Wednesday, December 11, 2013

Khi nói cái này là "tôi", là "của tôi" đó gọi là quan niệm về ngã, có phải là thuộc về thân kiến không?

Hỏi: Ngã tính ở trong cuộc sống của chúng ta người ta thường quan niệm đơn giản, đó là mình tự ái bị tổn thương, hay là con người mình tự lo lấy mình rất nhiều, hoặc giả là chúng ta thường quan niệm rằng cái này là  "tôi", "của tôi" đó gọi là quan niệm về ngã.  Xin cho biết một vài khía cạnh liên quan đến ngã ở trong đời sống mà qua quan niệm về thân kiến.  Bởi vì từ quan niệm về thân kiến thì chúng ta mới có thể đi xa hơn được, ví dụ như chúng ta nói rằng sắc là ta, ta là sắc, ở trong sắc có ta, trong ta có sắc chẳng hạn, thọ tưởng hành thức cũng vậy.

 (Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)  

TT Tuệ Siêu: Chấp ngã  hay là(sakkàyaditthi) thuộc về thân kiến, pháp triền hay là kiết sử, thằng thúc, mà khi đối vị Tu Đà Huờn, tầng thánh đầu tiên là đã đoạn trừ được thân kiến. Như vậy, ở đây danh từ gọi là "thân kiến" có liên hệ đến sự chấp ngã. Chúng ta đã biết thân kiến đối với ngũ uẩn có 20, bởi vì đối với sắc uẩn có bốn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, mổi một uẩn đều chấp theo bốn cách, sắc uẩn là ta, ta là sắc uẩn, trong sắc uẩn có ta, trong ta có sắc uẩn.  Thì ở đây trong khía cạnh ngã chấp này, ngay trong đời sống hiện tại của chúng ta được thể hiện qua hai cách, khi chúng ta một kẻ phàm phu vì không hiểu biết được thực tánh của Pháp, vốn rỗng không, do duyên khởi, do duyên hệ, do năng duyên tạo ra sở duyên trong các pháp hữu vi, cái này có thì sẽ sanh trợ cho cái kia có, năng duyên trợ cho sở duyên sanh ra, chỉ có như vậy, và khi nào không có năng duyên thì không có sở duyên, sở duyên ở đây ám chỉ cho toàn bộ pháp hữu vi.

       Vì không hiểu được rõ như vậy cho nên khi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, khi cảm thọ, hoặc khi toan tính điều thiện hay điều bất thiện, và khi nhận thức cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh hương, cảnh thí, cảnh vị, cảnh xúc, hoặc là ngay thân tứ đại này kẻ phàm phu có sự hiểu lầm và họ chấp liên hệ bản ngã vào trong đó, như vậy sự chấp này hết sức nguy hiểm, đây mới thật sự là ( Sakkàyaditthi) thân kiến.

       Còn như đối với một vị Tu Đà Hườn mà chúng ta gọi là ngã mạn, thật sự ra nếu chúng ta dịch là ngã mạn có gắng liền với sự ngã vào trong đó thì điều này có lẽ  không đúng,  bởi vì chữ ( màna) một cách đơn thuần tức là sự so sánh, một sự so đo giữa đây và kia, giữa chỗ này và chỗ khác. Như vậy đối vị Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, các bậc thánh hữu học vẫn chưa diệt trừ được ngã mạn, cho nên trong vấn đề này chúng ta cần phải hiểu danh từ ngã mạn ở đây chỉ là danh từ tạm cho chữ mana là mạn mà thôi, tức là sự kiêu hãnh hay là sự tự hào chỉ là như vậy.

        Chữ ngã mạn ở đây nó không giống như chữ (atimannanà) tức là mạn có sự tự hào rằng "tôi là", có gắng liền với chữ "tôi là", thì trường hợp này liên hệ đến thân kiến. Đối với vị Tu Đà Hườn trở lên, bậc hữu học không hề có bởi vì đã đọan trừ thân kiến, cho nên từ "ngã mạn" ở đây chúng ta cần phải xét lại khi chúng ta nói đến 5 thượng tuần kiến sử , ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh.  Vìngay cả vị Tu Đà Hườn bậc hữu học thấp nhất cũng đã diệt trừ thân kiến rồi thì không có sự chấp thủ về ngã, ngã sở, ngã đắc ở đó, đó là một điểm mà chúng tôi xin được gợi ý.

