Tuesday, December 3, 2013

Câu Phật ngôn " Thiện pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp" nên được áp dụng với ai?

Hỏi: Có câu Phật ngôn " Thiện pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp" nên được áp dụng với ai?

 (Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 26-11-2013, Tín Hạnh chuyển biên )

TT Tuệ Siêu: Đức Thế Tôn đã thuyết: "Như chiếc bè dùng để làm phương tiện qua đến bờ bên kia, thì cáí bè phải bỏ lại chứ không mang vác theo. Rồi Ngài đã kết luận: "Chánh pháp còn phải bỏ huống chi là tà pháp, thiện pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp"

 Trước nhất, câu Phật ngôn này là áp dụng  với vị A-La-Hán. Một vị vị A-La-Hán, Ngài giống như người đã qua bờ kia, đi lên bờ an toàn thoát khỏi mọi khổ ách không còn sự tái sanh nữa, không còn gì cần phải làm để tích luỹ phước báu. Bởi vì Ngài đã đạt đến bờ bên kia rồi, thì do đó thiện pháp còn phải bỏ huống chi là ác pháp, ác pháp hay phi pháp thì các Ngài đã bỏ từ lúc thành Đạo thánh Quả A-La-Hán khởi sanh lên, ngay lúc đó đã đoạn tuyệt mọi vô minh phiền não, không còn  dư y ở đời này. Như vậy đối với vị A-La-Hán, thì Ngài đã bỏ cả hai thiện và ác pháp. Bởi vì ác pháp Ngài đã đoạn trừ rồi, đã bỏ rồi thì huống chi là thiện pháp.

 Đối với phàm phu, câu này ta có thể áp dụng được, nhưng chúng ta phải khéo áp dụng khi chúng ta tạo thiện pháp, chúng ta luôn luôn nhớ rằng hiện tại các phiền não lậu hoặc chúng ta chưa đoạn tận, vẫn còn sự tái sanh luân hồi và sự tái sanh đó rất có thể do tham sân si tạo nên ác nghiệp mà phải sanh xuống làm A tu la. Khi chúng ta  tạo thiện pháp như vậy, chúng ta nên nhớ câu Đức Thế Tôn dạy: “Thiện pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp”. Có nghĩa là giờ này, chúng ta chưa bỏ thiện pháp được, chúng ta đang trôi nổi giữa biển trầm luân sinh tử. Thì chúng ta nhờ vào chiếc bè thiện pháp để chúng ta an toàn qua bờ bên kia, nhưng chúng ta đừng chấp thủ phước báu chúng ta đã làm. Chúng ta đừng nghĩ rằng do sự tu tập này, do phước báu này, do hạnh đức này, nguyện sanh làm Chư Thiên các cõi trời, sanh vào Phạm Thiên, sanh làm người thế này thế kia được giàu sang được tài sản, được quyền chức . Chúng ta đừng bao giờ có sự chấp thủ như thế, mà chúng ta tạo thiện pháp cũng như là một người bệnh phải uống thuốc chờ đến khi chúng ta sẽ bỏ thuốc, chúng ta  không dùng thuốc trị bệnh nữa.

 Và cũng ví như một người đang lặn hụp trên biển khổ trầm luân, thì người đó phải có chiếc bè để khỏi bị chìm và nương theo chiếc bè đó để đi qua bờ bên kia, chứ chúng ta đừng nghĩ rằng là Đức Phật dạy  ở đây là Ngài bảo chúng ta phải bỏ thiện pháp. Cho đến khi nào chúng ta chứng A-La- Hán quả rồi, thì lúc đó ác pháp hay phi pháp đã được đoạn trừ, đã bỏ được huống chi là thiện pháp thì các Ngài không cần. Nhưng chúng ta giờ này chưa có thể nói được, chúng ta chỉ mượn lời nói đó, Phật ngôn đó, lời dạy đó để chúng ta luôn luôn nhắc nhở trong lòng rằng chúng ta còn sanh tử luân hồi, do đó  cần phải có chiếc bè thiện pháp, cho đến khi nào đã đến bờ bên kia rồi thì chiếc thuyền thiện pháp này sẽ bỏ lại.

 Chúng ta chỉ áp dụng nương trong câu Phật ngôn này, thì trước nhất chúng ta  nên hiểu rằng áp dụng triệt để đối với vị A-La- Hán, các Ngài được nói đến là như vậy. Nhưng còn phàm phu chúng ta chỉ nên áp dụng câu Phật ngôn này để chúng ta nhắc nhở là chúng ta đừng chấp thủ phước báu hữu lậu mà thôi, chứ chúng ta vẫn nương vào thiện pháp chưa bỏ bây giờ được./.

No comments:

Post a Comment