Wednesday, December 4, 2013

Thà như tê giác một mình ra đi?

Hỏi: Tại sao bậc thiện trí có một sự lựa chọn: Thà như tê giác một mình ra đi?

(Bài pháp giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Có ai trong cuộc đời này lên đường mà không mong có được một người bạn đường, có ai trong cuộc đời này muốn dấn bước mà lại độc hành, cô quạnh một mình. Trên mỗi bước đi của cuộc đời, chúng ta đều muốn được chia sẻ, chẳng những muốn được chia sẻ, mà chúng ta quá muốn để có được những người bạn đồng hành. Và bởi vì chúng ta quá muốn có những người bạn đồng hành, thường khi chúng ta rất vội vã để trọn bạn đồng hành.

Và cái giá phải trả là chúng ta thường thất vọng, thất vọng rất nhiều cho những sự lựa chọn của mình, không những thất vọng mà có bao nhiêu là tai ương hoạn nạn, không những thất vọng mà có bao nhiêu phiền toái ở trong cuộc sống. Chúng tôi muốn tất cả quí Phật tử thử đặt một tâm niệm riêng là đã có bao nhiêu lần trong cuộc đời mình đi từ sự thất vọng này sang sự thất vọng khác, khi một người bạn đồng hành, một người bạn đồng nghiệp, một người bạn đồng sự làm cho chúng ta bị phiền toái. Nhưng nếu quí vị nói rằng đã có nhiều lần như vậy, mà họ chỉ làm cho quí vị phiền toái, thì việc đó là việc hoàn toàn may mắn, sự việc có thể là tệ hơn nữa, họ có thể gây lại cho chúng ta vô số phiền toái.

Giả sử có một người nào đó hỏi chúng ta rằng, vậy chứ rồi lòng đại bi của chúng ta để đâu, tinh thần trách nhiệm của chúng ta ở đâu ở giữa cuộc đời này, nếu chúng ta chỉ lên đường trong cuộc hành trình với những người có trí, thì liệu là chúng ta có bỏ lại những người không có trí, những người không bằng được mình phải chăng.

Trong kinh kể câu chuyện liên quan đến một giai thoại khi Ngài Ma Ha Ca Diếp còn ở tại thành Vương Xá, ở trên một động gần Pipphali. Pipphali là nơi có cuộc kết Tam Tạng lần đầu. Tại đây có một câu chuyện rất tầm thường về hai vị Sa di đi theo để hầu Tôn Giả trong vai trò thị giả. Một thì đàng hoàng siêng năng và một thì biếng lười, và để che đậy cho sự biếng lười của mình, vị này dùng đủ thứ mưu chước, như trường hợp vị này hay dành công của người bạn mình, hễ vị người bạn làm việc gì được thì vị này ra dành công.

Cho đến một ngày kia, thấy người bạn mình đang nấu nước sôi, vị Sa di không được thành thật đó đã chạy lên thỉnh Ngài Ca Diếp rằng: "Con đã nấu nước sôi cho Ngài tắm rồi, thỉnh Ngài xuống để tắm, mọi thứ đã sẵn sàng". Nhưng khi xuống thì khám phá ra rằng không có sẵn sàng, mà chỉ có một nồi nước với một ít nước sôi trong đó, do dụng ý của vị Sa di bạn. Và nhân đó, vị này lại chạy ra bên ngoài cầm bình đi tìm nước sôi với một thái độ không được tốt đẹp. Tôn Giả Kasyapa gọi vị Sa di đó đến và Ngài dạy rằng một người xuất gia không thể làm bằng tư cách như vậy, không thể sống bằng tư cách như vậy, ít nhất là trong hành sử của mình phải có cái gì khác hơn người ở thế gian.

Chúng ta cũng được biết rằng từ điểm nhỏ này, vị Sa di đã nghĩ rằng Thầy của mình thật sự có ác cảm với mình, và vị Sa di lại làm nhiều lầm lỗi theo sau đó. Giống như một người không có vẻ thành thật ở trong đời sống này, họ đã làm một việc quấy, và từ việc quấy này nó dẫn sang việc quấy khác, và từ việc quấy khác nó dẫn sang việc quấy khác, bởi vì phiền não thì nối tiếp phiền não.

