Thursday, July 3, 2014

Khái niệm về "Dục" và "Hữu" chúng ta nên biết.

Hỏi: Khái niệm về "Dục" và "Hữu" chúng ta nên biết.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma  ngày 28-6-2014 - Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin được trình bày hai khái niệm mà tất cả chúng ta đều nên biết, đó là "Dục" và "Hữu". 

- Thật ra chữ "Dục" ở đây nói về những cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc. Nói một cách khác, đó là vấn đề ngoại cảnh. Ví dụ như chúng ta nhìn thấy một khu vườn rất đẹp hay một căn phòng trang trí rất đẹp với rất nhiều màu sắc đó là sắc. Tai chúng ta nghe những âm thanh rất ngọt ngào êm ái đó là thinh. Mũi chúng ta ngửi những mùi thơm đó là hương. Thì khi nói đến "Dục" là chúng ta nói đến ngoại cảnh. 

- Và khi chúng ta nói đến "Hữu" thì có tánh cách chủ quan "Tôi là ai", "Tôi sẽ như thế nào". Con người chúng ta sanh ra lớn lên ai cũng mong mỏi có một chỗ đứng trong xã hội, có một địa vị ở trong lòng người khác. Thí dụ như chúng ta học rất nhiều để có được học vị, ngoài việc kiếm cơm ra thì còn có chuyện là mình nói "Mình là ai", "Tôi là ai". Đi vào cuộc đời này có đôi lúc chúng ta cảm thấy mình quan trọng hay mình không có quan trọng và luôn luôn mong muốn mình sẽ đóng một vai trò gì đó, trở thành một ai đó. Có thể nó không hẳn riêng gì ở ngoài xã hội khi mà xã hội nằm ở trong phạm vi gia đình, chúng ta thấy vai trò của người vợ, người chồng, hay cha mẹ với con ở trong gia đình cũng là một vấn đề liên quan đến "Hữu". Ngay cả một vị ẩn sĩ, một người bỏ vào trong rừng mà nghĩ đến "mình sẽ là vị đạo sĩ, mình sẽ là một nhà ẩn dật" chữ gọi là "Ẩn sĩ" hay "Ẩn dật" và nếu mình không khéo thì cũng là một thứ một hình tượng về cái "Tôi" cái "Ta" chúng ta muốn trở thành như vậy. 

Dĩ nhiên, "Dục" và "Hữu" này không đơn thuần là cái gì mình muốn thì mình theo còn cái gì mình không muốn thì thôi, nó tự nhiên thôi thúc đẩy mình ở trong thế rất bị động mặc dù mình nghĩ mình chủ động. Chúng tôi lấy một ví dụ: Có một lần chúng tôi sang Thổ Nhĩ Kỳ thăm một nơi ngày xưa chúng ta nghe câu chuyện thần thoại Hy Lạp, rồi nghe những câu chuyện cổ Hy Lạp nói về con ngựa thần Troia. Khi chúng tôi đến thăm con ngựa thần Troia này, thật tình mà nói chúng tôi cũng quen thuộc với nền văn hóa của Âu Tây và đồng thời chúng tôi cũng không kỳ thị Hồi Giáo. Nhưng sống ở trong một khu vực 2 ngày rưỡi chung quanh là những giáo đường Hồi giáo và mình cảm thấy hơi xa lạ. Và thật sự một trong những ý tưởng mình muốn làm là muốn rời nơi đó để đi trở về với một nơi nào đó thân quen hơn, thoải mái hơn là sống ở trong một xóm làng của Hồi giáo. Thật ra chỗ đó không phải là chỗ xấu, không phải chỗ đó có những bạo loạn hay có những vấn đề về an ninh xã hội, mà thật tình chúng tôi đi đó đi đây chỉ thấy những nóc giáo đường và vào thăm một vài giáo đường rồi mình không muốn đi thăm nữa, tại vì chúng ta không quen với không khi đó. Thì lúc đó chúng tôi mới cảm nhận ra được mình có những lệ thuộc nhất định vào thế giới chung quanh, vấn đề là nó có quen hay không quen thôi, bình thường mình không nhận ra chuyện đó nhưng có đi có ở một chỗ khác biệt rồi chúng ta mới thấy được.

