Hỏi: Pháp quán tưởng đoàn thực .
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đoàn thực ở đây chỉ cho những thức ăn hàng ngày trong đời sống của chúng ta giống như cơm canh cháo hủ tíu v.v... tất cả những gì mà chúng ta ăn để nuôi mạng thì chúng ta gọi là đoàn thực, thì đoàn thực đó nuôi dưỡng sự sống của thân. Và thưa qúi vị, ăn, thưởng thức ăn, đam mê ăn, sống không thể không ăn, đó là một phần lớn trong đời sống của chúng ta. Làm thế nào chúng ta thấy được sự chi phối của nó, thấy được sự dính mắc của nó. Không phải là dễ dàng. Từ cái ăn thì thay vì chúng ta thấy nó là một gánh nặng thì chúng ta thấy nó không là gánh nặng. Ngày xưa thời chúng tôi sống ở VN sau 1975 có một người đã từng nói một câu rằng "ở trong cuộc sống mà không phải chạy gạo từng bữa là một hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời" lúc đó gạo châu củi quế, lúc đó quả thật là miếng ăn là quan trọng nhất, có cái miệng và có bao tử khổ quá, người ta nắm bao tử là người ta nắm được vận mệnh của mình, người ta nắm bao tử là người ta dễ sai xử mình, và ăn giống như là chúng ta đổ xuống hố xâu vậy, đổ hoài nó không đầy, cả cuộc đời đi làm chỉ nghĩ đến ba bữa ăn cho mình cho những người thân trong gia đình, mệt mỏi quá, nhưng dầu vậy đôi khi chúng ta không thấy thèm ăn hay chúng ta ăn không ngon là có vấn đề, như vậy chúng ta không có thấy ăn là vấn đề mà chúng ta thấy ăn là một hưởng thụ và hơn thế nữa là chúng ta chắp chặc vào thế giới hưởng thụ đó, làm sao mà bữa ăn đó nếu chúng ta có tiền trình bày cho đẹp, mình nấu ăn mình phải để hành để ngò cho tô canh thấy đẹp, kho cá phải làm sao màu cho đẹp. Và thỉnh thoảng ở trong những bữa ăn chúng ta lại ghiền cái âm thanh, hồi nhỏ chúng tôi nhớ là một âm thanh từ thức ăn mà làm chúng tôi thích đó là âm thanh của mỗi lần bà ngoại chúng tôi nướng bánh tráng hay thân mẫu chúng tôi nướng bánh tráng, bánh phồng bánh tráng khi đưa lên lửa nó có âm thanh đặc biệt rất dễ thương, và thật sự nó cũng là thứ dính mắc. Mùi của thực phẩm thì khỏi nói. Vị của thực phẩm là điểm chính. Cái xúc chạm đôi lúc cũng là một vấn đề lớn. Chúng tôi lấy ví dụ là có những thức ăn chúng ta cảm nhận được cái mềm, cái cứng, cái dòn của thực phẩm, khi chúng ta cảm được cái mềm, cái cứng, cái dòn, cái dai của nó, tất cả những cái đó thuộc về cảnh xúc không thuộc về cảnh vị. Cảnh vị là, lạnh đắng cay chua ngọt v.v... và vì vậy Đức Phật Ngài dạy ở tại đây là, ai hiểu đoàn thực thì người đó hiểu năm dục trưởng dưỡng. Năm dục trưởng dưỡng gồm, sắc thinh khí vị xúc, cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình nếm, cái gì mình đụng, nói một cách khác là đối tượng của nhãn thức, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, của xúc giác và bên cạnh đó nó chi phối lớn đời sống của chúng ta. Chúng ta cần có cái gì đẹp để thấy, có cái gì hay để nghe, có cái gì thơm để ngửi, có cái gì ngon để nếm, có cái gì êm ái để đụng chạm, và những thứ đó nó trở thành tạo nên một trạng thái mà chúng ta gọi là hưởng thụ cuộc sống, nhưng giữa cái hưởng thụ và cái giá phải trả cho sự hưởng thụ, cái khổ của sự có đó chúng ta không biết cân như thế nào.
Thì ở đây Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta một thí dụ, thí dụ này xem ra là một thí dụ tương đối rất nghiêm khắc, chúng tôi nói rất nghiêm khắc tại vì nó không đơn giản, bây giờ chúng ta cứ thử tưởng tượng là Đức Phật Ngài dạy một người tu tập làm thế nào hàng ngày khi vào bữa ăn một vị tỳ kheo tâm niệm; ăn không phải để vui chơi, ăn không phải để tham đắm, ăn không phải để trang sức, ăn không phải để béo tốt, chúng ta có bao giờ vượt ra ngoài khỏi bốn ý niệm mà Đức Phật dạy, khó lắm, thấy như vậy nhưng không phải là dễ, dĩ nhiên là có những bữa ăn qua loa của chúng ta, nhưng để chúng ta tâm niệm như thế nào một bữa ăn hoàn toàn không có bốn ý niệm đó thật sự là khó, nó không có cái này thì cũng có cái kia. Không phải ăn để vui chơi, thí dụ bữa nay buồn quá kiếm cái gì ăn, gọi là ăn để vui chơi, ăn để đỡ buồn miệng. Rồi ăn để tham đắm, ăn cái gì đó cảm thấy rằng mình tận hưởng tận cùng cái hương vị của đời sống, có ăn để trang sức, ăn để làm cho đẹp da, ăn để cho đẹp mặt, ăn để béo tốt như bodybuilder như những người ăn sao cho cơ thể lớn mạnh.