Cho đến một ngày vị này nhân danh Tôn Giả Kasyapa đi vào trong làng và nói với người đàn tín rằng Tôn Giả trong người không được khỏe, vị đàn tín này đã chuẩn bị thức ăn cho Tôn Giả và vị Sa di mang về để tự ăn lấy. Sáng ngày hôm sau Tôn Giả đi vào xóm khất thực, vị đàn tín này gặp Ngài hỏi thăm là Ngài có khỏe không. Biết được sự tình thì Ngài Kasyapa lại một lần nữa quở rày vị Sa di là bởi vì người xuất gia không thể ăn thức ăn mà do nói ướm, là do nói trước như vậy.

Mặc dù được dạy dỗ rất tận tình, nhưng vị Sa di này không lấy sự dạy dỗ của Tôn Giả Kasyapa thành một sự khuyến cáo để tu tập, để thay đổi, mà lại biến việc đó thành "Giáo đa thành oán", trong giáo đa thành oán này, vị này nghĩ rằng Tôn Giả Kasyapa vì một chút nước nóng không được chuẩn bị mà lại đem tâm hiềm hận với mình, và tất cả sự la rày sau đó chỉ là mục đích trả đủa chứ không phải lòng từ bi của một vị Thầy đối với học trò. Chúng ta biết vị Sa di này với phàm tâm, không thể thấy được tâm của Ngài Ca Diếp, và cũng là một người ở trong cuộc sống không đủ tư cách để hiểu rõ những điều tốt đẹp, những thiện trí của người khác, mà lúc nào cũng nghĩ quấy cho cuộc đời.

Cuối cùng thì Sa di này đã làm một chuyện đại nghịch bất đạo, là trong cơn giận dữ đã nổi lửa đốt cả am tranh của Ngài Ca Diếp, chuyện quá đáng đó đã được biết bởi một số lớn những người Phật tử ở trong thành Vương Xá, những người Phật tử trong Vương Xá thành đem câu chuyện này đến chùa Trúc Lâm để thưa với Đức Phật. Đức Phật nghe như vậy và Ngài đã nói lên bài kệ này sau khi Ngài kể câu chuyện tiền thân, cũng tương tự liên quan đến vị Sa di một lần trong quá khứ cũng đã tự mình làm những điều sai quấy, và từ sự sai quấy này dẫn đến điều sai quấy khác.

Qua câu chuyện này nói lên một cuộc hành trình, cuộc hành trình này có thể là một quảng đường dài nào đó mà chúng ta ra đi, hoặc giả là cuộc hành trình của cả cuộc đời, hay là một cuộc dấn thân một công việc gì đó, mà trong cuộc đi đó thì quả thật là chúng ta cần đến sự chia sẻ đối với những người đồng hành, cần người bầu bạn để giúp đỡ tương thân, tương trợ.

Thì điều này nói lên một việc, thí dụ như ở trong cuộc tu, một người bạn đồng hành không nhất thiết phải là một người nhất trí tuyệt minh hơn mình, nhưng ít nhất là người đó cũng có đạo tâm như mình, cũng có tàm quý như mình và cũng có thể chia sẻ lý tưởng như mình. Trí tuệ có thể kém hơn, tài năng có thể không bằng, nhưng nói về thiện tâm thiện trí, nói về đạo tâm thì người đó phải có đủ không thể thiếu được, và do vậy khi nói bằng mình hay hơn mình ở đây không phải là một cuộc so đo về tài năng, về trí tuệ, mà chúng ta nói về tấm lòng và sự chấp nhận lý tưởng.

Điều này chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều, có thể một người họ sống gần chúng ta, họ thua kém về mặt này hay mặt khác, nhưng ít nhất người đó cũng có được hai thứ : tín tâm ở Tam Bảo và có thiện trí để phục vụ cho cuộc đời; hai điều đó không nhất thiết một người mới vào đạo hay là một người đã ở trong đạo lâu năm, thì đều có thể đạt được điều này.

Tại sao bậc thiện trí có một sự lựa chọn "Thà là cô độc đường trần, còn hơn bạn với tiểu nhân ích gi`". Thái độ lựa chọn đó, đôi lúc nó không phải đơn giản như chúng ta nghĩ, bởi vì công ăn việc làm, vì quyền lợi, hoặc giả bởi vì lý do chúng ta rất sợ cô độc, chúng ta không dám dấn bước trên cuộc hành trình ra đi một mình một bóng, chúng ta luôn luôn muốn có người này và người khác.

