Hỏi: Xin chia sẽ cảm nhận cá nhân khi nghĩ về tịnh lạc Niết bàn
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 1-8-2013, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Có ba điều thích thú khi nghĩ đến làm chúng tôi liên tưởng đến Niết-bàn:
- Thứ nhất, tánh cách vô định hay vô chừng của đời sống. Đời sống thì ai cũng mong muốn phải như thế này phải như thế kia. Nhưng, cuộc sống vốn do nhiều nhân nhiều duyên, mình khó có thể biết rõ và biết hết cái gì đang xảy ra. Thí dụ, một chuyện gì mình làm tốt làm thành công thì không phải chỉ do một mình làm mà trong đó có công của những khác nữa. Và khi mình nghĩ đến cuộc sống nhiều nhân nhiều duyên chúng tôi cảm thấy rất là cảm kích giáo lý Duyên Khởi Duyên Sinh cũng như Duyên Hệ và khi cảm nhận điều này thì chúng tôi nghĩ rằng tất cả những bước đi ở trong vòng luân hồi may ít mà rủi nhiều, nó đưa đẩy mình không biết được mình sẽ ra sao. Thật ra, giống như trường hợp mình đi vào trong rừng sâu mà mình không biết đường đi lối về và mình không biết gì hết thì mình chỉ muốn ra khỏi khu rừng đó thôi. Thật tình mà nói thì càng sống và càng cảm nhận được, lấy ví dụ đơn giản là thân của mình có muôn ngàn khả năng bị bịnh tật, mình không hiểu hết nó, khi thì đau răng, khi thì đau bụng, khi thì cảm, chưa kể bị tiểu đường bị ung thư v.v... thì mình thấy thân mình rất vô chừng mình không biết được. Tâm của mình thì nó cũng có trăm ngàn thứ bấp bênh hoặc vui hoặc buồn, chợt khổ đau, chợi an lạc. Nếu mình tính ra cho kỹ thì thì ngay cả những gì xảy ra trên thân và tâm của mình nó cũng mang tánh cách vô chừng, sự vô chừng hay sự bất định làm cho tâm của chúng ta dễ dàng nghĩ đến Niết-bàn.
- Và một điều khác làm chúng tôi cảm thấy rất thích thú đó là, tâm không có kỳ vọng không mong mỏi. Chúng tôi quen biết với nhiều Chư Tăng và khi đi làm việc thì nhiều khi qúi vị có kỳ vọng là đặt chân đến nơi nào đó thì mong sẽ được cái này mong sẽ được cái kia và riêng với cá nhân chúng tôi thì khi đi sinh hoạt chỉ là điều tự nhiên thôi chứ chúng tôi không mong mỏi gì. Trong thời gian gần đây có một chương trình văn nghệ do một số ca sĩ dẫn đầu là cô Ngọc Đan Thanh thực hiện chương trình văn nghệ ủng hộ cho chùa Pháp Luân và lúc bấy giờ thì họ tìm những người bảo trợ chương trình văn nghệ và có một Phật tử nói với chúng tôi là sao tụi con quen với Sư khoảng chừng hơn 30 năm rồi mà con đi chùa này chùa kia cúng dường mà sao con thấy Sư gặp tụi con mà không kêu gọi, chúng tôi thật tình mà nói thì nghe người Phật tử này nói vậy chúng tôi trả lời rằng "làm việc Phật sự thì tùy theo sự pháp tâm", nhưng chúng tôi nói thì nói như vậy mà trong lòng chúng tôi nhớ đến câu chuyện của Đức Bồ Tát trong kinh Bổn Sanh dạy rằng: một người mà mong mỏi người khác, kỳ vọng người khác thì nếu sự kỳ vọng đó không được thì mình cũng không an lạc và người đó cũng không an lạc. Chúng tôi làm việc chùa thì chúng tôi nghĩ là qúi Phật tử nào phát tâm thì tốt không có thì thôi, nhưng nếu mình kỳ vọng mình mong mỏi người này thế này người kia thế kia thì vừa phiền cho họ và vừa phiền cho mình, thì mình cứ làm việc tùy duyên. Những giây phút đó chúng tôi cảm thấy an lạc thật sự tại vì mình không có mong muốn nhiều quá không có kỳ vọng nhiều quá và không có khao khát nó thì chúng tôi nghĩ đó là hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tương tựa như hạnh phúc của Niết-bàn là hạnh phúc không có khao khát. Khi mình quá mong đợi quá khao khát chuyện gì nó làm cho chúng ta khổ.
- Chúng tôi cũng có một suy tư khác làm cho chúng tôi nghĩ đến Niết-bàn đó là, ở trong cuộc đời của chúng tôi có được kinh nghiệm là mình sống ở trong một số cảnh hoàn mãn mà nó hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như hồi chúng tôi còn nhỏ chúng tôi thấy những con sông những cánh đồng ở miền quê chúng tôi ở rất là đẹp, nhưng khi lớn lên được đi qua những rặng núi như Alpes của Âu Châu hay là rặng Rocky của Hoa kỳ thì thấy nó cũng đẹp, và thấy sở dĩ hồi nhỏ mình thấy miền quê sông núi mình đẹp nhất là bởi vì mình không biết gì về thế giới bên ngoài, và do mình không biết nên chi mình chỉ tha thiết với cái gì hạn hẹp mà thôi.
Khi chúng tôi đang nói chuyện với qúi vị ở đây chúng tôi hoàn toàn tin rằng cái gì mà mình thật sự biết về thế giới tâm linh thật sự rất hạn hẹp so với cái mình không biết và trong thế giới đó nó có trăm muôn ngàn thứ mà mình không biết, do đó, thường thường người ta mô tả một cách nghèo nàn người ta đưa ra những ước vọng mà những ước vọng thật ra bị hạn chế về nhiều phương diện. Nên khi chúng tôi nghĩ đến một điều Đức Phật Ngài dạy: "không phải chỉ có thủ đắc tài sản là hạnh phúc mà biết cho cũng là một điều hạnh phúc." Điều này nó lạ với nhiều người. Không phải chỉ có sự tự do phóng túng thì mới có sự thích thú mà ngay cả sự tự chế cũng có sự thích thú. Không phải chỉ có cõi người mới có tất cả những cái đẹp mà nếu so sánh với thiên cung ở cõi trời thì cõi trời không biết bao nhiêu là cái đẹp. Không phải chỉ có sự hưởng thụ các cảnh dục mới hạnh phúc mà chính sự ly trần vô cấu cũng là hạnh phúc. Và Đức Phật Ngài cũng dạy không phải chỉ có đời sống bên ngoài là hạnh phúc mà đời sống xuất gia cũng có hạnh phúc.
Khi mà nghĩ tới những cái vượt ngoài tầm hiểu biết của mình nó đối lập với những gì mình có và mình cũng phải tự khẳng định một điều rằng sự tha thiết của mình rất là nghèo nàn về nhiều phương diện, về những điều đó làm chúng tôi rất là thích thú./.
No comments:
Post a Comment