Saturday, July 27, 2013

Cơn giận nổi lên thì phải làm sao?

Hỏi: Chúng ta phải làm gì khi cơn giận đang phừng phừng nổi lên?

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma , Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Ðẳng giảng: Đối với kinh nghiệm của chúng tôi đó là chúng ta nên tự hiểu nhược điểm của chính mình:

- Người dễ sân thường là người nặng về lý lẽ sách vở. Qúi vị để ý là Chư Tăng vị nào Pháp Học nhiều thì thường hay dễ sân giận, tại vì chúng ta nói điều gì chúng ta cứ nghĩ rằng điều đó 100% là đúng, mình phải coi chừng nếu mình là người học Phật Pháp nhiều, mình là người có kiến thức nhiều thường hay dễ nổi giận.

- Khi chúng ta cầu toàn thì dễ nổi giận. Cầu toàn tức là cái gì cũng phải hoàn hảo, trưng dọn cũng phải hoàn hảo, tổ chức lễ lộc cũng phải hoàn hảo. Chúng ta càng cầu toàn thì chúng ta càng dễ nổi giận.

- Và chúng tôi cũng để ý một điều đó là đầu óc phê phán cũng làm cho chúng ta dễ nổi giận. Phê phán là con người của chúng ta thường hay có ý kiến, chuyện không phải của mình, mà mình cũng có ý kiến, ý kiến người này đúng người kia sai phải quấy, và chúng ta càng ý kiến nhiều thì chúng ta dễ giận.

Thành ra đối với chúng tôi thì chúng tôi nghĩ rằng điều thứ nhất là chúng ta nên hiểu nhược điểm của mình. Nếu mình là người thường sống với lý lẽ, mình là người sống với sách vở thì mình hay rất dễ nổi giận. Qúi vị để ý thấy rằng quí vị Pháp Sư những vị giảng sư thường thường là tâm sân đôi khi nặng lắm là bởi vì cái gì cũng đòi hỏi lý lẽ.

Thứ hai nữa đối với chúng tôi thì chúng tôi thường học theo lời Đức Phật dạy là mình quan sát những lúc mình giận hay lúc người khác giận, khi mình giận thì thường thường mình hay nói lỡ lời, mình giận là mình hay nói những chuyện mà hối hận về sau này. Ví dụ mình giận một chuyện rồi mình kết án luôn cả người đó, thí dụ người đó làm một lỗi gì đó thì chỉ nên giận một lỗi đó nhưng mình kết án luôn cả người đó.

Do vậy lúc có chuyện gì đang giận, trừ trường hợp lỗi gì ghê gớm lắm thì thôi còn nếu mà được thì có cách này áp dụng kinh nghiệm chúng tôi thấy có kết quả, ví dụ như anh em huynh đệ sống chung nhau mà làm chuyện gì chúng tôi nổi giận lên thì chúng tôi nói thẳng với vị đó rằng "tôi đang rất giận". Ví dụ có vị sư A ở chung với tôi thì tôi nói "tôi đang rất giận, sư để tôi yên một chút, tôi sẽ nói chuyện với sư vào ngày mai." Tại vì khi mình nói với người khác là mình đang rất giận mà mình không nói gì hết thì ít nhất là nó cũng như một lời tự thú là mình đang rất giận, có thể đối với nhiều người xem chuyện đó là chuyện mất mặt, mình nói người khác mình mất bình tỉnh là mình mất mặt, nhưng khi mình nói người khác là mình đang mất bình tỉnh mình đang giận thì cách đó cũng là cách để giải toả sự giận của mình. Do vậy với những người thân của chúng tôi khi họ làm gì mình giận thì chúng tôi cho người đó biết ngay là tôi đang giận người đó và tôi không muốn nói về chuyện đó nữa tôi chỉ muốn giữ im lặng cho đến khi tôi bình tỉnh trở lại. Thì mình cứ nói thật chuyện đó. Vì theo kinh nghiệm trong cuộc đời mình trải qua nhất là mình càng đi càng sống nhiều, đó là những lúc mình giận mình hay nói quá lời, nói những lời quá đáng, mà nói như vậy sau đó thật sự mình chỉ hối hận thôi.

Chuyện của mình đã kinh nghiệm như vậy mình muốn người khác cũng kinh nghiệm như vậy, do vậy ở trong những lúc mình giận dữ thì chúng tôi thường áp dụng hai cách là: một là mình nói mình đang rất giận và mình không muốn nói chuyện này nữa, và cách thứ hai chúng tôi học được của Ngài HT. Hộ Giác. Ngài HT. Hộ Giác được xem như là một người điềm đạm ở trong lối cư xử, chúng tôi thấy Ngài hay im lặng, khi nào Ngài im lặng không nói gì là biết Ngài giận, sau này chúng tôi thấy cách đó cũng hay, thay vì mình cho nó nổ tung ra thì giữ im lặng, nhưng thật sự im lặng cũng khó lắm.

