Hỏi: Là người Phật tử chúng ta phải làm sao để cho Phật Pháp hưng thịnh?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 17-9-2013 Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Nếu chúng ta đọc kỹ trong kinh thì sự hưng thịnh của Phật Pháp đồng nghĩa với sự hiểu biết của chúng ta, cũng như sự hiểu biết của người Phật tử đối với kinh điển. Sự hiểu biết của chúng ta đối với kinh điển kém đi nhất là các vị xuất gia biết về kinh điển kém đi thì Phật Pháp bị suy đồi.
Ngày hôm nay, chúng ta khi bàn đến chuyện phát huy Phật Pháp hay sự hưng thịnh của Phật Pháp thì chúng ta nghĩ đến chuyện đi chùa, nghĩ đến chuyện làm đề án này làm đề án kia. Nhưng chúng ta không nhắc một điều đó là một trong những gì chúng ta cần làm nhất là làm sao cho Phật Pháp được trong sáng, được rõ, và được thường suyên thắp sáng ở trong chúng ta.
Nếu Phật Pháp không được nhắc thì Phật Pháp sẽ đi xuống. Phải nhận rằng ngày nay chương trình giáo dục Phật Pháp rất là yếu. Yếu hơn ngày xưa, ngày xưa người Phật tử đi chùa người ta hiểu rất nhiều điều căn bản. Ngày nay Phật tử đi chùa thì phần lớn mang tính quan hệ, mang tính xã hội. Như là đi chùa để quen biết nhau, rủ nhau đi, nhưng hiểu biết về Phật Pháp không có nhiều.
Nên tất cả chúng ta thường tự nhắc một điều rằng nếu chúng ta thương Đức Phật nếu chúng ta kính Đức Phật và chúng ta muốn Đức Phật Ngài có thường xuyên hiện diện trong đời sống chúng ta, lời dạy của Ngài được thắp sáng. Và muốn lời dạy của Ngài được thắp sáng thì chúng ta phải tự hiểu rằng khi nào chúng ta bị suy thoái, khi nào chúng ta bị lộn xộn, khi nào chúng ta bị phiền não là tại vì Phật Pháp không được thắp sáng không được phát huy ở trong lòng của chúng ta ở trong tâm trí của chúng ta.
Đó là chuyện là người Phật tử nếu thật sự thương đạo hiểu đạo thì ở trong cái thịnh, cái suy, cái vinh, cái nhục, cái thăng, cái trầm thì chúng ta tự hỏi rằng ở trong trường hợp đó Phật Pháp soi sáng chúng ta những điểm nào? Nhiều khi chúng ta không thấy được không nhớ được và chúng ta chỉ lo những chuyện khác thì chúng ta không có vị Thầy. Tại vì, Pháp và luật là vị Thầy của chúng ta và trong những trường hợp cần phải suy nghĩ cần phải lựa chọn và chúng ta không có pháp và luật thì chúng ta không có Đức Phật ở trong lòng của chúng ta.
Nên rất cần để chúng ta đặt lại vấn đề. Chúng ta đặt lại vấn đề là ngày nay của chúng ta cái thái độ của mình đối với Đức Phật với Pháp như thế nào. Những tín ngưỡng dân gian những lời đồn đại thì chúng ta nghe nhiều chúng ta dễ tin còn Phật Pháp mà chân thật, Phật Pháp được dạy rõ ràng trong kinh điển thì chúng ta ơ hờ không để ý đến và nếu như vậy Phật Pháp đi xuống đó là lỗi tại chúng ta, và nếu chúng ta bị phiền não cũng là lỗi tại chúng ta vì chúng ta sống như không có vị Thầy.
Nên chi tất cả chúng ta hãy cùng nhau tâm niệm một điều rằng khi nghĩ đến sự hoằng dương chánh pháp nghĩ đến làm cho Phật Pháp hưng thịnh thì việc đầu tiên là sao chúng ta hiểu Phật Pháp thật rõ và ở trong cuộc sống hàng ngày cho dù chúng ta ra sao, vui buồn mưa nắng, cho dù chúng ta có thăng trầm thế nào thì cũng nhớ rằng có Phật Pháp thì chúng ta còn có lẽ sống chân thật. Không có Phật Pháp thì cho dù chúng ta có chức vụ như thế nào giàu sang đến đâu, có được gì thì như chúng ta sống không có bậc Đạo Sư tại vì chánh pháp chính là vị thầy của chúng ta. Đó là điều mà Đức Phật Ngài đã để lại ở trong lời di giáo của Ngài ./.
No comments:
Post a Comment