Trong "Thanh Tịnh Đạo" lại đưa ra một hình ảnh khác, hình ảnh này rõ nét hơn, nếu chúng ta muốn phát huy chánh niệm thì chúng ta phải làm bạn, phải thân cận, phải cộng trú với người có chánh niệm. Nếu chúng ta muốn phát huy chánh niệm, muốn tu tập chánh niệm mà chúng ta lại làm bạn với một người thất niệm, thì tự mình đã làm hỏng công việc của mình. Nếu chúng ta muốn phát huy sự tinh tấn để huân tập nghị lực mà chúng ta lại sống gần người lười biếng thiếu nghị lực, thì chính chúng ta lại đánh hỏng công trình của mình. Khi nói như vậy thì chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng ở trong một giai đoạn nào đó, ở trong một giá trị nào đó chúng ta nên lựa chọn con đường độc hành, điều này không có nghĩa là chúng ta sợ thế gian, chúng ta ghê tởm thế gian và chúng ta lẫn tránh thế gian, mà đó là cuộc hành trình khôn ngoan. Một người nuôi đại bi tâm đến với cuộc đời bằng những tặng vật mà mình nghĩ rằng lợi ích cho cuộc đời này, chứ một người nuôi đại bi tâm không lao đầu vào để sống ở trong bùn nhơ nước đọng với những người không có trí, mà mình nghĩ rằng đó là lòng đại bi.

Hãy đến cuộc đời này bằng những gì mình có thể cống hiến được, có thể chia sẻ được, nhưng mà sự cộng trú được với một người thiếu thiện trí, một người thiếu hiểu biết, một người không có tâm thành, và một người không có tinh thần cải thiện, thì điều đó là một điều Đức Phật khuyên chúng ta đừng. Đa số những thất bại trong đời sống của chúng ta, thất bại đó đến từ một người cộng sự, một người đồng sự, một người cộng hưởng, mà người đó bất xứng, người đó không đúng như một người bạn.

Có một lần Tôn Giả Ananda, trong sự suy nghĩ về thiện hữu, về bạn lành, Tôn Giả đã thốt lời trước mặt Đức Phật: 
"Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ rằng bạn lành là bán phần của phạm hạnh". 
Đức Phật nghe nói như vậy thì Ngài đã dạy Tôn Giả Ananda:
 "Này Ananda đừng nói như vậy, thiện hữu không phải là bán phần của phạm hạnh, thiện hữu là toàn phần của phạm hạnh".

Nghĩa là ở trong đời sống tinh thần, thì bạn lành không có những chỉ có nửa phần, mà bạn lành là toàn phần. Và trong một lần khác, Đức Phật Ngài đã trang trọng nhắc rằng, không có một điều nào lợi lớn về đời sống nội tại cho một người tu tập bằng sự không phóng dật, và không có điều gì trên phương diện ngoại giới quan trọng với một người tu tập bằng thân cận với bạn lành, như vậy nếu ở bên trong chúng ta mà có sự không phóng dật, có sự tinh cần, ở bên ngoài chúng ta lại có bạn lành, thì kể như chúng ta đã có những thành tựu lớn.

Khoan nói đến đạo quả, khoan nói đến những mục đích xa vời, nào là chứng tầng thiền này, quả vị kia, đạo quả nọ, chúng ta không cần nói, chúng ta hãy tự đặt mình để hỏi rằng ở trong đời sống chúng ta có được hai sự thành tựu:
1. Sự không phóng dật ở trong mình, trong mỗi chúng ta.
2. Bà bạn lành ở thân cận với chúng ta không.

Nếu có được hai điều đó chúng ta hãy sung sướng đọc lại lời của Đức Phật dạy rằng, đó là hai điều lợi lạc tối thượng mà một người tu tập có thể mong mỏi ở trong kiếp này.

 Chúng ta cũng nghe nhiều lời tranh luận nói rằng một người có lòng đại bi không thể sợ chúng sanh như một người sợ đỉa, một người có lòng đại bi là một người phải dấn thân đi vào trong cuộc đời này, hoà nhập với cuộc đời sống giữa cuộc đời.

