng đi khác đi tự mình thay đổi hồi nào mình không hay. Thành ra sự quán chiếu nội tâm nói lên một ý nghĩa rất quan trọng mà ở trong cuộc sống này nhất là cuộc sống về tinh thần chúng ta thường xuyên nên biết quán chiếu về bản tâm của mình để nhận ra thâm ý của chúng ta ở trong tất cả mọi sở hành. 

Cũng có một ý nghĩa khác về vấn đề quán chiếu nội tâm như chúng ta được nghe Đức Phật Ngài giảng trong một số các bài kinh ở trong đó có kinh Đế Thích Sở Vấn chẳng hạn. Trong những bài kinh này Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta biết về một trạng thái rất quan trọng gọi là tâm hành. Tâm hành ở đây tức là Tầm và Tứ, tức là sự hướng tâm của mình hay  khuynh hướng nội tại. Ví dụ một lúc nào đó qúi Phật tử có khuynh hướng thích về âm nhạc, hay lmột lúc nào đó chúng ta có khuynh hướng ưa thích về thế sự, chúng ta ưa thích về kinh sách, chúng ta ưa thích làm việc Phật sự v.v... Cái khuynh hướng của nội tâm ở trong một giai đoạn nào đó sự ưa thích của mình là cái mình phải coi chừng phải lưu ý. Bởi vì khi chúng ta hướng tâm đến một cảnh giới nào hay một công việc nào thì hầu như tất cả năng lực của chúng ta được tiêu pha vào trong lãnh vực đó. Và có nhiều người không hiểu tại sao đời sống mình có nhiều mâu thuẫn nội tại. Chúng ta khoát lên một chiếc áo mang một danh nghĩa làm một công việc nhưng tâm của chúng ta lại hướng về một thế giới trái ngược lại và vì vậy có sự xâu xé với nhau. 

Vì vậy, Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên để ý rằng có những thứ Tầm và Tứ đặc biệt là có những thứ Tầm gọi là Dục Tầm, Sân Tầm, có những thứ Tầm thiện và những thứ Tầm bất thiện. Ở đây là có những sự hướng tâm thiện hay  hướng tâm bất thiện rất quan trọng để chúng ta chú ý. Bởi vì chúng ta đừng nghĩ rằng một người mang một đời sống như vậy dầu đó là đời sống của một kiếp tu hành, hay đời sống của một người buôn bán, hay đời sống của một người nghệ sĩ, hay đời sống của một vị thầy giáo mà những đời sống này đều phù hợp với khuynh hướng của nội tâm của chúng ta. Có đôi khi khuynh hướng nội tâm của chúng ta rất lạ lùng. Chúng ta sống ở một hướng, chúng ta đang đi hướng này mà tâm tư của chúng ta lại hướng về một hướng khác. Và Đức Phật đặc biệt Ngài dạy chúng ta hãy nhìn vào tâm tư của mình để biết rằng có những thứ Tầm làm tăng trưởng thiện pháp, và có những thứ Tầm làm tăng trưởng ác pháp, có những thứ Tầm mang lại cho chúng ta sự an lạc, có những thứ Tầm mang lại cho chúng ta những sự khủng hoảng nội tại. Nói chung, về điều này là một điều hết sức quan trọng cho một người có ý thức được trong công việc trong đời sống nội tâm của mình nó tương quan với nhau như thế nào.

Khi đề cập đến quán chiếu nội tâm chúng ta cũng nói đến một khía cạnh xâu sắc hơn đó là Tâm Quán Niệm Xứ. Tâm Quán nNệm Xứ nghĩa là một người có khả năng nhìn vào nội tâm của mình cho dù tâm cao thượng hay thấp hèn tâm đó có tham dục hay tâm đó bằng trạng thái xả ly. Cho dù tâm đó là một nội tâm tinh tấn hay một nội tâm đang thối đoạ. Tất cả những trạng thái nội tâm đều là đề tài quán chiếu, đều là một công án để chúng ta nhìn vào. Và đều là đối tượng để chúng ta quán niệm không hơn không kém nghĩa là với một người thực hành Tâm Quán Niệm Xứ thì cho dù tâm tốt, tâm xấu, tâm thấp hèn hay tâm cao thượng v.v... thì tất cả chỉ là đối tượng để cho chánh niệm quán chiếu. 

Và về điểm này nó lại nói lên khía cạnh khác hết sức quan trọng là cuộc sống có ý thức và ý thức một cách rõ ràng về những gì đang xảy ra bên trong của mình. Lấy ví dụ như thời đại của chúng ta là thời đại nói nhiều về báo chí, tại sao báo chí lại mang lại sự quan trọng. Thật ra trong xã hội Việt Nam thì chúng ta chưa nhận thức được vai trò của báo chí bởi vì có lẽ báo chí chưa làm hết thiên chức của mình nhưng tại các thành phố lớn ở các nước phát triển thì báo chí là một diễn đàn để hướng sự chú ý quần chúng vào những lãnh vực của xã hội về kinh tế, về chính trị, về văn hóa v.v... và chính quần chúng chú ý vào điểm nào thì điểm đó sẽ được khai thông nếu nó bị bế tắc hướng đó, nó sẽ làm cho được sáng sủa hơn nếu nó bị tăm tối. 

Nói tóm lại, sự chú tâm của chúng ta ở đâu thì nó làm cho ở nơi đó khác hơn là chúng ta bỏ nó vào trong quên lãng. Thì tương tự như vậy trong sự quán chiếu nội tại trên phương diện Tâm Quán Niệm Xứ là chúng ta hướng Chánh Niệm của mình vào những gì mình đang suy tư, những gì mình đang suy nghĩ, cái hành hoạt của nội tâm làm cho cuộc sống của chúng ta khác hẳn hoàn toàn. Đúng ra, tại vì chúng ta chưa bao giờ có nhiều cơ hội để nhìn vào nội tâm của mình nhưng nếu chúng ta có được dịp sống trong sự im lặng giả xử như qúi Phật tử rời bỏ tất cả công việc nhà công việc sở đi vào các trường thiền vài ba ngày đầu có thể chúng ta rất bối rối không biết làm gì với thời giờ trống trải và không biết làm gì khi chúng ta sống trong một căn phòng rất đơn giản nhưng sau vài ba ngày trong điều kiện thanh tịnh độc cư chúng ta có được khả năng để sống lại với chính mình thì lúc đó chúng ta sống gần và chúng ta thấy rõ nét hơn nội tâm của chúng ta như thế nào thì lúc đó quả thật là dễ dàng để chúng ta nhìn thấy được tác dụng của sự quán chiếu nội tâm ./.

No comments:

Post a Comment