Tuesday, August 6, 2013

Có nên cúng dường tàn thực không?

Hỏi: Nhiều khi Phật tử họ đến chùa, mang trái cây hay mang thực phẩm để cúng vong, Chư Tăng thường nói rằng thực phẩm đó Chư Tăng không thọ dụng. Xin  hoan hỷ giải thích cho Phật tử biết là theo luật, và cũng như theo tinh thần chung, tại sao có những thứ tàn thực, tức là thực phẩm dư thừa mà có thể cúng dường được, và trong trường hợp nào không nên cúng dường. Bởi vì chúng ta cũng nghe những câu chuyện là có những người họ đến chùa, họ không dám nêm nếm thức ăn,  họ sợ ăn trước Chư Tăng bị tội, và đồng thời cũng có những người họ hay mang đồ cũ đến chùa, cái nào đồ dư đồ thừa họ đem đến chùa cúng dường. Đây là một điểm chẳng những liên quan đến giới luật mà còn liên qua đến tinh thần nhân quả, liên quan đến luật cư sĩ. Xin  làm sáng tỏ cho điễm này.

(Thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu trả lời:  Ở đây, như chúng ta đã biết rằng vấn đề tàn thực có nên cúng dường, hay không nên cúng dường, chúng ta có hai sự kiện: là trên phương diện khách quan và trên phương diện chủ quan.

Nếu trên phương diện chủ quan, có nghiã người thí chủ họ cố tình đem tàn thực để cúng dường, cố tình dùng thực phẩm đã dùng trước, còn dư lại mới đem cúng dường, điều đó không nên, là bởi vì nếu họ làm như vậy đã tạo một điều phi công đức, nếu như họ có sự khinh thường đối với đối tượng xuất gia, đối với Ðức Phật hay là các vị Tỳ kheo Tăng.

Trường hợp thứ hai, dù cũng gọi là tàn thực, nhưng trong trường hợp đó thí chủ không có sự cố ý dùng trước để dành phần tàn thực cúng dường cho Chư Tăng, mà vì họ đã lỡ dùng một phần trước đó, rồi họ mới gặp được Ðức Phật hay gặp được Chư Tăng, họ mới nhịn miệng để lấy phần còn lại mà cúng dường đến Ðức Phật và Chư Tăng, nếu trường hợp họ không còn vật thực nữa.  Lúc bấy giờ tàn thực này được xem như là vật thí hợp pháp, bởi vì tàn thực phát sanh sau tư tưởng, sau sự cố ý hướng đến sự bố thí.

Trong một trường hợp khác, đó là trường hợp như Tôn Giả Racdhabala, Khi Ngài trở về quê nhà để thăm cha mẹ, lúc bấy giờ Ngài đi gần đến nhà, Ngài cũng ôm bát đi khuất thực, một người tớ gái ở trong gia đình quyến thuộc của Ngài, mang một thứ cháo đã thiu tính đem đi bỏ, lúc bấy giờ Ngài Racdhabala đang đi khuất thực, và Ngài cũng muốn nhân dịp này tạo cơ hội thân báu nhân khi Ngài trở về nhà. Ngài đã hỏi rằng: "Này chị, nếu như cháo mà chị đang bưng trên tay, cháo đó cần phải đổ bỏ, xin hãy đổ vào trong bát ".  Lúc bấy giờ người tớ gái liền đem tô cháo nguội đó sớt qua bát cho Tôn Giả  Racdhabala . Trong trường hợp này chúng ta cũng biết là không phải người tớ gái của gia đình Ngài Racdhabala, cố tình đem loại tàn thực đó để mà sớt bát bố thí cho Ngài Rachdhabala với sự khinh bỉ, mà tại do Ngài gợi ý như vậy, yêu cầu như vậy cho nên nàng làm theo lời yêu cầu đó.  Trong trường hợp này chúng ta thấy hoàn toàn không lỗi lầm gì cho người tớ gái khi họ cúng dường tàn thực.

Như trường hợp trong duyên sự khi ông Bà la Môn đó biết rằng mình còn thứ tàn thực, ông ta mới đi đến bạch hỏi Ðức Phật về việc nếu như tàn thực này Ngài có nhận được không?, thi` lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn Ngài đã gợi ý rằng đời sống của vị Sa Môn, của một vị Tỳ kheo đi khuất thực thì vật thực nào cũng là vật thực, dù đó là tàn thực cũng có thể thọ dụng được, Ðức Thế Tôn đã gợi ý như vậy cho nên hai ông bà hết sức là hoan hỷ, phát lòng tịnh tín và đem vật thực đó đến cúng dường Ðức Phật, trong trường hợp đó cả hai ông bà đều không có lỗi lầm, bởi vì hai ông bà đã lên tiếng trước, đã hỏi trước, và được sự chấp của Ðức Phật,  mới đến cúng dường cho Ðức Phật.

Khi một người bố thí cúng dường nếu như họ biết đó là tàn thực, và họ cố tình ăn trước để làm những thực phẩm đó trở thành tàn thực rồi mới đem bố thí sau, đối với sự kiện này không nên cúng dường, bởi vì làm như vậy họ sẽ mang hậu quả xấu về sau này khi họ được phát sanh lên quả vật thực phát sanh  chỉ là đồ vật thực cơm thừa canh cặn mà thôi.

Còn ở đây, nếu như gọi là tàn thực, nhưng thực sự người này hoàn toàn không có sự cố ý mà chỉ vì đang lỡ dịp, và trông thấy một vị Tỳ kheo người đó phát tâm hoan hỷ cúng dường phần còn lại nếu như họ không có một thức ăn nào khác nữa, trong trường hợp đó vẫn là có phước./.

No comments:

Post a Comment