Friday, December 13, 2013

Như thế nào để khéo tu tập tâm?

Hỏi: Như thế nào để khéo tu tập tâm - Kinh Pháp Cú - Phẩm Tâm - Kệ ngôn 41 - 42 -43

(Bài giảng trong khóa tu học ngày 14-11-2013 - Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Tối hôm nay chúng ta sẽ đi vào ba kệ ngôn cuối của phẩm Tâm, đầu tiên là kệ ngôn: 

Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng
Ở đây, mang ý nghĩa là cuộc sống này nếu chúng ta nhìn thấy tất cả những linh hoạt, chúng ta nhìn thấy tất cả  màu sắc của cuộc sống thì chúng ta phải kể là do tâm. Không có tâm này, khi thức chúng ta rời bỏ thân này thân như khúc gỗ vô dụng. 
Điều này thay đổi cái nhìn của một hành giả tu tập. Người không tu thì dùng rất nhiều thì giờ để lo cho thân mình thậm trí là chúng ta lựa rất là kỹ món nào ăn vào cho khỏe, mình phải làm thế nào cho thân đẹp, mình phải gìn giữ thân như thế nào. Nhưng chúng ta lại quên bẳng  đi cái tâm của chúng ta cũng cần phải lo gìn giữ tu tập
Nếu chúng ta không có một nội tâm an lạc, nếu chúng ta không có một nội tâm phấn chấn thì hình hài này trở nên rất là vô nghĩa.
Chúng tôi nghĩ rằng từ sự tu tập mình thay đổi thái độ của mình và không phải là chúng ta không lo cho thân. Trong  kinh Chuyển Pháp Luân có nhắc đến con đường tu của Đạo Phật là con  đường Trung Đạo, nhưng mà lo cho thân ở mức  độ nào đó vừa phải mà còn phải lo cho tâm nữa.
Về sau này tại Hoa Kỳ có một loạt sách có chủ đề Food for your mind- Dưỡng tố cho đời sống tinh thần" cũng giống như mình đi siêu thị lựa chọn thức ăn cho thân thì chúng ta cũng nên chịu khó lựa thức ăn cho tâm.. 
Đôi khi chúng ta sống cả tháng trời mà không nghĩ đến thân của mình, mình nghĩ đến tâm, mình không cho nó tiếp xúc với những gì nên có. Ví dụ như đi chùa lạy Phật, một phần lạy là do niềm tin của mình, một phần nữa là mình dùng hình ảnh của Đức Phật là những giá trị tinh thần đem vào những dưỡng tố cho tâm. Hay là mình nghe pháp tức là mình mang một dưỡng tố cho tâm của mình. Hoặc giả là mình làm phước mình đặt nặng giá trị tinh thần vào đó để cho tâm mình có một sinh thái sinh khí chứ không phải là mình chỉ lo cho thân mình thôi. Và chúng ta nhớ Đức Phật dạy là "khi tâm lìa khỏi thân này thì thật sự thân chỉ giống như khúc gỗ vô dụng". Đó là ý nghĩa mà chúng ta cần nhớ trong sự tu tập khi mà cân phân giữa thân và tâm.

Kệ ngôn tiếp theo:

 Kẻ thù hại kẻ thù, 
 oan gia hại oan gia,
  không bằng tâm hướng tà, 
  gây ác cho tự thân. 

Ở trong cuộc đời này một điều mình sợ nhất là người ta hại mình và nhất là những kẻ thù họ hại mình. Nhưng đối với cái nhìn của Đức Phật thì người ta hại mình không đáng sợ bằng chính mình hại mình. Và cái mà mình hại mình nhiều nhất chính là cái tâm hướng tà. 

Người đời họ nói câu "người ta hại mình không chết mà trời hại mình mới chết". Người ta hại mình không chết mà trời hại mình mới đáng sợ. Nhưng mà kỳ thật một người tu thì chuyện người khác làm phiền mình chưa đến nỗi đáng sợ mà cái đáng sợ nhất là chính tâm mình hướng tà.