Có trường hợp khác, mình biết được chỗ nào mình nên làm sợi dây để níu lấy ở trong những lúc mình gặp khó khăn. Trong đời của chúng tôi không hiểu tại sao khi chúng tôi bắt đầu lớn lên rồi thì có một chuyện chúng tôi rất sợ, đó là chúng tôi sợ có những lời nói xúc xiểm phạm thượng đến cha mẹ, thân phụ của chúng tôi là một người rất hiền rất thương con, khi chúng tôi lớn lên thì thật sự phải nói rằng nếu một ngày nào đó chúng tôi nghĩ là mình có lời nói phạm thượng đến mẹ đến cha thì có lẽ chúng tôi buồn lắm và chúng tôi vẫn thường tâm niệm trong kiếp sống luân hồi chúng tôi có làm gì thì làm nhưng đừng bao giờ phạm đến cha phạm đến mẹ, chúng tôi sợ chuyện đó lắm. Chúng tôi lấy ví dụ, thân mẫu chúng tôi đã mất rồi sanh lại làm một chúng sanh nào đó một người nào đó, khi chúng ta nổi cơn giận lên mà chúng ta đâu biết ai là thân mẫu của mình thành ra khi chúng ta nổi cơn giận lên thì có thể chúng ta có những lời nói quá.

Cái kinh nghiệm của đời sống hàng ngày là mình để ý đó là thật ra đa số chúng ta đối xử với nhau rất tốt, chúng ta đối xử với nhau tốt nhiều hơn xấu. Chúng tôi là một vị trụ trì chùa chẳng hạn có những Phật tử họ làm chuyện gì đó chúng tôi giận nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ một điều rằng chỉ có hôm nay trong giờ phút này họ nói câu làm mình giận nhưng 5 năm,3 năm, 10 năm qua thì không biết bao nhiêu tâm thành cũng như công quả họ đã đem để vào trong chùa, chúng ta không thể vì chuyện mình giận mà mình lại xóa đi tất cả những công đức xóa đi tất cả tấm lòng của họ trước kia được, do vậy mỗi lần những người Phật tử đi chùa mà họ làm chuyện gì thì chúng tôi nhớ một điều rằng ngày hôm nay họ có thể làm cho mình rất vui và mai kia mốt nọ có thể họ làm gì đó mình rất là giận thì mình nên tha thứ cho chuyện đó, tại vì lý do là họ đã làm rất nhiều chuyện tốt đối với mình. Thật ra ở trong cuộc đời này có những chuyện rất kỳ lạ, cuộc đời giống như một cuộn phim, chuyện tụ rồi tán, rồi thương rồi ghét, đủ thứ hết, bạn và thù là một chuyện giống như trời nắng trời mưa, trời sáng và tối, người đó họ thương mình rồi họ cũng ghét mình được, người đó họ ghét mình rồi họ cũng thương mình được, giai đoạn này tới giai đoạn kia, qúi vị xem cuốn phim nó thay đổi từ nơi này sang nơi khác thành ra chúng tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn nuôi một tâm sân hận hiềm hận về bất cứ ai tại vì sao vậy, tại vì lúc người ta tốt với mình mà mình không cảm kích mà lúc họ làm mình phiền thì mình lại xoá hết tất cả những điều tốt và mình lại nổi giận với họ. Nên chi riêng đối với chúng tôi thì chúng tôi rất sợ là một người nào đó họ có ân sâu tình trọng với mình rồi mình lại vì một cơn nóng giận mà đốt hết những chuyện đó, chúng tôi rất sợ.

Chúng tôi cũng có khi nghiệm thấy cuộc sống là mình sống thì mình phải có chuẩn bị và mình đặt đời sống của mình vào chỗ lạc quan. Lấy ví dụ là mình sống mà mình cứ phiền hà trách móc người khác đối với mình hoài thì đời sống của mình giống như sống trong địa ngục. Cứ tưởng tượng buổi sáng thức dạy và tối đi ngủ lúc nào cũng nghĩ đến chuyện người này sống phá mình và người kia thù hận mình thì phiền não lắm. Thà chúng tôi dành thì giờ cho những người tử tế với chúng tôi hơn là dành thì giờ cho những người kia. Đời sống chúng ta không có công bằng, người tốt với mình thì mình không nghĩ tới họ mà người họ xấu với mình thì cứ nghĩ tới họ hoài. Người ta nói chiếc giày mà nó vừa chân mình rồi thì mình không nghĩ tới nó nữa nhưng chiếc giày mà nó chật hay lỏng quá thì mình cứ nghĩ tới nó hoài. Thật ra trong ngày của chúng ta có bao nhiêu thì giờ mình làm cho những người thật sự tốt với mình. Chúng tôi nói thật sự đời sống bản thân của chúng tôi là một vị tu sĩ tất cả cái ăn cái ở tất cả cái gì chúng tôi có đều là do tấm lòng của đàn na tín thí, nếu chúng tôi sống mà chúng tôi tin tưởng vào tấm lòng của con người thì đời sống tu sĩ chúng tôi tin tưởng như vậy. Và chúng tôi nghĩ là mình nên cảm kích những điều đó hơn là bận tâm đến những chuyện buồn phiền mà chuyện buồn phiền thì chỉ một ngày một buổi, một thoáng nào đó. Cái nào mình sống được an lành thì mình sống chứ mình giận người quá thì phiền hà chính mình. Nhưng phải nhìn nhận một điều rằng như Sư Trưởng nói cái gì mình có chuẩn bị thì nó dễ lắm nhưng cái gì bất ngờ thì thật sự khó dằn lắm.

