Sunday, December 8, 2013

Mình có nên nhìn lại phẫn nộ chính mình?

Hỏi: Mình có nên nhìn lại phẫn nộ chính mình?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp - Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Nói đến cảm xúc và phiền não thì ở trong  chúng ta đều nhận  rằng đó là những kinh nghiệm không cần nói nhiều ai cũng cảm nhận được. Tuy nhiên để đối diện với những phiền não này và đặc biệt làm sao để xử trí với những khuấy động của sự phiền não trong đời sống hàng ngày nó luôn luôn là một câu hỏi mà tất cả mỗi chúng ta đều phải trăn trở trong cuộc sống của mình , mà nhất là đời sống của những người tu học.

       Chúng ta giận bởi vì chúng ta bị xúc phạm. Chúng ta giận bởi vì những điều chúng ta kỳ vọng bây giờ chúng ta thất vọng.  Chúng ta nổi giận bởi vì chúng ta cho rằng một việc làm nào đó nó vốn không nên như vậy và nó đã xảy ra như vậy và làm cho chúng ta nổi giận. Nhưng, sự nổi giận đó không phải chỉ dừng lại ở một điểm, mà bên cạnh sự nổi giận nó còn tạo cho chúng ta vô số phản ứng.  Một trong những phản ứng lớn nhất là phản ứng muốn hủy bỏ, muốn tận diệt những gì chúng ta không có hài lòng, và đồng thời chính sự giận dữ này sẽ đưa chúng ta sang một khúc quanh mới hoàn toàn.

       Không nói gì đến những chuyện xa xôi, ngay cả những sự sinh hoạt của chúng ta trong paltalk ở tại đây, chúng ta thấy rằng thường thường có những đụng chạm giữa cá nhân này với cá nhân khác ở trong các rơom sinh hoạt phần lớn đều đưa đến tâm phẫn nộ.  Sự phẫn nộ vì bất bình nào đó, lấy ví dụ chúng ta đang có một không khí rất an tĩnh rất vui tươi rồi có một người xuất hiện họ tạo nên những text chat có những lời phát biểu khiến cho đại chúng phải giận dữ, chúng tôi có thể nói rằng có vô số trường hợp những người làm việc ở trong các rơom, nhất là những người Phật tử thuần thành cảm thấy hết sức bực mình, bởi vì một chuyện gì đó mà chúng ta thấy rằng nó không có như ý muốn của mình được.  Đó chỉ là ví dụ rất nhỏ trong đời sống hàng ngày của chúng ta, vô số trường hợp như vậy.

         Nếu chúng ta học Phật pháp lâu ngày thì chúng ta sẽ cảm thấy có một  kinh nghiệm đó là dường như những gì được đề cập đến ở trong kinh điển, những gì Đức Phật  Ngài đã dạy cách đây 2500 năm , nằm thuộc về một cảnh giới khác, và đời sống hiện tại của chúng ta nằm ở trong một cảnh giới khác, chúng ta ít có khi đem hai điểm đó kết hợp với nhau thành một hoặc hoà quyện với nhau để thấy rằng lời dạy của Đức Phật từ ngàn xưa có một chỗ đứng đặc biệt ở trong lòng của chúng ta, ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta, vì vậy chúng ta rất miễn cưỡng để thảo luận, ngay cả chữ phiền não, chữ phiền não nó là chữ mà chúng ta nói nhiều trong kinh Phật và trong các bài thuyết pháp.

 Đôi lúc vì chúng ta nói quá nhiều nên chúng ta lại bỏ qua nó một cách đáng tiếc, chúng ta nên dành nhiều thời giờ để thảo luận lại một trong cách đặc điểm của xã hội Tây phương mà chúng ta nên học được, đó là người Tây phương họ rất là chịu khó để mang những vấn đề để mổ sẻ trong đời sống hàng ngày.  Có lần chúng tôi nhận được email của một người Phật tử, người Phật tử này hiện tại đang có trách nhiệm điều hành Severich Rock Center tại San Fransico anh này nói về trường hợp đời sống tình cảm của những con người tu tập và anh đã viết một bài dài 5 trang trong một lá thơ gửi riêng cho chúng tôi đề cập đến những khó khăn, khi những người cùng điều hành chung trong một trung tâm mà lại có quan hệ tình cảm với nhau và sự khó khăn đến mức độ nào.  Đọc lá thơ đó thì chúng tôi phải nhận rằng chúng tôi rất kính phục những người Tây phương khi họ đương đầu với một vấn đề phức tạp và vấn đề đó là vấn đề riêng tư hoặc giả là vấn đề liên quan đến cảm xúc họ lại có thể viết lên những giòng chữ và viết một cách tường tận như vậy, bởi vì họ thấy rằng đó là vấn đề và vấn đề đó cần được phơi bày, nếu vấn đề được phơi bày thì vấn đề đó mới có thể giúp chúng ta giải quyết được.

       Nền văn hoá Đông phương của chúng ta là nền văn hoá ít có khi chúng ta chịu khó phơi bày những gì thuộc về riêng tư của mình, người Đông phương thì cho dù chúng ta có một quan niệm sống về nội tại hết sức sâu xa, nhưng thường thường chúng ta xem phiền não, xem những vấn đề cá nhân là vấn đề rất tế nhị không phải là vấn đề bàn thảo và do vậy chúng ta thỉnh thoảng thấy một điều rằng cái gì riêng tư của chính mình và cái gì dạy ở trong kinh điển có một hố ngăn cách rất lớn, trong lúc đó người Tây phương khi họ đến với đạo Phật thì họ cảm thấy hết sức mừng rỡ, mừng rỡ bởi vì những lời dạy dỗ của Đức Phật rất thân thiết và rất cần với đời sống của họ, họ có thể thảo luận một cách thoải mái không giống như là trường hợp của chúng ta.

        Như vậy, nếu giữa mỗi chúng ta sống ở trong chùa, hay là trong một cộng đồng Phật tử, hay cả trong gia đình nếu chúng ta gặp những việc rất bất bình, và trong sự bất bình này trước khi chúng ta nói chuyện đúng, chuyện sai, ai phải, ai quấy ,chúng ta hãy tự đặt một vấn đề là tâm phẫn nộ đó có một giá trị như thế nào, để chúng ta dùng nó làm cơ sở quyết định cho mỗi suy tưởng của mình.  Thông thường thì chúng ta chỉ sống với phẫn nộ và làm theo sự phẫn nộ, và chúng ta không chịu bước sang một bên để phản tỉnh và nhìn lại phẫn nộ chính mình, một bài học lớn của kinh Phật, bài học lớn của thiền học đó là hãy lẳng lặng nhìn vào cái gì đang diễn ra bên trong chúng ta, điều đó ít khi được chúng ta thực tập, thay vào đó chúng ta chỉ dùng lý tính của mình ,mà lý tính này không may nó dựa trên cơ sở của phiền não.

No comments:

Post a Comment