Tâm hướng tà ở đây là tâm xu hướng theo điều tà vại. Lấy thí dụ như, thay vì mong đời sống mình được nhẹ nhàng thì mình hướng đến cái gì nặng nề hơn. Thay vì tháo bỏ cái oan trái thì mình nghĩ sao mà mình cột ngang trái nhiều hơn. Thay vì đời sống mình có hướng đến chỗ  thanh tịnh thì mình nghĩ tới cái gì làm nó trở nên trì trệ hơn. Đó là tâm hướng tà. Và cái khuynh hướng đó là khuynh hướng đáng sợ hơn người ta thù mình.

Vì vậy, khi chúng ta sinh hoạt buổi sáng hay buổi tối. Buổi sáng khi thức dạy trước khi rời khỏi giường, hoặc trước khi đi ngủ thì mình khởi nên một ý niệm rất đơn giản là mình mong rằng trong giờ phút này mình không oan trái với bất cứ ai đó là ý nghĩ tháo bỏ cái nội kết của mình. Hay hoặc giả buổi tối trước khi đi ngủ mình nghĩ là mình sẽ thức dạy ở trong sự tỉnh thức, mấy giờ mình thức dậy, điều đó mình không cần nhắc mình mà mình nhắc là "buổi sáng thức dậy ở trong sự tỉnh thức"

Không phải là chúng ta ở vị trí nào là quan trọng, nhưng sự quan trọng là mình hướng mình đi đến đâu. Có thể một người tâm họ đang ở dưới thấp nhưng tâm họ lại hướng thượng. Cũng có người tâm ở trên cao nhưng tâm của họ đang trì trệ đi xuống. Thành ra không phải là mình ở thấp hay ở cao mà chính là cái hướng của mình nhắm đến mới là quan trọng.

Có những người trong cuộc sống không bao giờ nghĩ đến chuyện đem ánh sáng vào trong tâm của mình, tại vì sao vậy? Tại vì họ cảm thấy cái đó không cần thiết. Mình cần là ăn để cho thân hình khỏe, làm sao ăn cho thân mình được thích hợp làm cho nó đẹp. Thậm trí mình lựa chọn rất kỹ, cái gì mình ăn cho da thật tốt, mình lựa rất kỹ làm sao mình ăn cái món gì đó làm cho con người nó mát. Nhưng khi đặt vấn đề là sinh tố hay thực phẩm làm cho tâm tươi tốt thì hầu như chúng ta bỏ trống. 

Trong câu Phật Ngôn Đức Phật một lần nữa Ngài cho biết "Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân. 

Điều hại nhất cho cuộc sống là chính mình hại mình. Thật ra, mình nên coi tâm mình hướng về đâu. Tâm mình hướng tà nó tạo cho mình nhiều cái khổ. Nên chi trong cuộc sống cái nào bỏ được thì mình bỏ. Ở trong cuộc sống hướng nào chúng ta hướng về an lạc thật sự thì mình hướng đến. Cũng giống như qúi vị ngồi ở trước bàn thờ Phật, nhìn lên Đức Phật, Đức Phật là biểu tượng của thanh tịnh, biểu tượng của hoan hỉ, biểu tượng của giải thoát. Qúi vị nguyện rằng "Xin cho con được thanh tịnh, được giải thoát, được an lạc giống như Ngài". Thì đó là chúng ta hướng tâm mình hướng về Ngài về sự thanh tịnh, hoan hỉ, giải thoát.

Trong bài kệ sau cùng.Ðiều mẹ cha bà con,
Không có thể làm được,
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn.

 Khi trong cuộc sống chúng ta thường mong mỏi những người thân của mình họ dành cho mình cái gì đó. Ví dụ như ngày sinh nhật người ta gửi thiệp mời mình, hay hoặc giả là mình buồn người ta an ủi mình, hoặc là tối lửa tắt đèn mình mong rằng có người hoặc cha mẹ bà con thân quyến giúp đỡ mình. Đời sống của chúng ta luôn luôn nghĩ đến như vậy.

