Hỏi: trong kinh Phật dạy thường niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới v.v... vậy làm sao niệm Phật, Pháp, Tăng, Thí, Giới cho đúng với lời Phật dạy, kính nhờ Chư Tăng giảng dạy.
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Tuệ Siêu Giảng: Thực ra câu hỏi về cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới cần có nhiều thời gian để giảng. Thì ở đây, với 6 pháp môn trì niệm này là đề tài của một thời pháp, nếu chúng tôi giảng rộng thì cần thời gian một giờ đồng hồ, một câu hỏi chúng ta chỉ có 10 hoặc 15 phút thôi, do đó nếu chúng tôi trả lời ngắn gọn thì xin quí vị Phật tử nghe thì hoan hỷ vì thời gian có hạn không thể giải thích dài được, nếu sau này Phật tử chúng ta muốn tìm hiểu những pháp môn tu tập như vậy thì chúng ta nên có thời gian riêng để học hỏi từ nơi các vị Tôn Ðức hoặc là nghiên cứu lại kinh điển thì mới rõ ràng.
Ở đây thưa quí vị, trước hết là chúng ta ngăn ra làm hai, tức là phần niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, và phần thứ hai là niệm thí, niệm giới, nói đúng ra chúng ta còn thêm một pháp nữa mới đủ gọi là 6 pháp tùy niệm hay là lục tùy niệm. Trong kinh Tăng Chi Bộ thì ghi như thế, nhưng có khi dùng tới 10 pháp tùy niệm trong 40 đề mục, ở đây trong Tăng Chi Bộ chỉ đề cập đến 6 pháp tuỳ niệm thôi, và đề mục thứ sáu là niệm Chư Thiên.
Niệm Phật (Buddhànussati) niệm Pháp (Dhammànussati) niệm Tăng (Sanghànussati), niệm thí (Càgànussati), niệm giới (Silànussati), niệm Thiên (Devatànussati), bây giờ chúng ta phân ra làm hai. Phần thứ nhất là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm là gì, chữ niệm danh từ sati được sử dụng trong kinh điển là một thuật ngữ, mà chúng ta không nên hiểu theo nghĩa thông thường, như là niệm ở đây tức là đọc lầm thầm , không phải như vậy. Nếu mà chúng ta đọc lầm thầm, đọc lâm râm thì trường hợp này chỉ gọi là tụng đọc lầm thầm hay là đọc lâm râm, thì theo ý nghĩa là nhớ thông thường là vậy.
Còn chữ niệm, chữ sati ở đây có nghĩa là nhớ thì ở đây là nhớ, là chúng ta nhớ cái gì, chúng ta nhớ Phật, tức là chúng ta nhớ đến công hạnh của Ðức Phật, nhớ đến các đức tánh từ bi vô lượng của Ðức Phật chúng ta nhớ tưởng lại về phạm hạnh của Ðức Phật, chúng ta nhớ tưởng lại các trí tuệ cao siêu tuyệt diệu của Ðức Phật, nghĩa là chúng ta niệm (nhớ tưởng) cái bi đức, trí đức của Đức Phật, để cho chúng ta có sự hoan hỷ và tìm thấy sự an vui về tinh thần, vì chúng ta thấy là chúng ta đang sống gần với Đức Phật một vị cao cả, một chúng sanh mà trong thế gian này không có vị Chư Thiên, Phạm Thiên,Ma vương, Sa Môn, Bàlamôn nào mà có cả về bi đức về trí đức, khi mà chúng ta ngồi chúng ta suy nghỉ và niệm bằng cách đó, chứ không phải chúng ta đọc hồng danh của Đức Phật là niệm Phật, không phải chúng ta đọc “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, không phải chúng đọc như vậy gọi là niệm Phật, mà đúng cái nghĩa niệm Phật là “Niệm Phật giả cảm Phật tri ân , lễ Phật giả cảm Phật như đức”, nhưng mà chúng ta niệm Phật hay lễ Phật, chúng ta nhớ đến, chúng ta cảm nghiệm ân đức của Ngài, chúng ta ghi nhớ như vậy, đó là cách niệm Phật.
