Monday, July 15, 2013

Có phải tất cả mọi người sống trên đời này thì đều có thọ ân và thi ân? Có ai mà chỉ thi ân mà không thọ ân không?

TT Giác Đẳng hỏi: Có một vài người đi làm có tiền rồi để dành tiền về già lập am tu và nói là họ tu không muốn nhờ ai hết và cũng có nhiều người nói rằng ở trong cuộc đời họ chỉ thích thi ân nguời khác nhưng họ không thích thọ ơn người khác không thích nợ ai điều gì hết. Khi chúng ta nhìn vào pháp hữu vi nó là pháp vừa trợ tạo vừa bị tạo thì chúng ta cũng có thể nói trong thế giới này là tất cả con người sống của chúng ta đều vừa là có thi ân có thọ ân chứ không có ai mà không có thọ ân, nếu chúng ta hiểu theo cách thường tình của chúng ta thì có phải vậy không? và nếu có một người nói rằng mình chỉ muốn ban ân cho người khác chứ mình không muốn thọ ân thì cái nhìn đó có cực đoan không? 

(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 12-7-2013, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu trả l:i Thật ra, thi ân và thọ ân chỉ là pháp thường thức không đem so sánh được với định luật của pháp hữu vi trợ tạo và bị tạo, pháp hữu vi trợ tạo, và bị tạo đó là một định lý một lý luận của pháp hữu vi còn vấn đề thọ ân và thi ân thì chuyện đó là chuyện thường thức.

 Tuy nhiên, chúng ta để pháp hữu vi qua một bên, và chúng ta chỉ nói về thi ân và thọ ân. 

 - Ở đời có những người chỉ thích thọ ân chứ không thích thi ân cho ai hết
 - Cũng có một số người thích thi ân nhưng không thích thọ ân, 
 - Cũng có một số người thi ân cũng có mà thọ ân cũng có nghĩa là tùy duyên,
 - Còn một số người thì không thọ ân cũng không thi ân, nó còn tùy thuộc vào rất nhiểu yếu tố.

 Về sự thi ân, có những người không thích sống nhờ vả người khác mà tự họ làm lấy hết nhưng nếu ai cần thì họ sẵn sàng giúp, thì người quan niệm như vậy được gọi là thi ân, và họ không thọ ân. 

 Nhưng nếu nói trên phương diện hẹp thì ở đời này chúng ta khó nói rằng là chúng ta tránh không thọ ân người khác, thí dụ như chúng ta đi đến một khu chợ muốn mua món hàng nào đó nhưng vì khu chợ rộng quá không biết món hàng đó bán ở gian hàng nào, nếu gặp nhân viên bán hàng hay là những người họ đi tới đi lui trong khu chợ hỏi họ và nhờ họ chỉ chúng ta mới kiếm được món hàng mình muốn mua, thì đó cũng là hình thức thọ ân.

 Khi chúng ta sống một mình ngay lúc chúng ta ốm đau bịnh có người nào ở gần đến giúp cạo gió hay đưa đi bác sĩ thì đó cũng là thọ ân, chứ không thể nói là mình không  thọ ân người khác. Thì chuyện lớn chuyện nhỏ cũng có phải nhờ vả vào người khác. Khi còn bé chúng ta cũng cần cha mẹ thầy cô, đó cũng là một sự thọ ân. 

 Trong đời sống xuất gia, chúng ta không thể nói là mình xuất gia rồi không cần phải thọ ân. Trong kinh có nói đến một vị tỳ kheo khi bịnh thì các vị tỳ kheo khác chăm sóc thì đó cũng là thọ ân. Chúng ta có thọ ân nhưng không phải thọ ân kiểu lớn lao.

  Những người nói không muốn thọ ân là cách nói là hơi quá đáng, nếu không thọ ân thì tại sao mỗi khi người ta làm giúp mình cái gì mình cám ơn.
  
  Còn về vấn đề thi ân, người nói rằng chỉ muốn thi ân chứ không muốn thọ ân là người hơi cao ngạo. Bởi vì người thi ân cho người khác là người trượng nghĩa, mà nếu tuyên bố là chỉ biết thi ân cho người khác chứ không biết thọ ân người khác thì trường hợp đó là sai.  Ngay cả Ngài Xá Lợi Phật khi đi khất thực gặp một ông bà-la-môn già lụm cụm tên là Ratha, không ai để bát cho Ngài chỉ có ông bà-la-môn Ratha để bát cho Ngài một giá cơm, bà-la-môn Ratha đã 80 tuổi, già cả lụm cụm nên các vị tỳ kheo không ai muốn nhận làm thầy để tiếp độ cho ông ba-la-môn, lúc bấy giờ giữa hội chúng Đức Phật Ngài mới hỏi các vị tỳ kheo có vị nào chịu tiếp độ vị bà-la-môn này không thì Ngài Xá Lợi Phất mới chắp tay đảnh lễ Đức Phật xin phép Đức Phật Ngài sẽ nhận tiếp độ vị bà-la-môn này xuất gia, Đức Phật Ngài khen ngợi tán thán Ngài Xá Lợi Phất là người biết tri ân người khác. 
  