  Nhưng Đức Phật Ngài dạy rằng có một thứ mà không ai làm được cho mình đó là làm sao cho tâm của hiền thiện, tâm mình được lợi ích, tâm của mình được an lạc. 
  
  Có rất nhiều trường hợp cha mẹ giàu có thương con nhưng con hư cha mẹ khó làm gì được. Và ngay cả khi chúng ta bịnh tâm của chúng ta phiền não người thân của mình dù rất thương mình nhưng họ cũng không làm gì cho chúng ta được tốt hơn.  
  
   Ngài HT Hộ Giác Ngài thường dùng : "Đời sống tu tập là một độc lộ trường thiên", tức là ở trên con đường đó chúng ta đi và chúng ta đi một mình, dầu là qúi vị có vợ hoặc có chồng có cha có mẹ có những người thân nhưng mà tu tập mình phải tự mình làm lấy, mình không có thể nào mình để người khác làm cho mình được. 
   
      Về điểm này thì, chúng ta phải nói đến một điều là ở trong cuộc sống tu tập ở trong thế giới tâm linh mình không có ỷ lại. Các Ngài Thiền Sư, các Ngài thường nói là có một số lớn các vị Thiền sinh khi vào trong thiền viện thường hay nghĩ mình tốt hay xấu là do sự hướng dẫn của ông thầy. Hay là qúi Phật tử đi chùa, đến chùa nghe pháp và nghĩ rằng mình hay hay dở là do sự hướng dẫn của Chư Tăng. 
  
  Thật ra thì, tất cả những thiện duyên của những người thân chung quanh mình nó chỉ là cái gì gọi là trợ duyên thôi, nhưng điều chính là phải bản thân của mình. Một người tu tập là phải qua bao nhiêu công đoạn, mà qua đó một lần là phải do mình lựa chọn và ở đây là may nhờ rủi chịu. 
  
  Sự lựa chọn đó rất là đơn giản. Ví dụ như tuần lễ này mình có thể vacation để đi chỗ khác. Nhưng tuần lễ này mình lại quyết tâm vào đây ngồi tu tập. Hoặc giả, giờ phút này mình có thể nằm ở trên giường nhưng mình lại lên chánh điện tụng kinh. Đó là sự lựa chọn. Tới giờ ngồi thiền mình tìm cách ra bên ngoài nhưng mà mình không ra bên ngoài mình quyết định ở lại để ngồi thiền, người ta ngồi được thì mình ngồi được. Đó là sự lựa chọn. 
  
  Và sự lựa chọn đó phải đến từ chúng ta. Bây giờ đến giờ ngồi thiền qúi vị chờ những người bạn nhắc nhở hay là qúi thầy yêu cầu vào ngồi thì ngồi để trả nợ qủi thần, thì không được.Ccái sự lựa chọn phải đến từ chúng ta.
  
  Và khi chúng ta có sự lựa chọn rồi thì chúng ta hiểu một điều là chúng ta phải tự mình hấp thụ, tự mình thăng hoa chứ không thể nào người khác làm cho mình. Thí dụ như mình vào nghe pháp mình nghĩ rằng sự lãnh hội sự hoan hỉ tùy thuộc vào vị thầy hay vị pháp sư giảng, vị pháp sư giảng kiểu nào thì mình nghe kiểu đó, không phải, cái chuyện mà vị pháp sư giảng như là cơn mưa rào, mưa khắp nơi, mưa ở đồng ruộng mưa ở ngoài biển khơi, mưa chỗ này mưa chỗ kia, nhưng sự hấp thụ là phải bản thân của chúng ta hấp thụ như thế nào.
  
  Xã hội này nó lạ lắm. Thời Đức Phật còn tại thế cũng bài pháp đó mà có người đạt tới tứ quả có người chỉ đạt đến sơ quả và có người không đạt được cái gì hết, là do khả năng hấp thụ của chúng ta. 
  
  Thành ra khi Đức Phật Ngài giảng đạo Ngài thường mở đầu: "Này các Tỳ kheo, hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Như Lai sẽ giảng dạy". 
  
