Monday, July 7, 2014

Có phải chăng ai chế ngự được ý trong bất cứ mọi khi chế ngự ý tịnh tịch thoát khỏi mọi khổ đau?

Hỏi : Có phải chăng ai chế ngự được ý trong bất cứ mọi khi chế ngự ý tịnh tịch thoát khỏi mọi khổ đau?

. (Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Mình hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu : Ở đây thưa qúi vị chúng ta nói đúng thì cũng đúng nhưng nếu chúng ta nói còn thêm nữa thì chúng ta cũng còn thêm những pháp môn khác nữa trong sự giải thoát mọi khổ đau đòi hỏi rất nhiều yếu tố để thành tựu sự giải thoát, có yếu tố xa, yếu tố gần, yếu tố gián tiếp, và yếu tố trực tiếp, còn vấn đề chế ngự được ý thì được xem như là yếu tố gần.

Ở đây chúng tôi chỉ nói một cách tóm tắt như vậy. Yếu tố đưa đến sự giải thoát là yếu tố xa, tức là đối với một chúng sanh có tâm nguyện Bồ Tát từ trong vô lượng kiếp quá khứ, đã trải qua nhiều thời gian nhiều kiếp sống tu tập thiện nghiệp balamật với đầy đủ tâm huyết hạnh nguyện để được giải thoát trong kiếp tương lai. Thì khi chúng sanh đó được viên mãn cụ túc về phước balamật đây là một yếu tố có thể trợ giúp cho chúng sanh đó thành tựu được đạo quả, thành tựu được sự giải thoát. Chính ngay khi Đức Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật Ngài muốn tiếp độ chúng sanh nào Ngài cũng phải dùng Phật nhãn để quan sát chúng sanh đó có hội đủ duyên lành hay không, trong đời quá khứ họ đã tạo được thiện nghiệp như thế nào, họ có hạnh nguyện giải thoát hay không ngay trong thời kỳ hiện tại, sau khi quán xét nếu thấy rõ chúng sanh đó trong quá khứ tạo được những phước balamật và có tâm nguyện giải thoát ngay trong kiếp hiện tại này, thấy rõ như vậy thì Đức Thế Tôn mới đi đến để thuyếp pháp tế độ khai thị cho chúng sanh đó. Thì trong trường hợp này chúng ta thấy rõ là nếu như không có đầu đủ duyên lành trong quá khứ thì dù cho ngay trong kiếp hiện tại mà người đó có sự cố gắng có sự nỗ lực, nhưng sự cố gắng nỗ lực đó chỉ là chủng tử để trong tương lai thôi chứ không thể nào mà thành tựu sự giải thoát được.

Còn ở đây nếu như chúng ta nói chế ngự ý được tịch tịnh thoát khỏi mọi sự khổ đau là nói nguyên nhân gần hay yếu tố gần, thì điều này cũng đúng. Trong Pháp Cú kinh chúng ta gặp một trường hợp trong phẩm Citta Vagga có vị tỳ kheo tên gọi là Cittahattha hoặc những vị tỳ kheo khác vì nhờ chế ngự được nội tâm cho nên được thành tựu quả giải thoát. Hoặc như có một vị tỳ kheo xuất gia vào trong giáo pháp này gặp vị Hoà Thượng thầy tế độ và thầy giáo thọ những vị đó giải thích và bắt phải tuân thủ những giới luật như thế này như thế nọ, vị tân tỳ kheo này cảm thấy khó chịu bị ràng buột cho nên ý muốn hoàn tục trở về đời sống cư sĩ được thoải mái hơn, lúc bấy giờ vị thầy của vị tân tỳ kheo đó dẫn đến Đức Phật và vị tỳ kheo đã được Đức Phật Ngài dạy cho một pháp môn, Ngài bảo rằng;

"Này tỳ kheo nếu người sợ gìn giữ giới luật nhiều thì bây giờ ngươi chỉ gìn giữ một pháp được không?"

"Bạch Đức Thế Tôn con có thể gìn giữ được."

Thì Đức Phật Ngài dạy rằng:

"Hãy giữ cái tâm của ngươi."

