Friday, July 12, 2013

một vị tu sĩ bận rộn với chùa chiền với việc học hành, với Tăng chúng, với Phật sự thi2 áp dụng như thế nào được pháp thiền quán trong đời sống hàng ngày?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng hỏi:  Xin được hỏi ý kiến TT Tuệ Siêu. Trong các vị Thiền Sư thì Ngài Achaan Cha là một vị có một huấn luyện rất đặc biệt, Ngài quan niệm rằng sự thực hành giới bổn của một vị Tỳ khưu là một trong những điều kiện tốt để phát triển chánh niệm.  Ví dụ như một vị Tỳ khưu phải thường xuyên ghi nhớ biết mình về cách đi đứng, cách hành sử, giả sử như mỗi lần uống nước, thì không được đứng mà phải ngồi, hay hoặc giả là Ngài cũng dạy trong cách lên chánh điện, phải đến lễ Phật như thế nào, phải đảnh lễ vị thiền Sư như thế nào, và phải ngồi như thế nào v.v...Ngài tập trú rất nhiều vào việc có chánh niệm ở trong giới luật, kể cả việc không rời y tăng già lê buổi sáng sớm trước khi mặt trời mọc.  Đó là một ví dụ về trường hợp vị Thiền Sư dùng sự sinh hoạt hàng ngày để phát triển khả năng ghi nhớ biết mình. 

Trong lúc đó thì Ngài Walpola Rahula,  trong quyển "Con Đường Thoát Khổ", Ngài có một trình bày về pháp Quán Niệm Xứ.  Pháp Quán Niệm xứ, nếu đọc trong đó người ta sẽ thấy rõ rằng Ngài quan niệm rằng những sự trầm tư, quán sát về Tứ Đế, quán sát về Thất Giác Chi, quán sát về Năm Triền Cái, dựa trên một đề mục niệm, dựa trên một đề tài, và đề tài này đối với chúng ta thường là đề tài pháp hành, nhưng đối với Ngài, nếu chúng ta đem được ý niệm đó dựa lên trên một số căn bản của đời sống chúng ta thì Ngài cũng gọi là pháp Quán Niệm Xứ (Dhamma Anupassanà Sati).  Thì không hiểu là sự trầm tư, mặc tưởng và về các đề pháp như  Thất Giác Chi, Tứ Diệu Đế gọi là một pháp Quán Niệm Xứ cũng được, và chuyện đem giới luật áp dụng vào trong đời sống để hành Tứ Niệm Xứ thì chúng ta gọi đó là Thiền Quán được. Thì không biết TT Trí Siêu có ý nghĩ như thế nào về hai điểm này.  Và theo TT Trí Siêu thì trong đời sống của một vị tu sĩ mà bận rộn như phần đông chúng ta ngày nay, bận rộn với chùa chiền với việc học hành, với Tăng chúng, với Phật sự thi` chúng ta có thể áp dụng như thế nào được pháp thiền quán trong đời sống hàng ngày, xin được thỉnh TT Trí Siêu .

TT Tuệ Siêu giảng : Đây là vấn đề hết sức quan trọng, nếu như chúng ta thấy rằng sự tu thiền nhất thiết phải là một người có nhân duyên, còn người không có nhân duyên thì không thể tu thiền được, chúng ta nói như thế đó thì có lẽ là chờ đợi không biết cho đến bao giờ  mới có được nhân duyên, và đời sống tu tập về thiền, ở đây chúng ta phân loại có hai.

Nếu trên phương diện thiền chỉ, tức là tình trạng vắng lặng, đạt tới trạng thái vắng lặng, an trú duy nhất trên một điểm, hay trên một đề mục, thì ở đây đối với một vị tu sĩ bận rộn nhiều công việc ở bên ngoài, hay là đối với một người cư sĩ có đời sống bon chen với xã hội thì có lẽ khó thực hành thiền chỉ được. 

Nhưng nói đến thiền quán thì ở đây chúng ta vẫn có thể thực hành thiền quán trong mọi lúc, mọi nơi, mọi trường hợp, mọi oai nghi đi đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi.  Và  trong vấn đề thiền quán đó, thì ở đây hai vị thiền Sư như TT Giác Đẳng đã trình bày, trưng dẫn cho chúng ta biết về cách thức dạy đệ tử tu tập thiền định. Qua ý kiến của hai vị Thiền Sư chúng ta thấy rõ Ngài Achaan Cha thì Ngài lại đề cập đến vấn đề dựa trên cơ sở giới luật mà phát triển được chánh niệm tỉnh giác.  Đây là một vị Thiền Sư đặt nặng về vấn đề tu tập giới để làm nền tảng cho thiền định, trong trường hợp đó chúng ta thấy đây cũng là một điều rất hay, rất lý thú, bởi vì nếu đúng trên phương diện giữ giới luật của một vị Tỳ kheo thì chính do có chánh niệm mới giữ giới được, khi vị đó giữ tứ phần giới luật, trong đó có thu thúc lục căn, phải dựa trên phương diện chánh niệm mới có thể thu thúc lục căn được. 

