Tuesday, August 13, 2013

Làm thế nào để tự thuyết phục chính mình thay đổi cách nhìn về tư duy và cảm thọ?

Hỏi. Làm thế nào để tự thuyết phục chính mình thay đổi cách nhìn về tư duy và cảm thọ? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 7 -6-2013, Thiên Ân chuyển biên Minh Hạnh hiệu đính)

ĐĐ Pháp Tín: Phải nói rằng, muốn thay đổi hoàn toàn cái tư duy hay sự suy nghĩ của mình, thì ở đây trong ý nghĩa: ví dụ, hồi trước mình từng suy nghĩ lệch lạc hoặc mình suy nghĩ mê lầm, hoặc trong khía cạnh nào đó, bây giờ mình thay đổi tư duy mới, suy tư mới thì điều này rất là khó. Nhưng nếu chúng ta muốn thay đổi những tư duy thì cần phải có sự xác định, như hồi trước giờ mình suy nghĩ con người có định mệnh, có một cái gì chờ đợi sẵn rồi, bây giờ nếu thay đổi sự suy nghĩ của mình thì người này trước nhất cần có sự xác định.  

Có nghĩa là mình phải xác định lại trước giờ mình suy tư như vậy có đúng không, mình có những sự suy nghĩ như vậy có đúng không. Điều này nếu một người nào biết thì dễ, còn người nào không biết thì rất khó. Ví như người chấp chặt quá thì rất khó gỡ bỏ. 

Trong kinh kể rằng có một vị Bà La Môn đi đến hỏi Đức Phật,

 “Bạch Đức Thế Tôn, con thấy hình như ở trên đời này có một cái định mệnh, có một chuyện gì đó sắp xếp sẵn như vậy rồi”.

  Đức Phật hỏi lại:
  
   “Này ông Bà La Môn, ông có thể tự bước tới được hay không, ông có thể tự bước lui được hay không?
   
    Tự đi tới, tự đi lui được thì chuyện đó dễ dàng, nên ông Bà La Môn trả lời với Đức Phật là tự ổng đi tới được và tự ổng đi lui được, điều đó ổng làm được. 
Cũng vậy, ở trong cuộc đời này nếu chúng ta muốn có đời sống ấm no, hạnh phúc hoặc chúng ta có sự cầu tiến thì chúng ta tiến tới, tức chúng ta có sự siêng năng, tinh tấn thì chúng ta lướt tới, chúng ta sẽ đạt đến sự hạnh phúc đó. Còn nếu chúng ta muốn bỏ cuộc đời này thì cũng như một người tự động đi lui, tự động mình buông lung, tự động mình bỏ rơi, chứ không ai sắp đặt hết. 
Cũng vậy, nếu chúng ta muốn thay đổi những suy nghĩ đó thì chúng ta phải có sự xác định, mà sự xác định này có nhiều khi chúng ta nhìn lại cuộc đời của chúng ta, ví dụ một người học sinh nghĩ rằng, tại sao ở trong cuộc đời ngày hôm nay mình không thành đạt, thì họ nghĩ rằng, ở trong quãng đời mình còn đi học, mình không chịu cố gắng học nên bây giờ mình phải chịu hậu quả, đồng lương của mình không cao bằng người có học.
 Thật ra, khi mình suy nghĩ lại những điều này thì mình thấy rằng là không có một cái gì sắp đặt sẵn, chỉ do mình, mình làm ác cũng do chính mình hoặc mình bị ô nhiễm cũng do chính mình, không ai làm cho mình ô nhiễm cũng như không ai đem điều gì đến sắp đặt, gán vào cho mình. Khi mình có suy nghĩ đúng điều đó đem lại cho mình rất nhiều điều an vui hoặc nhiều sự an lạc ở trong cuộc đời này.
 