      Điểm thứ hai, trong đời sống bình nhật, có đôi lúc không phải là chúng ta rơi vào tình trạng thân kiến, nhưng mà ngay trong lúc chúng ta có sự kiêu hãnh, có sự tự hào, có sự so đo, có sự so sánh hơn thua, thì trong trường hợp đó mạn sanh khởi, mà mạn này có mặt trong tâm tham ly tà, thì khi mạn sanh khởi, mạn tương ưng với tâm tham lúc bấy giờ ly tà tức là không có tà kiến phát sanh.

      Còn ( sakkayaditthi) là thân kiến hay là chấp ngã trong ngũ uẩn thuộc tà kiến, ở đây chúng ta cần phải lưu ý để chúng ta phân biệt cân nhắc được, lúc nào chỉ có mạn mà không có tà kiến, còn lúc nào có tà kiến chấp ngã mà không có mạn. Bởi vì tà kiến tâm sở và mạn tâm sở không thể đi chung với nhau được, cái này có thì vắng mặt cái kia, cái kia có thì vắng mặt cái nọ. Cho nên, khi chúng ta dịch từ gọi là ngã mạn, trong trường hợp chúng ta gán ghép như thế đó thì có lẽ là chúng ta dễ bị nhầm lẫn, đó là vấn đề thứ hai chúng tôi xin được gợi ý.

     Và vấn đề thứ ba, chúng ta phải biết rằng đối với danh từ "tôi" hay "ta" ở đây, khi được sử dụng trong vị trí của cú pháp, của ngữ pháp chỉ cho ngôi thứ nhất, trong đại từ ngôi thứ nhất "tôi" hay "chúng tôi", trong trường hợp này đôi lúc chỉ sử dụng trên vấn đề tục đế, từ ngữ tục đế thôi, hoàn toàn trong khả năng trí tuệ của vị đó không nghĩ tới, không có sự cố chấp, ở trường hợp này chắc chắn không thể xảy ra đối với Đức Phật và Chư vị A La Hán khi  các Ngài thuyết giảng, các Ngài nói, "Như Lai dạy cho các ngươi", hoặc là "ta dạy cho các ngươi như thế này, như thế này" v.v...

       Thì trong trường hợp Đức Thế Tôn Ngài sử dụng đại từ ngôi thứ nhất để ám chỉ cho Ngài, trong trường hợp chúng ta phải biết rằng không có liên hệ đến vấn đề ngã chấp thủ, hay có sự thân kiến ở đó, đối với vị ALaHán cũng vậy. 
   
   Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, kẻ phàm phu khi chúng ta sử dụng từ ngữ "tôi là", "ta là", có những trường hợp đó chúng ta cũng không nên vội vàng gán ghép kết luận rằng đó là trường hợp ngã chấp thủ hay thân kiến. Bởi vì có đôi lúc chỉ thoáng qua và sử dụng từ tục đế như trong trường hợp một tâm thiện sanh khởi. Trong tâm thiện chúng ta biết là tâm sở ngã mạn và tâm sở tà kiến không có mặt ở đó, bởi vì không thể nào tâm đại thiện mà tương ưng với tâm sở bất thiện. Nhưng trong trường hợp phải sử dụng đến từ tục đế để chỉ cho ngôi thứ nhất, khi giao tiếp với người khác, ngôi thứ hai.  Do vậy tâm đại thiện vẫn tạo ra sắc tâm về khẩu biểu tri, và lúc đó cũng dùng cái từ tôi ta v.v...nhưng trong trường hợp đó hoàn toàn không liên hệ đến vấn đề thân kiến hay là ngã chấp thủ.

      Ở đây có ba vấn đề chúng ta cần lưu ý như vậy, chúng tôi xin được góp ý bấy nhiêu đó, không biết sự góp ý này có đem lại lợi ích an lạc cho đại chúng trong khi  nghe pháp hay không, nhưng chúng tôi tùy theo khả năng, tùy theo sự hiểu biết của mình để trình bày như vậy.

No comments:

Post a Comment