Hay là mặc dù quán tưởng thanh tịnh giới, vị đó cũng phải tập trung mới có thể giữ được, hoặc những điều giới nhỏ nhặt, chẳng hạn như có chánh niệm, vào buổi sáng trước khi mặt trời mọc phải mang theo y tăng già lê bên mình, hoặc khi uống nước không đứng, khi ăn cơm không nói chuyện v.v...trong trường hợp đó không phải giới luật là cứu cánh của thiền định, nhưng mà chính sự chuyên chú để thực hành giới luật, sự chuyên chú đó lại có sự tác dụng giúp cho phát triển chánh niệm mạnh,  đây cũng là một điều hết sức đặc biệt, mà chúng ta thấy điều đó rất đúng.

Trường hợp của Ngài Walpola Rahula, khi Ngài Walpola Rahula trình bày giải thích trên phương diện thiền quán, Ngài có lời khuyên chúng ta là bất cứ trong một trường hợp nào, cũng hãy quán thấy rõ về Tứ Đế, hay là Thất Giác Chi, hoặc Bát Chánh Đạo.  Trong đời sống hàng ngày chúng ta thấy rõ ràng sự kiện này giúp cho chúng ta, lời khuyên này đã giúp cho chúng ta có được cơ hội để tu tập thiền quán trong đời sống hàng ngày, ngay cả người cư sĩ cũng có thể thực hành điều đó.

Ở đây thưa quí vị, bởi vì đặt trên phương diện giải thoát gồm:
   - Thứ nhất vị hành giả cần phải thấy rõ, thấy sợ hãi trong nỗi khổ sanh tử luân hồi. 
   - Thứ hai cần phải khởi lên tâm nhàm chán, vì có sự nhàm chán, mới ly tham, và ly tham mới đưa đến sự giải thoát. 
    - Trường hợp thứ ba là bắt đầu trọn một đề mục nào đó để suy niệm.

Trong trường hợp này chúng ta thấy rõ với ba yếu tố của một vị tu tập thiền định phải như thế,  chúng ta thấy rõ ràng trong đời sống hàng ngày của chúng ta dầu bận rộn như thế nào đi nữa, cho dù chúng ta có nhiều công việc như thế nào đi nữa, nhưng chính ngay những công việc bận rộn đó, những lúc mà công việc làm cho mỉnh phải đau đầu, làm cho mình phải khó chịu, làm cho nội tâm của mình bị xáo trộn, thì trong trường hợp đó, ngay trong lúc này nếu như một vị tu sĩ, hay là một người cư sĩ lúc đó khởi nên sự chánh niệm ghi nhận và dùng trí tuệ để quán thấy sự sợ hãi, sự âu lo, sự phiền toái, sự bẩn trật của thế gian này như vậy, cuộc sống là như vậy, thì cho dù rằng trên thực tế, trên danh nghĩa vị đó không gọi là vị hành giả đang tu tập thiền quán, nhưng ở một góc cạnh nào đó, thì chính vị này đang sống với tư tưởng thiền quán.

Bởi vì mục đích của thiền quán chúng ta biết rõ làm như thế nào để hạn chế tham sân si phiền não đừng cho phát sanh, và tăng trưởng thiện pháp.  Như vậy bất luận là vị tu sĩ hay vị cư sĩ, dầu đang trong lúc chúng ta bận rộn, nhưng ngay trong lúc đó chúng ta lấy những đề tài này, để chúng ta suy quán về tánh chất vô thường, khổ và vô ngã, như vậy chúng ta cũng đang sống trong thiền quán. 

Trường hợp này theo chúng tôi nghĩ rằng, việc mà hai vị thiền Sư đã gợi ý cho chúng ta thì Ngài Achaan Cha, Ngài dạy cho chúng ta về pháp thiền một cách tích cực và dựa vào nếp sống, đời sống thanh nghiêm về giới  luật, điều đó là tích cực đối với một vị tu sĩ, và vị đó có được điều kiện để sẵn sàng trở thành một vị hành giả tu thiền quán. 

Còn đối với Ngài Walpola Rahula, trong trường hợp này, Ngài lại thoáng hơn, nhưng trong cái thoáng hơn đó, nó không có đi sai pháp, mà cái thoáng hơn có nghĩa là trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta ứng dụng trong mọi trường hợp về kiến thức của chúng ta, đối với cuộc sống này để chúng ta đạt đến sự nhàm chán, viễn ly, xả ly, ly tham. Thì trong trường hợp đó cũng nằm ở trong phạm trù của thiền quán, chớ không phải là đi xa.

Và ở đây trong trường hợp này, chúng ta thấy rõ trong đời sống hàng ngày của chúng ta, nếu chúng ta không chịu tu tập như vậy, mà chúng ta chờ đợi cho đến đủ nhân duyên để chúng ta xuất gia hay là chúng ta từ bỏ nhà cửa rồi chúng ta đi đến một thiền viện và chúng ta tu tập trong thời gian như vậy thì có lẽ là chúng ta sẽ ít có cơ hội, và có nhiều người sẽ không bao giờ họ đạt đến, họ không bao giờ đạt đến trạng thái tu thiền. 

Còn nếu như chúng ta tu tập một cách thoáng đi, chúng ta hiểu được tư tưởng thiền quán là gì, mục đích của thiền quán là gì, làm như thế nào để đoạn tận tham sân si, làm như thế nào để nhàm chán sự khổ, thì như vậy ngay trong đời sống hiện tại chúng ta đang bận rộn công việc, chúng ta vẫn có thể tu tập thiền quán để chúng ta trấn an được nội tâm của mình, thì điều đó cũng thật là quí giá, thật là tốt đẹp.  Ở đây chúng tôi xin được có một vài ý kiến như thế.  

No comments:

Post a Comment