Tuesday, May 7, 2013

Nếu một căn bịnh di truyền nhiều đời, thì thuộc loại nghiệp gì thưa Thầy.


Hỏi : Nếu một căn bịnh di truyền nhiều đời, thì thuộc loại nghiệp gì thưa Thầy.

(Câu hỏi được hỏi trong lớp Từ Vựng Phật Học , ngày 28 tháng 7 năm 2004, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng trả lời: Thưa qúi vị, khi một sự việc phát sanh, nhất là liên quan đến vật chất, như bệnh tật về thể xác của chúng ta chẳng hạn, thì thông thường có ba yếu tố để khiến cho điều đó có thể thành tựu được, hoặc giả một sự can thiệp của một nghiệp cực mạnh trong quá khứ, và nghiệp đó bắt buộc cho nghiệp này phải trổ sanh. Lấy ví dụ một người bỗng nhiên bị một chứng bịnh ngoài da lở loét kinh khủng, người ta không tìm được nguyên nhân gì, và có thể nói rằng đó là chứng bịnh tuyệt chứng, thì thường là do nghiệp nào đó dự vào can thiệp chi phối.
Điều kiện thứ hai là có thể chúng ta sanh ra, chúng ta ở trong một hoàn cảnh dể bị chi phối bởi bệnh tật. Nhưng rồi cũng có thể trì nghiệp của chúng ta rất mạnh, và trì nghiệp đó khiến chúng ta không bị bịnh tật chi phối. Khi trì nghiệp đó không còn nữa, thì bịnh đó lại sanh khởi, và chúng ta dường như không có cách gì để có thể chống chế lại nó. Thì trong trường hợp này sự vắng mặt của trì nghiệp để bảo dưỡng cơ thể của chúng ta.
Có những người hút thuốc rất nặng, họ ở trong điều kiện rất ô nhiễm, nhưng họ lại rất khoẻ, chúng tôi tin rằng trì nghiệp của họ rất tốt. Hoặc giả có những người 6, 7 chục tuổi nhưng tóc vẫn còn đen, sức khỏe còn rất tốt, mặc dù tuổi đó thì nhiều người sức khỏe hết sức kém, nhưng rồi họ lại khỏe, đó là do phước nâng đỡ.
Riêng về những chứng bịnh di truyền, di truyền được hiểu như một hiện tượng vật chất, cho dù là một hiện tượng hoàn toàn mang tánh chất vật chất, nhưng yếu tố nghiệp báo có chi phối họ. Nếu một người sanh ra đời có trì nghiệp tốt, đôi khi thân bằng quyến thuộc bên nội bên ngoại có bị bịnh tim hay bị bịnh tiểu đường chẳng hạn, hay bịnh gì đó mà họ không bị. Nhưng vì họ có cộng nghiệp gì, họ có sự liên đới gì, nên họ trở thành một cá nhân lại chịu nhận quả đó.
Chúng tôi lấy một ví dụ như vầy, có nhiều trường hợp chúng tôi thấy rằng cha mẹ ông bà làm những việc thất đức, con cháu phải nhận lãnh hậu quả, nhưng không phải trong số con cháu người nào ảnh hưởng cũng giống nhau hết. Hãy nói con cháu bị ảnh hưởng việc làm thất đức của cha mẹ đó là cộng nghiệp chung. Nhưng trong số đó có người bị nặng, có người bị nhẹ, có người bị chuyện thất đức của ông bà cha mẹ làm đời sống trở lên điêu đứng. Có nhiều người vì chuyện thất đức của cha mẹ ông bà, chỉ là một kỷ niệm không được đẹp thời thơ ấu, khi lớn lên họ có cuộc sống riêng, họ không bị ảnh hưởng việc đó nhiều nữa.
Chính vì vậy chúng ta gọi trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, trong biệt nghiệp có cộng nghiệp. Thì sự tương quan đồng cảm hay đồng bệnh, hoặc giả có liên hệ qua lại trên phương diện vật chất, cho dù thế nào đi nữa thì cũng bị yếu tố nghiệp chi phối, hoặc giả do nghiệp trong quá khứ nên dong dủi, xui khiến như vậy. Hoặc giả do trì nghiệp không đủ điều kiện mạnh để bảo vệ chúng ta, do đó chúng ta khi bị những bịnh như vậy không chống đỡ nổi.
Giống như trường hợp chúng ta bị bịnh có hai lý do, lý do vì tấn công bởi những vi trùng quá mạnh mà cơ thể không chịu nổi, nhưng cũng có nghĩa bởi vì khả năng miễn nhiễm, khả năng đề khán của cơ thể yếu khiến cho chúng ta không có sức để chịu đựng, do đó khi bịnh đến là chúng ta bị bịnh.
Chúng tôi hiểu rằng khi một Phật tử đưa ra một câu hỏi như vậy, thì muốn có một câu trả lời đơn cử rõ ràng. Giả xử như nghiệp đó là nghiệp gì, thì chúng tôi chỉ có thể trả lời một cách đại loại như vậy.
Đối với kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, một người sanh ra đời với sức khỏe kém, bịnh tật dù bịnh đó là bịnh di truyền, hay do ô nhiễm, hay do thức ăn, là bởi vì người đó trong quá khứ đã gây ra tổn thương cho chúng sanh khác, ví dụ đánh đập chúng sanh khác, hay cho chúng sanh khác ăn những vật thực không được tốt, hay có thái độ xử tệ với người khác, do vậy đời này sức khỏe kém đi, nhất là chuyện đánh đập đả thương làm tổn hại đến chúng sanh khác. Nên người không có nghiệp sát, người không có nghiệp làm tổn hại sinh linh, thì thường người đó được phước là sống lâu, được trường thọ.
Đồng thời với một người thường bố thí vật thực, theo trong kinh thì bố thí vật thực gọi là cho sức khỏe. Giả tỷ như mình cho ngưòi khác ăn món gì, các chất dinh dưỡng trong người, thì đời sau sanh ra trở thành khang kiện, mạnh mẽ có sức khỏe dồi dào. Thì bố thí vật thực là nghiệp làm cho chúng ta khỏe mạnh. Nhưng ngược lại chúng ta bỏ đói người khác, chúng ta làm cho người khác phải đói, phải thiếu thốn, thì đời này có thể sanh ra do nghiệp của chúng ta trở nên người ươn yếu thường đau bịnh v.v...
Quả của nghiệp rất nhiều, dĩ nhiên khi nói đến di truyền, thì có nhiều hình thái di truyền khác nhau, nó không đơn giản để tạo ra một ví dụ. Chúng ta chỉ có thể nói đại loại chung chung như vậy, hy vọng câu trả lời này có thể giúp một phần cho câu hỏi của Anusaya.

No comments:

Post a Comment