 Chúng tôi có gặp một Phật tử, người Phật tử đó sống bên Mỹ lâu thành quen với đất nước Hoa Kỳ và có một lần vị đạo hữu đó đi với một vị Thầy sang Ấn Độ hành hương ( không phải chúng tôi hướng dẫn). Thầy đó có lẽ là Thầy cũng chưa có kinh nghiệm nhiều do đó Thầy nghe những vị bên đó sắp xếp để đi xe lửa. Sau đó chúng tôi có gặp vị Phật tử đó ở tại Mỹ khi vị đó trở về vị đó nói với chúng tôi rằng ở trong cuộc đời chưa bao giờ có một giây phút nào hãi hùng bằng giây phút bước xuống nhà ga của Ấn Độ, ở trên thì đầy người và nhà ga thì dơ và ở dưới nhà ga thì đầy chuột, vị này thấy thì khóc và xin với vị trưởng đoàn lấy vé máy bay trả bao nhiêu cũng được làm sao rời Ấn Độ để về Mỹ. Thì thưa qúi vị, tại vì vị này vốn không có quen nhìn cảnh tượng đó và thấy cảnh tượng đó thì nghĩ cách nào mình phải bỏ mình phải chạy mình phải vượt ra ngoài khỏi nơi đó chứ mình không thể chịu nổi.

Thì khi chúng ta nghe nói đến "Dục" hay "Hữu" thì mình có cảm tưởng như mình là chủ động, mình muốn cái này muốn cái kia nhưng thật ra chúng ta ở trong thế rất bị động, mình không muốn thì nó cũng phải như vậy, lâu lâu chúng ta đi đâu đó, chúng ta sống, chúng ta làm việc gì đó mà chúng ta rời khỏi thế giới thân quen của mình thì mình mới thấy mình bị động như thế nào. Một hình ảnh trong kinh Đức Phật ví con cá bị vứt ra ngoài thủy giới tức là con cá bị quăng ra khỏi nước. Nước là môi trường của con cá bây giờ nó không đúng môi trường đó thì con cá vùng vẫy khó chịu. Đa số là cá sống trong nước trừ một loài cá là cá thòi lòi thì không nói nhưng cá thì sống trong nước khi ra khỏi nước thì nó khó chịu nó vùng vẫy. Thì như vậy, nước đó là một sự lệ thuộc của loài cá. Tất cả chúng ta đều có những lệ thuộc cố định, lệ thuộc vào sắc thinh khí vị xúc pháp. 

Thật ra, đôi khi cái gọi là dễ chịu thoải mái trong đời sống chúng ta nói cho cùng chúng ta đã tự tạo cho mình một thế giới thân quen thích hợp mình với thế giới thân quen. Và khi chúng ta rời khỏi thế giới thân quen đó để đi vào một nơi nào đó trở thành một người nào đó ở trong một hoàn cảnh nào thì nhiều lúc mình thấy rằng lạ quá, không thoải mái, và mình chỉ muốn trở về với thế giới thân quen đó. Đức Phật gọi là "Dục". Cái quen của mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, nó nặng lắm chứ không phải nhẹ, khi chúng ta nói "Dục Ái" . Mặc dù "Dục" là những trần cảnh là thế giới ở bên ngoài là ngoại giới nhưng đa số chúng ta đều lệ thuộc vào "Dục Ái". Mình tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình  mắt không còn nhìn thấy nữa, tai không còn nghe nữa, bị mù loà bị đui điếc thì chúng ta cảm thấy rằng rất khổ sở, tại vì sao, tại vì chúng ta sống phải có thế giới đó, chắc chắn là phải có thế giới đó không thể không có được.

Và chúng ta cũng bị lệ thuộc vào "Hữu", dù là một người rất tầm thường ở trong xã hội nhưng họ cũng muốn họ có một sự tôn trọng, một sự nhìn nhận nào đó của cuộc đời. Tại sao người ta hay kéo bè kéo nhóm, tại sao họ tham gia tổ chức này tổ chức kia, tại vì họ cần được sự nhìn nhận họ là ai, chúng ta muốn trở thành một cái gì đó trong cuộc sống thì cái đó chúng ta gọi là "Hữu".

 Và chính hai ý niệm này tạo thành trầm luân và sanh tử. 
Một cái "Dục" là sự hướng cầu với ngoại cảnh. 
"Hữu" là nói về sự tồn tại của một chúng sanh ở trong cuộc đời này qua một hình thái nào đó mà thật sự là chúng ta bằng trí thức nghèo nàn mình muốn mình sẽ là như vậy./.

No comments:

Post a Comment