Còn niệm Pháp như thế nào, sự ghi nhớ, nhớ tưởng khi mà chúng ta nhớ rõ sáu cái ân đức, do Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng, Đức Thế Tôn thiện thuyết, Pháp được Đức Thế Tôn thiện thuyết thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian đến để mà thấy có hướng thượng, chỉ có bậc trí được rõ khả năng cái tác dụng, từng cái trí năng của các pháp như vậy, thì lúc bấy giờ chúng ta ngồi chúng ta suy niệm từng cái tính năng đó, chúng ta thấy sự cao cả của giáo pháp như là những lời dậy thiết thực để rồi chúng ta hoan hỷ chúng ta chấp nhận giáo pháp này trong đời sống của chúng ta đó là cách chúng ta niệm pháp.
Niệm Tăng là gì ?, niệm Tăng ở đây nghĩa là chúng ta suy tưởng về các ân đức của những vị Thánh Tăng, là những vị thiện hạnh, những bậc trực hạnh, những bậc nguyên lý hạnh, những vị chánh hạnh, là những bậc đáng được nhận lễ phẩm, tặng phẩm, đáng được cúng dường, đáng được lễ bái là phước điền vô thượng của thế gian, khi mà chúng ta suy niệm như theo đó, thì sẽ cảm thấy rằng đời sống củaTăng chúng là đời sống hướng đến hướng cầu tịch tịnh. Những bậc thánh đã đắc đạo quả Tu Đà Hàm, A Na Hàm, A la Hán, thì những vị đó là những vị thanh tịnh đã đi trên con đường đến sự giải thoát, còn đối với các vị phàm Tăng thì các vị này đang có sự nỗ lực, đang cố gắng để đoạn trừ các lậu hoặc phiền não trong tương lai, như vậy những vị này đáng cho chúng ta lễ bái cúng dường, và chúng ta thấy rõ bốn ân đức quan trọng, Tăng là những bậc có thiện hạnh tức là những bậc có sở hành tốt, những bậc có trực hạnh tức là có sở hành ngay thẳng, như lý hạnh có nghĩa là những vị này luôn luôn làm việc gì cũng dùng trí tuệ, Tăng là những vị có chánh hạnh tức là cái sở hành của các Ngài đều khả kính tốt đẹp cả, cái đó gọi là niệm ân đức Tăng, cái đó cũng để phát sanh nên niềm tin.
Khi mà chúng ta niệm thí, niệm giới, niệm Chư Thiên. Niệm thí ở đây tức là chúng ta niệm về ân đức của sự bố thí, nhưng mà trước khi chúng ta niệm về ân đức của thí, chúng ta phải đã có từng bố thí, mình đã có từng hoan hỷ trong việc bố thí,chia sớt tài sản đến cho chúng sanh khác, lúc bấy giờ ngồi lại chúng ta mới suy niệm, sự bố thí là để dứt lòng bỏn xẻn, là con đường đi của các hạng bồ tát để mong cầu giải thoát. Sự bố thí để được Đức Phật Ngài tán thán khen ngợi là nhân sanh quả báu tương lai, sự bố thí là nhân sanh về cõi trời cõi người v.v...chúng ta suy nghĩ như vậy xong, chúng ta mới nghĩ rằng nếu sự bố thí là nhân dứt trừ phiền não bỏn xẻn thì sẽ diệt trừ được bỏn xẻn, sự bố thí là nguyên nhân để sanh cõi người cõi trời, ta đã bố thí rồi, như vậy ta cũng được sanh về cõi người, cõi trời v.v...mà có đầy đủ, mà ta đã bố thí xong, khi ta nghĩ như thế thì, tự nhiên có sự so sánh như thế, so sánh về ân đức thù diệu của sự bố thì rồi mình nghĩ tưởng đến các hạnh bố thí mà mình đã làm, như thế gọi là niệm thí. Nói một cách tóm tắt là như vậy.