Sau đó vị tỳ kheo cố gắng thu thúc kiềm chế và cuối cùng do sự thu thúc chế ngự được nội tâm mà vị này chứng quả Alahán..v.v... Trong trường hợp này chúng ta thấy rõ tất cả các pháp tùy vào ý mà sanh khởi.

"Ý dẫn đầu các pháp ý làm chủ ý tạo - Manopubba'ngamaa dhammaa manose.t.thaa manomayaa."

Cho nên các việc tu tập nếu chúng ta chế ngự được ý thì xem như là đã chế ngự được cả thân nghiệp và khẩu nghiệp. Và khi chúng ta chế ngự được ý khiến cho tâm được tịch tịnh, khiến cho trí tuệ được an trú, và liễu tri các pháp thì như vậy đưa đến sự giải thoát dễ dàng. Những ai tu tập mà tâm ý chưa được chế ngự thì như vậy người đó chưa đạt được kết quả và sẽ không đạt được kết quả bởi vì sự tu tập ở đây không phải tu tập bằng hình thức chỉ với màu sắc của giáo phục hay là bằng hình thức tôn giáo lễ lạy v.v... Tu tập chỉ có hình thức mà chúng ta không có thật sự chế ngự được tâm ý của mình thì chúng ta cũng sẽ không đạt được hiệu quả giải thoát.
Cho nên khi nói rằng "những người chế ngự được tâm ý trong bất cứ mọi khi chế ngự ý tịch tịnh thoát khỏi mọi khổ đau" thì trong trường hợp này cũng đúng và rất chính xác. Nhưng trường hợp đó là chúng ta nói yếu tố hiện tại. Còn nếu yếu tố vị lai thì xa, yếu tố quá khứ thì chúng ta còn xét lại. Cũng như trong bài kệ Pháp Cú 101, mặc dầu nhà khổ hạnh Bhàhiya không chính thức là một vị đệ tử xuất gia với Đức Phật bởi vì đang trong hình tướng của một vị du sĩ khổ hạnh mặc y phục bằng vỏ cây bện, thế nhưng với căn tánh của vị đó trong quá khứ đã tạo nhiều phước balamật, nhiều phước báu thành thử ngay trong hiện tại khi vị này khẩn khoản cầu xin Đức Thế Tôn thuyếp pháp cho ông ta nghe mặc dầu đang trên đường đi khất thực, Đức Phật Ngài thấy nhân duyên đã có nên Ngài khai thị bằng một bài kệ chỉ đơn giản nói về sự chế ngự ý để khởi sanh lên trí tuệ mà quán pháp có chánh niệm:

"Khi thấy chỉ biết là thấy, khi nghe chỉ biết là nghe, khi cảm nhận chỉ biết là cảm nhận, khi suy nghĩ chỉ biết là suy nghĩ."

Trong bài kệ Đức Phật Ngài nói cho Bhàhiya nghe có tánh cách là chỉ điểm cho ông ta trong việc tu tập nếu như không chấp tướng chung tướng riêng, không chấp ngã sở ngã đắc, mà khi mắt mũi tai lưỡi thân và ý thấy nghe ngửi nếu đụng và suy nghĩ và chỉ biết mắt là mắt cảnh sắc là cảnh sắc nhãn thức là nhãn thức v.v... thì như vậy vị ấy xem như đã chế ngự được những phiền não phát khởi từ nơi lục căn tiếp xúc với lục trần. Sau khi lãnh hội được ý nghĩa này ông Bhàhiya đã nhiệt tâm tinh cần suy niệm về những điều mà Đức Thế Tôn đã dạy và chính ngay trong lúc đó vị này chế ngự ý và thành tựu tuệ quán đạt đến quả Alahán. Thì đây là trường hợp mà chúng ta thấy rõ rất dễ dàng. Nhưng trong trường hợp đó chúng ta phải biết một người mà ngay trong hiện tại dầu cho được Đức Phật Ngài khai thị bằng phương tiện nào đi nữa bằng pháp môn gì đi nữa, chúng ta thấy rất là dễ dàng, nhưng chúng ta cũng phải hiểu và nhớ rằng không nên bỏ qua những yếu tố xa tức là yếu tố về quá khứ, tức là phước balamật. Đó là câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi chế ngự ý trong mọi khi để thoát khỏi mọi khổ đau.

No comments:

Post a Comment