  Đức Phật nói rằng hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, thì việc đó hoàn toàn là việc của mình. Chúng ta vào trong lớp học mà mình nghĩ rằng việc mình hiểu biết là do ông thầy nói hết, thật ra ông thầy  không nói hết. Ông Christopher là một nhà tư tưởng, ông nói rằng "vai trò giáo dục không phải là học giùm cho người khác, thấy giùm cho người khác, hiểu giùm cho người khác mà là đặt để một người đứng vào trong vị trí mà người đó thấy như ông  thầy hiểu như ông thầy và nhận thức như ông thầy. Chúng ta nghĩ rằng cái  gì mình hiểu hoàn toàn là do ông thầy hết, cái gì mình lãnh hội là do ông thầy hết, thật ra ông thầy chỉ làm có một phần và phần còn lại là do mỗi người tự làm lấy.
  
  Cha mẹ và bà con anh em thân nhân và quyến thuộc không thể làm được một điều là làm sao hướng tâm mình đến thiện mà điều đó phải do tự mình làm. 
  
  Nên khi đề cập đến phẩm Tâm thì chúng tôi phải nói một điều mà qúi Phật tử nghe có lẽ nói tại sao chúng tôi nói nhiều như vậy. Ngài Hộ Giác, Ngài thường nói rằng "Ở trong việc tu quan trọng là sự chân thành của mình". Và cụ Nguyễn Du nói là "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". 
  
  Sự chân thành của mình là hễ mình thật sự muốn thì thật ra có nhiều cách tu mà mình không muốn thì ông thầy ngồi đó, kinh điển để đầy tủ thì chúng ta không đi đến đâu chúng ta không có nhúc nhích. Nhưng mà mình đã muốn rồi thì không ai cản mình. Một người thật sự muốn đi tu một người thật sự muốn tu tập, một người muốn thật sự học pháp thì có muôn ngàn cách để mình học pháp nhưng mình đã không muốn thì không ai làm gì được mình hết 
  
  Một câu chuyện chúng tôi vẫn kể rất nhiều lần, nhiều lần và nhiều lần và nếu quí vị đến tất cả các thiền đường thì qúi vị đều nghe câu chuyện này. Con voi của vua Ba Tư Nặc bị sa lầy, hồi đó không có xe kéo, khi con voi bị sa lầy không ai làm gì được hết, ngày xưa đường đi không tốt vì nó có những vũng lầy thật lớn khi con voi bị kẹt dưới đó thì có một vị quan nghĩ đến một điều rằng mình nên đem một đoàn quân nhạc mà đoàn quân nhạc này thường khi ra trận thì trổi nhạc lên không phải chỉ tác động đến quân lính mà còn tạo ra sự hăng hái cho những con tượng binh tức là những con chiến tượng, thì mỗi lần con voi nghe dàn quân nhạc trổi nhạc tiến quân thì nó hăng hái đi đánh. Thì vị đại thần này đã đem dàn quân nhạc đến và trổi những khúc nhạc tiến quân và con voi này khi nghe tiếng nhạc tiến quân trổi lên thì nó lấy hết sức bình sinh của nó vượt khỏi vũng lầy như là lúc xông ra ngoài chiến trận. Đó là sức mạnh của tâm. Đó là chúng ta nói điệu nhạc ở trong lòng mình.
  
   Trong cuộc sống của hành giả không có ai hiểu được là có những điều chúng ta hưởng được sự mầu nhiệm của cuộc sống sự mầu nhiệm đó là một cái nhuệ khí một sự dâng tràn là mình thật sự muốn làm và mình sẽ làm cho đến khi nào mà mình đạt được và mình đã muốn như vậy thì mình thật sự làm  không ai cản mình được hết. Thường thường khi mình ngồi thiền hay mình tu tập hay học Phật Pháp mình không làm được là tại có lý do này hay lý do khác. Không có thời đại nào mà có nhiều cơ hội như ngày hôm nay, kinh điển thì có rất nhiều, còn chùa chiền thầy tổ thì chỉ cần vé máy bay và chỉ cần chịu khó một chút thì chúng ta đi đến nhiều nơi. Điểm quan trọng là chúng ta có muốn hay không. Chúng ta nói là tại vì mình có nhà cửa, có con cái có việc này việc kia nên mình không làm được. Nhưng kỳ thật là chúng ta chỉ viện cớ. Hễ mình muốn là được.
   