Thái độ đó, câu nói đó phải là một câu nói rất cận trọng. Chư vị thánh đức đã từng đi vào thế gian này, mang lại lợi lạc cho cuộc đời này, nhưng các Ngài không có cộng trú không có chọn những kẻ ác quấy làm bạn đường. Làm bạn đường trong cuộc hành trình của mình mang một ý nghĩa to lớn hơn nhiều, hơn là đến với một người nào đó vì lợi ích và vì tâm đại bi của mình mà để cứu độ người đó.

Rất là quan trọng để chúng ta có thái độ, một thái độ rất dứt khoát trong cuộc sống "nếu không gặp bạn đồng hành, hiền minh chân chánh hiểu rành lối đi, như vua bỏ nước vong suy, như voi rừng thẩm thà đi một mình". Và trong Mahàgosinga một trong những bản kinh hết sức diễm lệ của đạo Phật, đã trang trọng viết những giòng chữ về hình ảnh của những con tê ngưu đi giữa rừng sâu một mình, ung dung tự tại, hình ảnh của những con độc sừng tê giác đó, được Đức Phật Ngài dùng để ví dụ cho bậc thiện trí với một thái độ khẳng khái, với một sự lựa chọn rõ ràng sẽ đi giữa cuộc trầm luân sanh tử này, và chỉ đi một mình thôi, nếu không gặp được bạn lành, tại sao phải cộng trú với những người ác quấy, những người không hiểu biết và những người không có thiện trí.

Chúng tôi nhớ một lần có một Phật tử Việt Nam sang gặp Ngài Panita, (Ngài Panita là một truyền nhân của Ngài Mahasi) ở một thiền viện, sau ba tháng hành thiền với Ngài Panita, thì vị này đến đảnh lễ và xin giả từ, vị này mới bạch với Ngài Panita về ý tưởng của mình khi hành thiền định, vị này nói rằng cái gì ở trong khóa thiền này con cũng hoan hỷ hết, nhưng mà có một điều lạ, là bạch Ngài con ở hành thiền với Ngài rất lâu, nhưng mà con không có nghe Ngài nói về hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, làm sao để đưa tất cả chúng sanh đi qua bên bờ giác. Thì Ngài Panita rất ngạc nhiên, Ngài Panita nói rằng tất cả những công việc mà Thầy làm mỗi ngày đều làm vì đại chúng, đều làm vì lợi ích của người khác, nhưng mà tại sao phải nói đến chuyện cứu độ chúng sanh như vậy?.

Thì người Phật tử này lại trình với Ngài rằng: "Bạch Ngài, con thường đọc kinh Phật bằng tiếng Việt, và con thường đọc những con số là vô lượng chúng sanh, pháp giới hữu tình, nhất nhất mỗi việc làm đều phát nguyện để cứu độ chúng sanh, những con số lớn luôn luôn làm cho con cảm thấy hạnh phúc, những con số lớn luôn luôn làm cho con cảm thấy sung sướng, mà thấy rằng mình đã nhập cuộc, và mình mang tâm đại hùng đại lực,(thì thưa quí vị, bởi vì vị đạo hữu này đã trình bày bằng Anh ngữ nên chúng tôi dịch là những con số lớn thì quí vị nghe cũng hơi lạ tai).

Nhưng khi Ngài Panita nghe nói những con số lớn như vậy, thì Ngài cũng ngạc nhiên và Ngài nói rằng: "Có lẽ mỗi chúng ta sống ở trong nền văn hoá khác, bần tăng thì thường nghe những con số lớn, là những con số không có đẹp. Ở trong kinh Phật nói rằng người sanh vào cõi an lạc là con số ít giống như sừng bò, mà con người sanh vào cõi khổ nó nhiều như lông con bò, những người đến bên bờ giác ngộ ít, mà đa số người còn lại thì quanh quẩn bên bờ bên này. Văn hoá mà bần tăng lớn lên là văn hoá không trọng con số lớn, và vì vậy bần tăng chỉ có thể làm, chỉ có thể cống hiến cái gì với đôi tay, và với khả năng của mình, được bấy nhiêu thì hay bấy nhiêu, chớ thật sự con số lớn không bao giờ có ý nghĩa lớn đối với bần tăng hết".

