Wednesday, July 2, 2014

Theo Phật giáo như thế nào gọi là bạn lành?

Hỏi: Theo Phật giáo như thế nào gọi là bạn lành?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú - Minh Hạnh chuyển biên)

TT. Tuệ Siêu: Câu hỏi: “Theo Phật giáo như thế nào gọi là bạn lành?” . Đó là nói đến đức tánh của một người bạn lành được thể hiện ra với những dấu hiệu gì để chúng ta có thể nhìn vào đó biềt đuợc đây là người bạn lành, bạn tốt. 

Khi đề cập đến vấn đề này, chúng ta có rất nhiều khía cạnh để nói đến bởi vì trong Tăng Chi Bộ Kinh cũng như rải rác trong Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh đều có những lời Phật dạy về đặc tánh của người bạn lành.

 Ở đây khi nói đến người bạn lành, trước hết chúng ta nên hiểu:
- Một người thiện,
- Một người trí.
- Một người có cả hai điều đó. 

Một người thiện là một người có chí, một người tốt bụng. Như vậy cả ba hạng người này chúng ta gọi là người bạn lành, có đủ tư cách xứng đáng để làm người bạn lành của chúng ta. 

Khi đề cập đến người thiện, đức Phật ngài nêu lên những đặc tính, đặc tướng của người thiện, tức là khi người thiện họ làm thì làm những gì không có hại mình, không có hại người. Lại nữa, người thiện là người biết cảm hóa người khác cho được thanh tịnh và cũng bíết tự cảm hóa mình thanh tịnh. Như vậy gọi là người thiện. Lại nữa, người thiện là người có được tánh dễ dãi. Lại nữa, người thiện là người có thể nhẫn những việc khó nhẫn, cho những cái khó cho, làm những cái khó làm. Như vậy được gọi là người thiện. 

Còn như thế nào gọi là người trí, đáng là người bạn lành của chúng ta? Ở đây, trước hết trong bài kinh  Dighajànu, đức Phật Ngài dạy nên thân thiện làm bạn với những người lành,  là người có lòng tin, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ. Là người có thân thiện hạnh, hễ hành động thì hành động thiện, khẩu thiện hạnh, hễ họ nói thì nói lời thiện, ý thiện hạnh, hễ suy nghĩ thì suy nghĩ tư tưởng của bậc đại nhân, tư tưởng của người tốt. Đó là ba dấu ấn của người trí. Chúng ta cần phải lưu ý như vậy.

 Khi nói đến người tốt bụng, một người bạn lành chúng ta kết giao được thì ở đây chúng ta cũng nên chú ý một điểm là người nào hay khuyến khích cho ta điều lợi ích, gọi là bạn khuyến lợi thì đó là người tốt, chúng ta cần nên hiểu rằng một người bạn lành, một người nào có tánh thủy chung, không có sự thay đổi thì đó là người bạn tốt. Người nào có tình cảm ái mẫn, tức là có tình thương yêu bạn bè thì đó là người bạn tốt mà cần phải xem như là một người bạn thân thiện. 

Ở đây, khi chúng ta nói đến những đức tánh, những đặc tính vừa kể trên, đặc tánh của người thiện, đặc tính của người trí và đặc tính của người tốt thì khi chúng ta hiểu rõ được như vậy chúng ta hãy biết rằng những người đó là những người bạn tốt. Nếu chúng ta có giao du được thì chúng ta giao du. Có thân cận đựơc thì chúng ta nên thân cận với hạng người đó. Nếu không thì chúng ta xem như chưa gặp được người bạn lành thì chúng ta chớ có giao du một cách bừa bãi. Đây là những điểm chúng ta cần phải chú ý để chúng ta có thể xử sự trong đời sống hằng ngày của chúng ta. 

Khi một người thân cận với chúng ta thì hãy xét những đức tính đó nếu ai có thì xem như là người bạn lành để chúng ta chơi. Nếu như những ai không có đặc tánh của người trí. Đặc tánh của người thiện hay đặc tánh của người tốt thì như vậy chúng ta không nên thân thiện./.

No comments:

Post a Comment