Thì thật ra những tham đắm dính mắc đó muốn vượt qua không phải là dễ mà nó trở thành một nỗi ám ảnh ngự trị lớn trong lòng chúng ta và bấy giờ thì Đức Phật Ngài dùng một hình ảnh mà chúng tôi tạm gọi rất là nghiêm khắc về điểm này với chính mình. Ngài đưa hình ảnh hai vợ chồng có một đứa con băng qua một chốn hoang vu, và bây giờ để sống sót thì hoặc là chết cả ba, bây giờ giết con. Chúng tôi nghĩ rằng đôi khi câu chuyện đó chúng ta nuốt không nổi thì chúng ta nói như vầy; có những người ngày xưa đi ngựa lạc trong chỗ hoang vu bị đói mà họ nhờ vào con ngựa nhưng phải giết con ngựa để mà sống nếu không giết con ngựa thì không có gì ăn, con ngựa là phương tiện là người bạn đồng hành của mình mà mình phải giết nó. Còn hơn thế nữa, chúng tôi kể cho qúi vị nghe câu chuyện này không phải là một dụ ngôn mà là một câu chuyện thật 100%. Cách đây mấy năm chúng tôi lúc đó có lời mời của luật sư Trịnh Hội sang Philippines thăm viếng đồng bào VN còn kẹt ở Philippines, một câu chuyện chúng tôi nghe mà cho đến ngày hôm nay nghĩ đến chúng tôi vẫn còn cảm thấy đau lòng là, ở trong số người VN đi tị nạn sang Philippines thì có hai người không thể đi định cư được vì lý do họ bị bịnh tâm thần, không có một quốc gia nào trên thế giới chịu chấp nhận một người di dân vào nước họ mà mang bịnh tâm thần, thật ra những người tâm thần này không phải là những người bị bịnh tâm thần nặng, họ chỉ không còn lý tính bình thường của mình thôi. Người mà chúng tôi đang nói với qúi vị nghe đó là một người đi trên một chiếc tàu và sau 27 ngày lênh đênh trên biển thì tấp vào trong một hòn đảo san hô, đảo đó ngày nay gọi là Trường Sa, là đảo san hô nên khi tấp vào trong đó thì thuyền bị vỡ, người ta gom góp chút gì còn lại để lên đảo và ở trên đảo thì không có gì để ăn, rồi người ta làm gì? người ta uống nước thì bằng sương, buổi tối sương xuống thì họ lấy tất cả quần áo cũ để lên trên hứng sương rồi vắt những quần áo cũ để lấy nước uống cầm hơi qua ngày, nhưng không có thức ăn thì làm sao? thì người ta phải ăn xác chết, ăn xác chết chỉ là ở trên tàu có bao nhiêu người mà người nào vừa tắt thở gọi là chết thì họ xẻ thịt người đó để ăn, không có nấu nướng mà ăn sống, điều đó cũng có nghĩa là nếu mình ở trên tàu mà có một người thân của mình chết, người thân của mình chết mình đã cực kỳ đau khổ rồi ở trong cơn khủng hoảng tinh thần đó mà phải ăn chính thịt của người thân mình. Và thưa qúi vị có những đứa bé chịu không nổi nên chết, người ta đem làm thịt, không có chỗ nào kín đáo để làm nên đã làm ngay trước mặt mọi người, xẻ thịt ra rồi ăn thịt và cha mẹ của đứa bé cũng phải ăn thịt của đứa bé. Ở đây chúng tôi không nói là họ giết đứa bé mà hễ người chết thì họ làm thịt ăn. Sau nhiều ngày như vậy thì cuối cùng một chiếc tàu dầu của người Nhật đi ngang cứu họ, sau khi lên bờ thì năm người trong số những người đó đã bị bịnh tâm thần và ba người hồi phục còn hai người không hồi phục, họ mãi mãi sống trong cơn ác mộng, ác mộng của cuộc đời. Khi chúng ta nghe câu chuyện một người ở trong cảnh thập tử nhất sanh đi tìm sự sống đi tìm tự do mà họ phải tấp vào một hoang đảo không có gì ăn phải ăn thịt của con mình thì lúc đó chúng ta thấy nó không ngon lành gì hết, có ai trong chúng ta nghĩ chuyện cha mẹ thấy đứa con vừa chết của mình bây giờ bị người khác lấy dao xẻ thịt ra rồi chia cho ăn giống như là kên kên diều hâu, có bao giờ chúng ta nghĩ chuyện đó ngon không?
Đức Phật không phải là một người cực đoan nhưng Ngài đặt để một thí dụ tận cùng để cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta hiểu rõ thì cái mà chúng ta gọi là hưởng thụ nó là một chuyện sai lầm, tại vì sự hưởng thụ đó nói cho cùng nó chỉ là một chuyện bất đắc dĩ chẳng đặng đừng không còn cách nào khác. Về đời sống cũng vậy, thì khi nói về đoàn thực Đức Phật Ngài dạy rằng ai hiểu được đoàn thực thì người đó hiểu được năm dục trưởng dưỡng, năm dục trưởng dưỡng là: sắc, thinh, khí, vị, xúc. Thật ra ở trong chuyện ăn uống của chúng ta nó gói gém những thứ dục đó và do vậy về điểm này Đức Phật Ngài cho thấy rằng chúng ta không phải dễ dàng để ăn một bữa ăn nhất là mình đang đói ăn rất ngon mà mình có thể ngồi đó mà quán tưởng mình ăn như vầy không phải là để vui chơi, không phải là để tham đắm, không phải là để trang sức, không phải cho béo tốt, mình ăn là bởi vì bắt buộc phải ăn mà thôi, không ăn thì chết, không ăn thì khổ, không ăn thì bịnh, thành ra phải ăn mà thôi.
No comments:
Post a Comment