Chúng tôi là kẻ đứng giữa để thông dịch, và chúng tôi là kẻ đứng giữa để thỉnh cầu những việc cần thiết, khi nghe một người Phật tử Việt Nam nói như vậy, và nghe một thiền sư Miến Điện nói như vậy, thì thật ra chúng tôi chợt nhận ra một điều, là trong hai nền văn hóa, một nền văn hóa có thể nói rằng mathematic by number là một nền văn hóa mà chúng ta cảm thấy có một cái gì giá trị đặc biệt, khi chúng ta dùng những tâm nguyện cao rộng, và có một nền văn hoá có một thái độ rất là dứt khoát ở trong sự lựa trọn bạn hữu của mình, chúng tôi nghĩ rằng ở đây có một điều rất quan trọng để chúng ta tìm một mẫu số, giữa hai con số hết sức khác biệt này.

Thật ra lòng đại bi đi vào cuộc đời, không có nghĩa là lòng đại bi đó sẽ dẫn chúng ta đến chỗ cộng trú với những người ác, với những người không hiểu biết, hòa nhi bất đồng, đó là thái độ của bậc trí. Một người sống giữa thế gian này có thể không có xua đuổi, không có từ bỏ, không có quay lưng với thế gian này, nhưng không bao giờ người đó vì một lý do nông nỗi của mình mà lựa chọn thái độ thân cận với những người làm hỏng đi đạo nghiệp của mình. Một nhà hiền trí đã nói rằng: "Bằng đại bi tâm tôi sẽ cống hiến cho cuộc đời cái gì tôi nghĩ rằng lợi ích cho cuộc đời, chứ không có nghĩa rằng tôi sẽ cống hiến cho cuộc đời cái gì cuộc đời đòi hỏi ở tôi".

Hai thái độ đó có khác nhau nhiều lắm, khác với nhau rất nhiều, bởi vi` sao?, bởi vì một kẻ không hiểu biết, một kẻ không có thiện trí, một kẻ không có nghị lực, và những người này chẳng những làm phiền chúng ta, mà những người này có thể làm hỏng cả công việc của chúng ta.

Chúng tôi có nhớ một lần xem một cuốn phim tài liệu nói về việc cấp cứu một người đang chết đuối. Người ta nói rằng, nếu bạn muốn cứu một người đang chết đuối, mà người đó không biết lội thì bạn phải coi chừng một điều, là có khi những người chết đuối đó họ gặp một người ra cứu mình, thường khi là họ ôm xiết người đó như là một chiếc phao, và cuối cùng cả hai người đều dễ dàng bị chết đuối, bởi vậy người ra cứu không thể cứu được người kia, và họ đã chỉ cách là trong trường hợp nếu bạn muốn cứu một người đang sắp chết đuối, mà người đó không chịu nghe theo bạn, mà người đó cuống quít ôm chầm lấy bạn, thì bạn nên làm những việc gì cần thiết, thậm chí có thể đánh xỉu người đó trước khi cứu người đó vào, nếu không thì cả hai người đều dễ dàng bị chết đuối.

Có bao nhiêu bi kịch xảy ra trong đời sống, không phải do chính mình chuốc lấy, mà do đã trọn sai một người bạn đồng hành, và người đó chẳng những làm hỏng cái mục đích chuyến đi của mình, mà còn làm tiêu tan đi cái nhệu khí của mình, đánh mất đi niềm tin yêu của mình đối với cuộc đời, và khiến chúng ta không còn có đủ niềm hăng hái nhiệt thành để bắt đầu cuộc hành trình khác, và điều đó là một điều rất là đáng tiếc.
Chúng tôi làm trụ trì trong một ngôi chùa, chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu người Phật tử, vì không khéo chọn bạn đạo nên họ đã đánh hỏng đạo nghiệp của mình, họ đã không thể gần Phật nữa, họ đã không gần với Pháp nữa, họ không gần đến Tăng nữa, là bởi vì những lời ra tiếng vô, những ảnh hưởng hết sức là tiêu cực, và những sự hướng dẫn hết sức sai lầm của những người thân cận.

Một người thân cận mà không xứng đáng, họ chẳng những làm phiền phức đến chúng ta, mà họ có thể đưa đẩy chúng ta vào một con đường tệ hại như là Đề Bà Đạt Đa, đã xui bẩy vua A Xà Thế, và cổ kim đã có vô số các câu chuyện, và những câu chuyện đó dạy cho chúng ta vô số bài học quan trọng. 

No comments:

Post a Comment