   Ở trên đời này lạ lắm. Nhưng làm sao để có được ý muốn đó. Làm sao chúng ta vượt qua vũng lầy của đời sống. Làm sao chúng ta trổi được khúc nhạc mà khúc nhạc đó cho chúng ta hưởng được sự kỳ diệu của cuộc sống. Cái chuyện đó nó không có đơn giản. Đời sống của chúng ta thường bị trì trệ, sự trì trệ là chúng ta hay chờ đợi, mình làm chuyện gì đó mình chờ đợi cho có người nhắc có người khuyến khích mình, mình chờ đợi một cái duyên. Người xưa gọi là ôm cây đợi thỏ - có người đi ra đường thấy tự nhiên con thỏ chạy đâm vào gốc cây người đó đành bắt con thỏ đem về, hôm sau họ ra gốc cây chờ con thỏ khác đâm đầu vô thì thật sự chuyện đó thật là hi hữu. Hay là ngồi chờ sung rụng - có người ngồi chờ cho trái sung rụng xuống để mình ăn. Thì thật ra chuyện đó là chuyện hiếm hoi, nói là hên xui, thật ra thì cái hên hiếm xảy ra mà cái quan trọng là cái ý muốn của mình 
   
    Thì ở đây trong bài kệ sau cùng Đức Phật Ngài nói rằng cha mẹ và bà con có một điều không làm được cho mình đó là hướng tâm mình đến chỗ lợi ích và mỗi người phải tự làm lấy. 
Nên chi, ở trong sự tu tập nhiều khi nhìn ở bên ngoài thì ai cũng giống nhau nhưng kỳ thực nó có một sự khác biệt rất lớn giữa một người chân thành, giữa một người thật tâm muốn, giữa một người mà chính bản thân của họ có mong mỏi. Còn nếu mình không có mong mỏi thì không làm được cáí gì. Tại vì sao vậy? Tại vì để đưa ra cái cớ để mình không tu tập thì nó có ngàn lần lý do. Ngay cả khi Đức Phật Ngài đề cập đến chuyện gần nhất, Ngài nói rằng cái người mà làm biếng không chịu làm thì trời nóng họ có lý do trời nóng, trời lạnh họ có lý do trời lạnh, đói cũng là lý do không làm, no quá cũng là lý do không làm, và lúc khỏe cũng có lý do không làm, lúc bịnh cũng có lý do không làm. Đó là tại mình không muốn. Nhưng một người thật  sự muốn thì trời nắng, trời mưa, lúc vui, lúc buồn, lúc thăng, lúc trầm đều làm. Và điều đó nó lạ lắm. Rất lạ lùng là tại vì mình có ý muốn thật sự. Và điều đó nói lên sức mạnh của tâm cái sức mạnh của ý trí. 
Với ba bài kệ này thì chúng ta nhận ra một điều là,
Bài kệ thứ nhất khẳng định là khi tâm rời khỏi thân này thì thân này trở thành khúc gỗ vô dụng, vì vậy trong đời sống chúng ta quan tâm đến thân mình thì quan tâm đến tâm của chúng ta.
Bài kệ thứ hai nhắc chúng ta một điều là người ta ghét mình người ta hại mình không nguy hại mà chính bản thân của mình hại mình hướng đến chỗ tà vại, nó nguy hiểm nhiều hơn bất cứ điều gì khác.
Và bài kệ thứ ba một lần nữa nhắc cho chúng ta vai trò quan trọng của tâm, ở chung quanh chúng ta bao nhiêu người thân bao nhiêu sự trợ duyên kể cả nguồn máy trợ duyên của xã hội nhưng chúng ta không thể phó thác cho người khác. Chúng ta không thể thở bằng nỗ mũi của người khác. Chúng ta không thể đứng trên đôi chân của người khác. Và chúng ta không thể đi tới bằng ý trí của người khác. Mà chúng ta phải lên đường bằng tư lương của chính mình, bằng ý trí của chính mình.