Niệm giới cũng tương tựa như vậy, mình phải giữ giới cho thanh tịnh, cho trong sạch cái đã, mình không sát sanh, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, mình hoan hỷ trong cái việc giữ giới, mình giữ giới nghiêm trang, rồi lúc bấy giờ chúng ta mới ngồi xuống, chúng ta niệm, chúng ta suy nghĩ Đức Phật Ngài thường tán thán về cái hạnh giữ giới, giới được trong sạch, được trang nghiêm được thanh tịnh, thì đây là nguyên nhân mình sanh về cõi trời v.v... đây là nguyên nhân làm cho mình thanh tịnh tam nghiệp, chúng ta suy nghĩ như vậy cho nên chúng ta có sự hoan hỷ khi nghĩ rằng mình cũng là người giữ giới.
Bây giờ chúng ta niệm Thiên là chúng ta suy nghĩ về ân đức của Chư Thiên chúng ta niệm Thiên không có nghĩ là chúng ta cầu nguyện cứu giúp chúng ta, đừng có cầu nguyện Chư Thiên ơi, Chư Thiên hỡi hãy cứu con, hãy ban cho con được giàu có, cho con được tiêu tai nạn khỏi v.v... chúng ta niệm Chư Thiên ở đây là chúng ta suy xét về đức tánh của Chư Thiên, chúng ta suy xét rằng, có những chúng sanh trong đời này mà được sanh vào cảnh giới an lạc, có sự sung túc về vật chất, được đẹp về sắc đẹp, được an vui, được làm Chư Thiên, và những chúng sanh này do đâu mà có phước báu như vậy. Và chúng ta biết là những Chư Thiên này do nơi đức tin mà được hưởng quả báu ở cõi trời, do nơi đời quá khứ chúng sanh này nghe pháp thính pháp, với cái tâm hoan hỷ chúng sanh này năng bố thí, năng trì giới mà chúng sanh này được sanh làm Chư Thiên. Mình suy nghĩ rồi, bắt đầu mình suy nghĩ lại, mình luôn luôn phải so sánh với chính mình, trừ khi mình có niềm tin và nghĩ rằng ta đã có niềm tin rồi cho nên mình yên trí sẽ sanh về cõi Chư Thiên, cộng trú với Chư Thiên. Chúng sanh được sanh về cõi Chư Thiên nhờ bố thí, ta đã bố thí rồi, chúng sanh được sanh về cõi Chư Thiên nhờ giữ giới trong sạch, ta đã giữ giới rồi, chúng sanh được sanh về cõi Chư Thiên nhờ có tâm hoan hỷ nghe pháp khi ở cõi người, ta đã có tâm hoan hỷ nghe pháp rồi. Chúng ta nghĩ rằng chúng sanh được sanh vào cõi Chư Thiên là nhờ chúng sanh đó hành thiện pháp, ta đã hành thiện pháp rồi, thì do đó chúng ta cũng sẽ được sanh làm Chư Thiên. Ðó là cách mà chúng ta niệm Thiên.
Ở đây chúng tôi chỉ xin được giảng trong khoảng 15 phút cho câu hỏi này thôi, chúng tôi chỉ gợi ý cho quí vị mà thôi, chứ thật ra chúng ta không thể nào hành một cách trọn vẹn được. Tuy nhiên ở đây chúng tôi cũng xin mách với quí vị là, nếu Phật tử chúng ta có sẵn ở trong tay quyển Thanh Tịnh Ðạo , và với nhiều bản dịch Việt ngữ, chúng tôi xin giới thiệu với bản dịch của Thích Nữ Trí Hải, chúng ta hãy xem ở đó bản dịch này sát với nguyên văn Pali, và như vậy chúng ta sẽ học từ nơi đó các đề mục tu tập, hy vọng Phật tử được tiến hoá trên con đường tu tập.
Ghi chú: Sáu đề niệm niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm Thiên . Hợp với tánh người có đức tin nhiều
No comments:
Post a Comment