Đôi khi chúng tôi có chuyện gì giận thì những lúc đó cách mà chúng tôi làm là chúng tôi im lặng hay bỏ đi. Ở bên Mỹ thì thật sự dễ hơn ở điểm là có xe, thí dụ mình giận chuyện gì thì mình lái xe ra bờ biển hay lái xe lên rừng hay lái xe đến nơi nào đó. Thế giới của chúng ta sống ngày hôm nay có điều rất may mắn là có nhiều cảnh giới, chúng ta có điện thoại, có internet, có sinh hoạt và những lúc đó làm tâm tư của chúng ta rất là an bình tại vì chúng ta có nhiều cảnh giới khác nhau. Chúng tôi rất hiểu là tại sao ở trong thế giới chật hẹp con người chúng ta dễ giận dữ, tại vì chúng ta không có được nhiều cảnh giới.

Do vậy đối với bản thân của chúng tôi thấy là đời sống mình nên đa dạng một chút đừng dồn hết sức vào trong cái rổ. Chúng ta làm việc tay chân cũng như làm việc đầu óc, làm việc ở đây nhưng cũng làm việc ở xa, làm việc này cũng có làm việc khác, việc này bế tắt không ổn thì chúng ta tạm ngưng để qua một bên, đầu óc của chúng ta thường là không phải vấn đề bế tắt nằm ở ngoại giới mà bế tắt nằm ở trong đầu mình, mình để trong đầu mình bế tắt tự nhiên mình làm khổ lấy mình. Do đó nên có cách chuẩn bị, Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên tu tập từ tâm. Từ tâm là lòng tử tế hay là thiện trí mong mỏi cho mọi người được an lạc thì điều đó có lợi ích. Chúng tôi thì luôn luôn suy nghĩ một điều là hễ nếu đời sống bình thường mà mình có tâm từ thì những lúc mình giận cho dù mình có lỡ lời có nổi giận thì trong vòng 5 phút, 3 phút, một ngày, mình không giữ lâu, tại cái chuyện mà nuôi cơn giận trong người là một chuyện rất độc hại, và nếu mình có tu tập tâm từ thì tâm sân không có đất đứng, tâm sân nó chỉ có thể tồn tại lâu dài trong tâm của người nào có nhiều phiền não mà yếu kém về tâm từ, nếu đời sống hàng ngày mình có tâm từ thì mình không nghĩ đến chuyện phiền não.

Chúng tôi vẫn thường nghĩ một điều rằng, ví dụ như là mình lên máy bay có một vài giây phút đầu tiên trong lúc chờ đợi máy bay cất cánh thì mình nhắm mắt lại mong tất cả những người chung quanh được an lạc, mong cho mọi người cùng đi trong chuyến bay này được an lạc thì điều mình hiểu được an lạc của người là an lạc của mình, buổi sáng mình mở rơom ra thấy vài ba chục người vào trong rơom nghe Pháp thì mình nhắm mắt lại một chút và mong cho tất cả mọi người hôm nay được an lạc, tại vì những cái đó bình thường đời sống hàng ngày mình không để ý nhưng lâu ngày có lợi cho mình nhiều, có lợi cho mình là đầu tiên mà mình nghĩ đến phản ứng của mình cho mọi người là mong cho người ta được an lạc thì mình sẽ giảm thiểu sân hận. Sân hận cũng là một thói quen, cũng là một thường cận y duyên, không phải là lúc nào nó cũng giống nhau hết do đó nếu chúng ta có thói quen ít sân ít giận thì đỡ khổ hơn.

Vì vậy chúng tôi xin thưa với qúi vị như vầy là mình nên hiểu nhược điểm của mình: Người càng nặng về lý luận, càng nặng về phê bình người khác, càng nặng về sách vở thì càng dễ giận. Mình phải tự hiểu mình. Người càng cầu toàn cái gì cũng đòi hỏi phải hoàn hảo hết thì dễ giận. Phải hiểu là cuộc sống mình phải có cảm kích đối với cuộc đời thì mình cũng sẽ bớt giận đi và đồng thời nếu mình có tu tập tâm từ nhiều cũng sẽ bớt giận, đó là kinh nghiệm rất là khó. Cuộc tu nó là cái gì rất cá nhân.

Đức Phật Ngài đã nói một câu kệ rất hay:

Ai chặn được phẫn nộ,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ.

No comments:

Post a Comment