Wednesday, July 3, 2013

Quy y thầm lặng trong tâm có được gọi là quy y không?

Hỏi:  Nếu một người chưa bao giờ qui y Tam Bảo bằng lời mà họ chỉ qui hướng về Tam Bảo bằng tấm ḷòng  và họ chưa bao giờ đối diện với Chư Tăng để đọc câu: "Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng " nhưng mà họ rất hoan hỷ , họ rất tin tưởng vào Pháp. Vậy sự quy y mà mang tánh cách thầm lặng   ở tâm họ, có được gọi là quy y Tam Bảo không?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tu Siêu trả lời : Một câu hỏi về vấn đề có liên quan đến việc thành tựu tam qui.  Ở đây chúng tôi xin được phép trình bày theo chỗ của chúng tôi biết.

        Chúng tôi xin được phép trình bày chỗ mà chúng tôi biết theo kinh điển Tạng Luật thì sự quy y ở đây có bốn cách:

1.)  Một người mà tuyên bố qui ngưỡng Ðức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng thì người đó gọi là thành tựu tam qui, đây là một cách.

 2.) Một người mặc dầu họ không tuyên bố là qui ngưỡng , quy y Phật, quy y Pháp , quy y Tăng, nhưng mà người này bái Ðức Phật là Thầy, bái giáo Pháp là Thầy ,bái Tăng chúng làm Thầy hướng đạo tinh thần thì như vậy cũng là một cách quy y.

  3.) Một người xưng mình, tự hạ mình là học trò của Ðức Phật, học trò của Giáo Pháp, học trò của Tăng chúng từ nay đến trọn đời thì như vậy đó cũng là một cách quy y.

  4) Và một người tuyên bố rằng từ nay trở đi bất luận nơi nào con đi đến con đều tán thán Phật , tán thán Pháp , tán thán Tăng chúng thì trong kinh chú giải ghi nhận rằng đó cũng là  hình thức quy y.

         Như vậy trong bốn cách quy y đó cách nào cũng được chỉ do niềm tin và do sự quyết định của nội tâm mà thôi, nếu như một người đã có niềm tin nhưng họ không có cơ hội để họ thốt lên lời và họ chỉ âm thầm lặng lẽ hướng tâm và quyết định dứt khoát về tư tưởng quy y Ðức Phật, Giáo Pháp, Tăng chúng thì như vậy cũng được coi như là đã thành tựu tam quy.

          Có một vị du sĩ được nghe đến những hạnh đức của bậc Ðạo Sư Ðức Thế Tôn Gotama , vị du sĩ này liền phát tâm tín thành và tự nguyện là một đệ tử của Ðức Phật, và đang trên đường đi đến yết kiến Ðức Phật thì vị du sĩ này ghé qua nhà ngừơi thợ làm đồ gốm, vì trời tối cho nên vị du sĩ ấy xin nghĩ tạm một đêm và lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn Ngài nhận thấy duyên lành của vị du sĩ này ngày hôm nay sẽ chứng quả A La Hàm và sẽ mệnh chung trong nay mai, Đức Thế Tôn đã đi đến đó Ngài cũng xin cư ngụ tại nhà người thợ gốm một đêm, người thợ gốm để Đức Thế Tôn vào ngụ chung với vị du sĩ này, vị du sĩ  chỉ chào hỏi Đức Thế Tôn cột cách thân hữu như là một đồng đạo với nhau chứ không có sự cung kính như là một đệ tử đối với bậc Đạo Sư bởi vì vị du sĩ này chưa từng thấy mặt Đức Thế Tôn. Đến khuya du sĩ chợt tỉnh thức thấy bên góc nhà bên kia Đức Thế Tôn đang ngồi thiền định với hào quang sáng chói và có nhiều ánh sáng của các vị Chư Thiên xuống viếng thăm và thính pháp bên Đức Phật, sáng hôm sau vị du sĩ đến hạch hỏi Samon  Ngài là ai, và ai là bậc Đạo Sư của Ngài, đêm hôm qua Ngài có hào quang sáng chói và những hào quang kia là của ai vậy, thì Đức Thế Tôn đã giải thích cho nghe và sau đó Đức thế Tôn hỏi rằng : "này Butsati , chẳng hay ai là Thầy của ngươi". Butsati mới trả lời rằng "Thưa samôn Đức Thế Tôn Gotama là Đạo Sư của tôi". Đức Thế Tôn mới hỏi rằng: "Vậy ngươi có từng gặp vị ấy chưa" thì vi du sĩ trả lời rằng chưa bao giờ gặp mặt và đang trên đường đi tìm đến yết kiến Ngài, lúc bấy giờ Đức Thế Tôn Ngài bảo rằng " này Butsati hãy đến đây Như Lai sẽ thuyết pháp cho ngươi" rồi vị du sĩ đến gần Đức Phật, sau khi nghe một thời pháp vị du sĩ mới chợt hiểu rằng đây là bậc Đạo Sư người mà mình đã quy ngữơng từ bấy lâu nay , đã quy y từ bấy lâu nay. vị ấy đảnh lễ Đức Phật và xin xuất gia.

            Chúng tôi xin dừng lại ở đây để chúng ta có thể hiểu rằng một người quy y Tam Bảo không nhất thiết phải là đối diện với Tăng chúng và phát nguyện thành lời là con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng .  Bây giờ trong những kinh nhật tụng chúng ta có những lời kinh đó để cho thống nhất nghi lễ trong hàng tại gia cư sĩ , nhưng nếu nói đến việc quy y Tam Bảo và thành tựu tam quy nhất là đem đến lợi ích cho sự tu tập thì sự quy y phải bằng đức tin và trí tuệ với  sự quyết tâm như vậy là đủ rồi. Chúng tôi xin chấm dứt câu trả lời ở đây. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

No comments:

Post a Comment