Thì như vậy, không có một người nào xem nhẹ giá trị của nội tâm. Khi nào chúng ta thấy rằng tâm của mình đi xuống mình phải chặn đứng và nâng cao. Khi nào tâm mình bị bấn loạn khhông tập trung được chúng ta phải đặt để nó trở lại môi trường thích hợp và chúng ta phải chăm sóc cho nó kỹ lưỡng hơn là chăm sóc cái thân của chúng ta. Và, qúi vị để ý thấy rằng khi mình không tu mình dễ đi vào cái chuyện gọi là thù vay oán trả, tại vì mình nghĩ rằng cái chuyện thù vay oán trả nó làm cho đời sống mình hào hứng. Nhưng mà khi chúng ta tu tập rồi thì thù vay oán trả đó là phiền não, thì phiền não để làm cái gì. Và khi chúng ta tu tập rồi thì chúng ta thấy rằng những giờ phút thanh tịnh nó có giá trị hơn là những giờ phút rộn ràng, một giờ phút mà chúng ta đi kinh hành hay là chúng ta đi tới đi lui trong chùa một cách nhẹ nhàng, đối với chúng ta giờ phút đó có giá trị hơn là những giờ phút rộn ràng.
 Và thưa qúi vị, chúng tôi không muốn nói chuyện này là tại vì đó là chuyện buồn nhưng có lẽ qúi vị cũng có thể chia sẻ với chúng tôi. Ở trong chùa này có những cặp vợ chồng rất là gắng bó với nhau cả cuộc đời, như đạo hữu Tình với cô Phụng là một người chúng tôi có thể nói một điều là quen biết bao nhiêu năm chúng tôi cảm được là đạo hữu Tình lo cho cô Phụng thương cô Phụng như thế nào, nhưng trở lại câu Phật ngôn thì rõ ràng nhất một khi thần chết hiện về nào ai chở che cho mình thân nhân dẫu có chí tình ngậm ngùi duy nhất đứng nhìn thế thôi. Và Đức Phật Ngài đưa ra hình ảnh còn rõ ràng hơn nữa đó là, một vị vua nằm trên long sàng vì bị bịnh, hoàng thân quốc thích những người mà thương yêu nhà vua những người tâm huyết của nhà vua đứng chung quanh không ai làm được gì hết. 
 
 Chúng ta phải nói một điều rằng ở trong đời sống cho dù chúng ta bao nhiêu tình, bao nhiêu nghĩa, bao nhiêu sự thương yêu của người khác, nhưng mà có những điều người khác không làm được. Đơn giản thí dụ như, mình không biết chăm sóc mình thì mình biểu người ta chăm sóc mình cũng được, cái thân mình người ta nhắc mình ăn nhắc mình tắm nhắc mình thế này thế kia thì người ta nhắc được nhưng cái tâm mình không ai nhắc được hết. Chúng ta ngồi đó nghĩ chuyện gì không ai biết. Chúng ta bước đi mình nghĩ chuyện gì không ai biết. Chúng ta làm việc đó bằng tâm thái như thế nào cũng không ai biết. Và do vậy chúng ta phải biết chăm sóc cái tâm của mình buổi sáng thức dậy buổi tối đi ngủ và trong sinh hoạt hàng ngày lâu lâu thì chúng ta phải đặt vấn đề là chúng ta làm với trạng thái tâm như thế nào và cũng như HT Hộ Giác Ngài thường nói rằng đừng kể chuyện đó là thành là bại, đừng kể chuyện đó hay hay dở mà là hỏi sự chân thành của mình, hỏi cái tâm của mình nó ra sao, mình có tâm thì mình ở đó nó có ý nghĩa mình không có tâm thành thì ở đó nó vô nghĩa ./. 

No comments:

Post a Comment