Monday, August 12, 2013

có phải sự diệt tận là Niết Bàn?

Hỏi: có phải sự diệt tận là Niết Bàn?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 30-7-2013, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trong câu hỏi và trả lời của vua Milinda và Tôn giả Nan Tiên đề cập đến một vấn đề rất xâu xa trong đạo Phật, đó là cứu cánh giải thoát, ngay cả chữ giải thoát có nghĩa là vượt ra ngoài vượt lên trên những khổ ải của đời sống.  Nói một cách khác, trong thế giới của ngôn từ chúng ta dùng kinh nghiệm đang có được nhận thức rõ ràng để hiểu cái gì khác biệt. 

Ở đây, đau khổ là một cái gì rất gần gủi trong đời sống và khi chúng ta hiểu ngược với đau khổ là hạnh phúc thì ở đó chúng ta hiểu được một phần nào của giải thoát của Niết-bàn. Dĩ nhiên, lãnh hội về sự đau khổ của mỗi người trong chúng ta có mỗi khác, khi mình còn nhỏ nhìn cái khổ của cuộc sống khác, khi lớn lên mình có trách nhiệm nhất là những vị có vợ, có chồng, có con cái thì nhận thức sự khổ khác, và khi mình lớn tuổi trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong cuộc đời mình cảm nhận cái khổ khác. Và riêng với người Phật tử hiểu rằng một người có tu tập thì nhận thức sự khổ khác và người không có tu tập thì nhận thức sự khổ khác. 

Một câu chuyện về vua A Dục, khi nhà vua nói chuyện với người hoàng đệ của mình và vị hoàng đệ có lời phê bình về chư tăng về đời sống của chư tăng, vua A Dục đã ôn tồn giải thích cho vị hoàng đệ biết được là Chư Tăng xuất gia tu tập bởi vì ý thức được cái khổ. Tuy nhiên, những điều đó không thay đổi cái nhìn của người em và cuối cùng thì nhà vua phải lập kế rủ vị hoàng đệ đi tắm biển cùng với những người thân trong hoàng tộc và theo lời dặn dò của nhà vua thì trong lúc nhà vua đang tắm những vị quan trong triều đến trước vị hoàng đệ nói rằng:

- "Theo luật định của vương quốc chúng ta nếu đương kim Thánh Thượng băng hà thì vị hoàng đệ sẽ được thừa kế ngai vàng trước khi trao ngai vàng lại cho hậu duệ tức là con cháu, bây giờ thì đâu ngài thử mặc hoàng bào vào để chúng tôi thấy có oai phong không." 

Vị hoàng đệ nghe nói như vậy thì cũng vui và nghĩ rằng mình với nhà vua chỗ thân tình nên lấy hoàng bào của vua A Dục mặc ướm thử. Lc đó vua A Dục xuất hiện và vua xem đó là tội khi quân truyền lệnh đem chém đầu, các vị quan quì năn nỉ, cuối cùng nhà vua đã cho hoàng đệ một ân huệ là được làm vua bảy ngày, trong bảy ngày đó được ăn thức ăn của vua, được sống trong hoàng cung, được người hầu kẻ hạ, tức là tất cả những gì hưởng thụ tốt nhất của nhà vua có thì vị hoàng đệ có thể hưởng được, duy chỉ có một điều là mỗi buổi chiều trước khi mặt trời lặn một viên quan lên cổ lầu đánh ba hồi trống rồi hô to rằng:

- "hôm nay là ngày thứ nhất còn sáu ngày nữa thì hoàng đệ của nhà vua sẽ bị xử tử." Ngày hôm sau cũng tuyên bố như vậy nhưng số ngày giảm dần năm ngày, bốn ngày, ba ngày, hai ngày, một ngày. Đến ngày thứ bảy vua A Dục đến thăm vị hoàng đệ và hỏi vị hoàng đệ trong mấy ngày qua những người hầu cận có làm tốt không, thì vị hoàng đệ trả lời là có, và hỏi rằng vậy hoàng đệ có hạnh phúc không, thì vị hoàng đệ trả lời rằng mặc dù sống ở trong cung điện nguy nga, mặc dù có người hầu kẻ hạ, mặc dù có hưởng thụ những dục lạc nhưng thật ra trong lòng không vui khi nghĩ đến cái chết sẽ đến trong ngày thứ 7 và đặc biệt vị này cũng nói rằng ảm đạm nhất là mỗi buổi chiều nghe tiếng của các viên quan sau ba hồi trống hô lên hôm nay là ngày thứ mấy còn bao nhiêu ngày nữa là đem ra xử tử thì thật sự tất cả mọi thứ khác đều vô vị. Nhân đó nhà vua A Dục đã nói với vị hoàng đệ về bản chất của đời sống xuất gia là ý thức được cái khổ của đời sống và hướng cầu giải thoát. 

Thật ra, câu chuyện đó gợi nhắc cho chúng ta một điểm, một người tu Phật dù xuất gia hay tại gia khi nghĩ đến giác ngộ giải thoát khi nghĩ đến tịch tịnh Niết-bàn chúng ta phải cảm nhận cái đau khổ sâu sắc ở trong đời sống và đau khổ là cái gì có thừa, đau khổ là cái gì hiển hiện ngay trước mắt, đau khổ là bài học lớn bài học rất gần gủi . Có lẽ bây giờ nói về Niết-bàn chúng ta không cảm nhận được nhiều vì chúng ta chưa chứng đắc được Niết-bàn nhưng nói về đau khổ thì chúng ta có thể cảm nhận được và đối lập với đau khổ chính là Niết-bàn.

