Sunday, July 7, 2013

Phải chăng bố thí cho loại bàng sanh ăn thì một lần bố thí được hưởng 100 kiếp?

Hỏi:. Nếu bố thí cho loại bàng sanh ăn, thì một lần bố thí được hưởng 100 kiếp. Câu hỏi là một lần làm phước bố thí trổ liên tiếp 100 kiếp hay chỉ trổ trong kiếp thứ nhất rồi phải làm phước nữa thì mới trổ trong kiếp thứ hai.... v.v...? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 5-7-2013, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Thực ra, ở đây trong lý nghiệp quả bất khả tư nghì tức là nghiệp quả không thể lượng trước được, không thể cân đo đong đếm được. Một người bố thí dầu chỉ là bố thí cho loài bàng sanh cũng khó có thể nói được là người đó hưởng quả được bao nhiêu kiếp. 

Bởi vì việc bố thí thì tùy, có người bố thí cho loài bàng sanh chẳng hạn như ở trong nhà nuôi chó, mèo, heo, trâu, bò, v. v... họ bố thí vật thực cho những con thú đó ăn nhằm hai mục đích: 

- Một là, họ thích nuôi thì phải cho chúng ăn, không cho ăn thì những con thú đó chết đi thì không còn thú vui nữa cho nên họ cho ăn vì muốn chúng sống để họ lấy đó làm thú vui.
- Còn có trường hợp thứ hai, họ nuôi để con vật chóng lớn rồi giết làm thịt ăn hoặc bán, thì như vậy không là làm chuyện bố thí mà có phước được.

 Chúng ta thấy khác nhau. 

Một người thấy một con vật, họ tội nghiệp họ cho ăn, thì đó mới gọi là bố thí. 

- Một chúng sanh mà thuộc Bồ Tát thì dầu cho loài bàng sanh mà thấy nó thiếu vật thực động lòng bi mẫn có tâm từ tâm bi thì Bồ Tát bố thí. 
- Người bố thí cho bàng sanh mà trong sự bố thí đó họ vẫn ước muốn quả dị thục mong rằng sự bố thí này đời sau họ không bị khổ không bị đói thì quả sẽ khác. 

còn người bố thí như Đức Bồ Tát Ngài bố thí dầu cho loài bàng sanh, Ngài không nhắm đến quả dị thục được sanh cõi trời, cõi người, được tài sản, mà Ngài chỉ muốn ban tâm bi tâm từ thì quả nó khác.

 Chúng ta phân tích nhiều khía cạnh như vậy thì sẽ thấy ở đây không thể có sự bố thí cho loài bàng sanh phước được hưởng 100 kiếp không bị đói khát. 

 Trong bài kinh "So sánh phước" Đức Phật Ngài có so sánh:
 100 lần bố thí cho loài bàng sanh không bằng bố thí một lần cho loài người.
 100 lần bố thí cho người không làm thiện không bằng bố thí cho người hiền thiện.
 100 lần bố thí cho người hiền thiện không bằng một lần bố thí cho vị đắc Tu Đà Hườn Tu Đà Hàm A Na Hàm, A La Hán v.v... 

 Cứ so sánh lên 100 lần như vậy. Ở đây, chúng ta không thể ước lượng là 100 kiếp không bị đói khát. 

 Cũng như có người nói rằng: những bậc cha mẹ cho con xuất gia thì người cha mẹ ấy 500 kiếp không bị đoạ địa ngục. Chưa chắc là như vậy, làm sao không bị đoạ được, trong khi đó đức vua Asoka (vua A Dục) đã khuyến khích hai người con mình là Hoàng Tử Mahinda và công chúa Sanghamitta xuất gia trong giáo pháp, hai vị đều đắc quả A La Hán Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, vậy mà Đức Vua Asoka trong giờ lâm chung khởi lên tâm sân hận với vị quan đại thần mà phải đọa sanh làm loài rắn loài bàng sanh. 

 Cho nên ở đây chúng ta khó mà nói được, khó mà ước lượng được.