Mình nhìn lại cuộc đời của chúng ta. Mình thấy tại sao mình có tánh ưa nóng giận, thì đây là tập khí mà mình huân tập. Có tập khí, có thói quen của mình nên chắc chắn rằng ở trong quá khứ mình cũng đã từng có những hành động này rồi, nên mình biết rằng do những hành động ở trong quá khứ mình không hiểu biết, hoặc do mình tham chấp cái gì đó thành ra mình mới có những việc làm bất thiện, do vậy ở trong đời sống này mình phải gánh chịu những hậu quả chứ không phải một người nào đó đặt ra cho mình. 
 
 Nhân gian có câu “cha mẹ sanh con, trời sanh tánh,” điều này nói ngoài thế gian thì được, nhưng trong Phật Giáo không phải trời sanh tánh mà tánh người con đó là do sự huân tập ở trong quá khứ chứ không phải tại cha mẹ hay tại gien di truyền của cha mẹ. Có những cha mẹ là thầy cô giáo nhưng người con lại là người đốt sách, người con rất dở. Điều này không phải gien di truyền mà là do nghiệp của người đó trong quá khứ và hành động của chúng sanh đó trong hiện tại có những hành động như là không siêng năng, chăm chỉ, v…v, nó dẫn đến những hậu quả như vậy, chứ không phải là gien di truyền của cha mẹ. 
 
 Nếu chúng ta muốn có sự thay đổi thì chúng ta phải có sự xác định lại. Ví dụ, mình ngồi suy tư lại hoàn cảnh của mình hồi trước giờ, hồi trước giờ mình thất bại là do đâu, do mình bị những lỗ hỏng nào hoặc do mình có những khuyết điểm gì đó, thì khi mình thấy được, gặp được những điều đó chúng ta muốn khắc phục, muốn sửa chữa thì chúng ta sẽ lần lượt thay đổi những cách suy nghĩ, những cách làm, những hành động hoặc những lời nói. 
 
 Ví dụ như, có những người khi họ nói chuyện không hợp với người nào, nếu mình biết mình như vậy thì mình phải suy nghĩ lại tại sao vậy, tại vì người ta nói mình cũng nói, hoặc người ta nói một mình nói hai, không có sự thay đổi hoặc không có chia sẻ với nhau được, thì mình suy nghĩ lại, có khi mình cần lắng nghe người ta nói, hoặc có khi mình cũng phải chờ người ta có dịp để mình nói người ta nghe v…v. Khi chúng ta biết nhìn lại như vậy thì những suy tư hay những tư duy của chúng ta thay đổi dần dần. 
 
 Chúng tôi nhớ rằng là ngày xưa khi chúng tôi còn đi học trong thời phổ thông lớp bảy lớp tám, do thói quen khi nói chuyện với bạn bè thường xưng hô với nhau là mày tao không. Một lần có một cô gái nói với chúng tôi rằng bạn nói chuyện mày tao không à, nói chuyện với bạn ngại quá, kỳ quá nên thôi không nói chuyện nữa. Thật sự ra lần đó chúng tôi mặc cảm, rất mắc cỡ thưa quý vị, chỉ trong một thời gian ngắn sau thôi, những người bạn đó gặp chúng tôi nói chuyện thì lúc đó chúng tôi chỉ xưng bạn với bạn thôi, thì cũng chính người đó không ngờ chúng tôi thay đổi quá nhanh, có nghĩa là lúc đó chúng tôi chuyển tình huống từ bại sang thắng rất lẹ, cũng như lúc đó mình thu phục được tâm của người đang nghe mình nói. 
 
  Ở đây, chúng tôi nói điều này với ý nghĩa gì. Có nghĩa là nhiều khi chúng ta phải nhìn lại cái tâm của chúng ta, chúng ta thấy rằng mình bị khuyết điểm nào hoặc mình bị trục trặc chỗ nào thì mình sửa lại chỗ đó, mình cố gắng mình biết được là mình bị khiếm khuyết ngay chỗ đó để mình sửa lại thì dần dần những suy nghĩ hay suy tư của mình nó sẽ thay đổi hoàn toàn. Một lúc nào đó chúng ta sẽ hoàn chỉnh lại nhờ chúng ta có những sự thay đổi này. 
  

No comments:

Post a Comment