Ngày hôm nay, chữ Niết-bàn ở trong Anh ngữ dùng chữ "Nirodha" là tiếng Phạn, được biết rất nhiều  khái niệm. Người ta cũng nói đến một thứ hạnh phúc vượt lên trên, một hạnh phúc hoàn toàn không có khổ, tuy nhiên chữ "Nirodha" người Tây Phương hiểu ý nghĩa khác với trong Phật Pháp, trong Phật Pháp thì nghĩa là vượt lên trên tất cả những gì thuộc về hữu vi Pháp, nó vượt lên trên tất cả những gì thuộc về vô thường, khổ, nó vượt lên trên tất cả những gì mà cái phàm tình chúng ta có thể nhận thức.  Dù sao đi nữa thì chúng ta cũng có thể lãnh hội được Niết-bàn qua sự diệt khổ. 

Thỉnh thoảng trong đời sống có nhiều nét để mình chiêm nghiệm điều này. Ví dụ, mình đang lo lắng về một chuyện gì đó, chẳng hạn người có con đi chơi đêm qúi vị ở nhà lo lắng, thì qúi vị thấy cuộc sống khổ, khi nào con lớn qúi vị không lo nữa lúc đó qúi vị thấy rằng đây chính là không lo nghĩ thì mình bớt đi cái khổ. Hoặc giả, chúng ta bị nhức răng nó hành hạ chúng ta nhiều ngày rồi đi bác sĩ họ chữa không bị nhức răng nữa, hay chúng ta chi tiêu nhiều tiền nợ thẻ tín dụng lúc nào cũng thấy cái bill rất lớn sợ không có tiền để trả bây giờ trả hết thì cảm thấy giống như trút được gánh nặng. 

Tất cả những thí dụ đó đều cho chúng ta những bài học lớn về cái gọi là Niết-bàn. Chúng ta thường không phân biệt được với cái khổ và sự thoát khổ, nhiều khi chúng ta nhận giặc làm cha tức là nhiều khi chúng ta nhận cái khổ làm niềm an lạc cho chính mình. 

Ví dụ, nhiều người thích giữ con giữ cháu cho vui, thì lúc giữ cháu vui thì cũng vui nhưng trong cái vui đó có mệt mỏi cực khổ phải quan tâm. Hay là mình đi bộ không cần có cái xe rất là khỏe khoắn bây giờ mình mua một chiếc xe thật đẹp rất là tốt nó quá tốt đến nỗi mình đi đâu cũng lo sợ bị ăn cắp lo sợ bị người ta làm trầy. Thì cái vui cái khổ lẫn lộn như vậy. Hay hoặc giả là mình sống cuộc đời rất an vui tự tại tự nhiên rồi mình nhận một chức vụ một vai trò gì đó thì địa vị nó chẳng đem lại lợi lộc gì mà địa vị đó làm cho mình khổ, làm cho mình trở thành cái bia, nó làm cho người ta nhìn vào làm cho người ta soi mói làm cho người ta thích phê bình thì dĩ nhiên là mình khổ.

Nói tóm lại là khổ là bài học rất lớn, với người Phật tử và đặc biệt với vị hành giả tu tập thì khổ không nên là một điều làm chúng ta dãy nảy, khổ không nên là một điều chúng ta bực bội, khổ không nên là một điều chúng ta chối bỏ. Trái lại, mình biết sự khổ không tránh khỏi thì mình dùng sự khổ đó để tạo ra đề mục cho sự quán tưởng, sự quán tưởng thế nào là sự khổ trong cuộc đời này. 

Chúng tôi có một vài lần đọc những câu kinh, thí dụ như có một lần Đức Phật Ngài dạy Tôn giả Ananda rằng cái thân của Ngài đã lớn tuổi rồi nó giống chiếc xe vua một thời lộng lẫy bây giờ muốn xử dụng được nữa thì phải ràng phải rịt phải bảo dưỡng thế nào để chiếc xe có thể gìn giữ được, Ngài ví dụ thân này già nua giống như chiếc xe cũ. Lúc chúng tôi sống gần Ngài HT Hộ Giác, lúc Ngài đi lọc thận, lúc Ngài nằm bệnh viện, lúc Ngài đang chữa bệnh, và những lúc Ngài sắp ra đi thì lúc đó chúng tôi mới thấy rằng Ngài được nổi tiếng là một vị Pháp Sư, lúc Ngài còn trẻ được nổi tiếng là người có tướng hảo rất quang minh bây giờ Ngài nằm đó cái thân của Ngài trở thành gánh nặng, gánh nặng đó Ngài phải chịu đựng cái khổ của thân, chịu đựng với những cái khổ của những phương pháp chữa trị, chịu đựng với sự vật vã của thuốc men. 

Nói tóm lại. bây giờ chúng ta thấy cái thân là gánh nặng và điều đó nó trở nên đề mục tốt để chúng ta quán tưởng. Thường thường chúng ta rất yêu cái thân này, chúng ta xem cái thân này như của báu, chúng ta xem thân này như cái gì phải nâng niu. Nhưng mà, một lúc nào đó do điều kiện hoàn cảnh phương tiện thì mình có thể ngồi lại và mình thấy được rằng chính thân này là ổ của bệnh tật, chính thân này là một gánh nặng, chính thân này bắt buộc chúng ta phải chịu đựng rất nhiều thứ bệnh khổ. Dần già mình nhận thức được cái khổ dựa trên thân của mình thì đối lập với cái khổ đó là sự giải thoát giác ngộ. Và chúng ta hi vọng rằng sự quán tưởng về tịch tịnh Niết-bàn là một ở trong pháp quán giúp cho chúng ta nhiều để chúng ta nâng cái nhìn của chúng ta lên cảnh giới của giác ngộ giải thoát./.    

No comments:

Post a Comment