  ở đây, nếu như chuyện thọ ân đó là một điều tội lỗi thì các vị Alahán xử như làm sao đúng, còn đằng này chúng ta thấy rõ ràng là vấn đề thọ ân không phải là bắt buộc người khác thi ân cho mình nhưng người khác có lòng tốt giúp đỡ cho mình thì mình là người chịu sự thi ân đó mình phải chịu nhận rằng mình thọ ân người ta đó mới là tánh cách của người trí. 
  
  Và chính vì điều này mà Đức Phật Ngài dạy rằng:

- "Có hai hạng người khó tìm ở đời là hạng người thi ân và hạng người báo ân (Kataññūkatavedī puggalo dullabho). 

Tức là người thi ân và người biết báo ân. Thi ân bất cầu báo thì khó tìm, và hạng người khi thọ ân người khác tìm cách báo ân tri ân đó cũng là hạng người khó tìm
  
  Cho nên chúng ta phải chấp nhận pháp đó chứ chúng ta không thể có một quan niệm hơi cực đoan hơi lập dị khiến cho cuộc sống này trở nên khó khăn cho người khác. Có người sẵn lòng giúp mình chỉ khi mình lắc đầu từ chối đã làm cho người ta phiền lòng, người ta đâu cầu mình phải đáp ân, chỉ vì người ta thấy trường hợp này người ta biết làm giúp mình thì cứ để cho người ta giúp, người ta giúp cho mình thì mình ghi nhớ chuyện ghi ân của người khác, cũng có phần chúng ta báo ân tri ân là đủ rồi. 
  
  Ngài Xá Lợi Phất lúc còn là cư sĩ Upatissa đệ tử của ngoại đạo phái Du Sĩ Paribbàjaka, tên gọi là Sanjaya, nhưng Ngài không tìm thấy được con đường giải thoát từ nơi giáo lý của phái Sanjaya do thiện duyên của Ngài cho nên Ngài thấy đây không phải là con đường giải thoát do vậy Ngài mới đi tầm đạo. Thì khi Ngài diện kiến Tôn giả Assàji một trong năm thầy Kiều Trần Như, đamg đo khất thực, Ngài nhìn thấy diện mạo đoan trang oai nghi của Ngài Assàji nên đã đi theo khất thực rồi khi Ngài Assàki khất thực xong trở về đi đến gốc cây thì cư sĩ Upatissa đã trải tọa cụ và thỉnh Ngài Assàji và tự mình hầu hạ phục dịch bữa ăn cho Ngài dâng nước uống, rồi Ngài Assàji thuyết một câu kệ ngôn và cư sĩ Upatissa đã ngộ đạo và nghĩ rằng nhờ tôn giả Assàji mà mình mới ngộ đạo mình mới tìm được con đường thoát ly sinh tử cho nên để bày tỏ sự tri ân bằng cách cung kính mọp xuống tận bàn chân của Ngài Assàji.
  
  Và trong trường hợp khác, thí dụ như người đó trước đây giúp đỡ cho mình trong lúc mình hoạn nạn nghèo khổ đã giúp đỡ tiền bạc làm vốn liếng bây giờ khi người ta xa cơ thất thế nghèo thì mình phải tìm cách báo ân lại giúp đỡ trở lại, thì trường hợp đó vừa thi ân và vừa báo ân.
  Trường hợp người học trò đối với Thầy thì chúng ta tri ân biểu lộ sự tri ân đó bằng cách cung kính cũng được.
  
  Cho nên ở đây, trong cuộc sống của chúng ta chúng ta vừa phải tri ân chúng ta vừa báo ân, bởi vì lúc nào chúng ta cũng thọ ân người khác dầu đó một chuyện nhỏ như Tôn giả Xá Lợi Phất chỉ một giá cơm thôi Ngài cũng xem đó là một việc thọ ân. Chúng ta là người tu Phật càng không nên nói "chỉ muốn thi ân chứ không muốn thọ ân" ./. 

No comments:

Post a Comment