 Để trả lời câu hỏi thì chúng tôi xin thưa rằng: vấn đề bố thí cho loài bàng sanh một lần mà hưởng được 100 kiếp thì chuyện đó chúng tôi chưa đọc thấy ở trong kinh điển, chúng tôi chỉ thấy Đức Phật Ngài so sánh 100 lần bố thí không bằng một lần bố thí cho những chúng sanh cao hơn v.v... chỉ thấy sự so sánh thôi. Còn nếu mà nói về đối với những kiếp so sánh về những số kiếp hưởng quả thì chúng tôi nghĩ rằng Đức Phật bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác Ngài cũng sẽ không thuyết như vậy là bởi vì Ngài đắc Sanh Tử Minh, trí tuệ của Ngài, thần thông của Ngài thấy rõ cái lực nghiệp quả như thế nào của chúng sanh cho nên Ngài không khẳng định như vậy. Chúng tôi nhớ trong bốn điều bất khả tư nghì Đức Phật Ngài thuyết là Kammavipāko nghiệp quả bất khả tư nghì không thể suy xét cùng tột được thì làm sao ở đây lại có thể khẳng định biết bố thí cho loài bàng sanh được hưởng 100 kiếp.

Chúng ta cần phải so sánh với kinh đối chiếu với luận rồi mới nên thọ trì điều này, chỉ những điều Đức Phật Ngài tuyên bố, 

Thí dụ như: "Này các Tỳ Kheo, nước rửa chén ở trong thau khi đổ lên trên đất với cặn bã vật thực còn sót lại trong thau nước, người này có tác ý nghĩ rằng mong nhờ với cặn bã vật thực này cho chúng sanh loài hữu tình côn trùng ở trên mặt đất chỗ đó được ăn để sống" 

Chỉ có tác ý như vậy mới có phước vô lượng nhờ việc bố thí. Ngài chỉ tuyên bố như vậy thôi.

Thì ở đây, chúng tôi không có khẳng định rằng là hưởng 100 kiếp.

Khi đã nói như vậy rồi thì câu hỏi như vậy một lần bố thí phước trổ liên tiếp 100 kiếp hay là kiếp thứ nhất làm phước thì hưởng kiếp thứ hai, kiếp thứ hai làm phước thì kiếp thứ ba hưởng. Thì ở đây đã nói như vậy thì người ta không bàn vấn đề này, với lại nếu có bàn thì chúng ta sẽ đi vào một cái rối khác, đã bố thí cho loài bàn sanh một lần bố thí hưởng phước 100 kiếp rồi nếu kiếp sau bố thí nữa thì tiếp tục hưởng một trăm kiếp nữa nó cứ chồng chất lên nhau như vậy chứ không phải là làm mồi kiếp thứ nhất bố thí quả dị thục của kiếp thứ nhất nó trổ sanh, nếu mà làm mồi nó trổ sanh như vậy thì nếu kiếp nào đó không bắp nhịp làm phước bố thí như vậy té ra là sự bố thí ở cái kiếp trước nó không trổ sanh liên tiếp, cho nên chúng ta sẽ bị rối.

Sự thuyết giảng của bậc A la Hán Chánh Đẳng Giác là không bao giờ có sự mâu thuẫn đoạn đầu đoạn cuối nếu mà chúng ta chỉ nghe người này nói vầy người kia nói khác nghe thoáng qua mà chúng ta thọ trì thì chúng ta sẽ bị rối. 

Cho nên ở đây chúng tôi có hai đề nghị hai lời khuyên.

1. Thứ nhất, chúng ta chỉ nên biết rằng bố thí với tâm xả tài dứt bỏ lòng bỏn xẻn thì đều có phước báu. Thì chúng ta nên thọ trì điều đó.

2. Thứ hai, chúng tôi muốn nhắc các Phật tử rằng việc bố thí tùy theo đổng lực tâm trong lúc bố thí như thế nào mà quả mạnh hay yếu nặng hay nhẹ, do đó thì nó không thể khẳng định được một lần bố thí như vậy là bao nhiêu kiếp không bị đói khát, chúng ta không thể khẳng định.

Đó là hai điều mà chúng tôi muốn nhắc để qúi Phật tử chúng ta lưu ý và thực hành như vậy  

No comments:

Post a Comment