Tuesday, May 7, 2013

Vai trò của tâm hộ kiếp đốivới đời sống này như thế nào?


Hỏi: Vai trò của tâm hộ kiếp đối với đời sống này như thế nào?

(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 25 tháng 09 năm 2007 Chánh Hạnh chuyển biên) 

TT Tuệ Siêu trả lời: Nếu như không dùng diễn trình tâm, xuyên qua lý A-tỳ-đàm để nói đến sự báo ứng hay chiêu cảm của nghiệp từ đời sống này sang đời sống khác, mà chỉ nói một cách chung chung là hễ đời trước làm thiện thì đời này được an vui, đời trước làm ác đời này bị khổ, xem như chúng ta chỉ nói đến cái bóng, chứ không đi sâu vào trong chi pháp. Ở đây theo câu hỏi của TT Giác Đẳng thì trong phạm vi vủa tâm Bhavanga, tâm hộ kiếp hay tâm hữu phần, chúng tôi xin trả lời vấn đề này
.
Danh từ bhavanga là một thuật ngữ trong đó gồm có hai thành phần là chữ bhava và chữ anga, gọi chung làbhavanga. Chữ bhava ở đây để chỉ cho một kiếp sống, một sự sanh hữu. Chữ bhava được xài trong hai nghĩa gọi là kammabhava tức là nghiệp hữu như trong duyên sinh mà chúng ta nói đến thủ duyên hữu , chữ hữu đó, bhava xài cho nghiệp hữu. Trong nghĩa thứ hai chữ bhava để chỉ cho một một kiếp sống và gọi đó là sanh hữu là uppatthibhava. Như vậy trong chữ bhavanga ở trường hợp này chúng ta phải hiểu đó là một kiếp sống. Tại sao một kiếp sống được gọi là bhava hay là hữu là bởi vì kiếp sống này không phải ngẫu nhiên nó hình thành, mà phải có điều kiện để hiện hữu. Chính do có điều kiện để hiện hữu, để hình thành cho nên được gọi là bhavahay gọi là hữu, một kiếp sống.

Ở đây khi nói đến sự chiêu cảm của nghiệp hay sự báo ứng của nghiệp, chúng ta đặc biệt phải chú ý đến việc mà những tâm  đổng lực thiện hay bất thiện hiệp thế tạo ra một  loại tâm vipakacitta, hay tâm quả, hoặc là dị thục tâm. Tâm quả hay dị thục tâm là một sản phẩm trực tiếp của kamma, do nghiệp tạo bằng định lý chúng ta gọi là Nānakkhanikakammapaccaya  tức là dị thời nghiệp duyên. Thí dụ chúng ta nói rằng người bố thí đời sau có tiền của. Khi nói như vậy chúng ta thấy sự bố thí là một tâm thiện, còn tiền bạc tài sản, vàng vòng châu báu, nhà cửa thuộc về vật chất ngoại thân thì làm sao có thể do nghiệp sản sinh được.

Thế là bây giờ khi chúng ta nói đên sự báo ứng của nghiệp, tất nhiên chúng ta phải trưng dẫn qua tiến trình của tâm quả hay tâm dị thục do nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện tạo thành. Nếu tâm thiện dục giới sẽ tạo ra 16 tâm quả, nếu là tâm bất thiện sẽ tạo ra 7 tâm quả bất thiện. Nếu là thiện sắc giới thì tạo ra 5 tâm quả  sắc giới và nếu là thiện vô sắc giới thì tạo ra 4 tâm quả vô sắc giới.
;
Ở đây mặc dầu đổng lực thiện hay bất thiện hiệp thế tạo ra 32 tâm quả, nhưng trong đó chỉ có 19 tâm để làm việc tạo nên kiếp sống mới, chúng ta gọi là 19 tâm patisandhi tức là 19 tâm tái tục hay kiết sanh thức. Không phải tâm quả đó chỉ làm kiết sanh thức là tâm tái tục để hình thành kiếp sống mới rồi mất, tâm đó vẫn tiếp tục sanh khởi, tái khởi liên tục sau đó mà có tên khác, không gọi là patisandhi nữa mà gọi là bhavanga vào sát-na kế tiếp sau tâm patisandhi. Sỡ dĩ gọi là bhavanga vì rằng những tâm đó nó tiếp nối đế duy trì cái gọi là đời sống. Trong đời sống của chúng ta có hai yếu tố danh và sắc. Về sắc pháp, tức là thân xác này do sắc nghiệp hình thành nhưng khi sắc nghiệp đã hình thành thì chung quanh đó sắc tứ đại còn tạo ra sắc tâm, sắc quý tiết, sắc vật thực. Nhưng đời sống này lấy sắc nghiệp làm căn bản. Cũng như trong duyên hệ patthana cũng có đề cập đến riêng một trường hợp đặc biệt, sắc nghiệp đó ảnh hưởng đến đời sống này như thế nào? Bằng cách là  vật tiền sanh y duyên, vấn đề này chúng ta không cần bận tâm để chúng ta nghĩ đến nữa bởi vì chúng ta đang giải quyết vấn đề bhavanga.

Ở đây sắc pháp gồm bốn loại sắc, sắc nghiệp, sắc tâm, sắc âm dương, sắc vật thực. Riêng về danh pháp tức là chỉ cho dòng tư tưởng này. Quý vị biết rằng trong đời sống chúng ta chỉ khi nào chúng ta thấy cảnh sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý suy nghĩ thì lúc bấy giờ diễn trình tâm khách quan mới sanh khởi. Còn khi bình thường, giả sử như lúc ngủ, chúng ta không thấy, không nghe, không ngửi, không nếm, không đụng, không xúc chạm, nói chung chúng ta không hoạt động tư tưởng lúc đó, thì danh pháp, tâm thức vẫn tồn tại, vẫn được duy trì trong gọi là một kiếp sống, bằng cách là nó trạng lại, sanh lại liên tục một chuỗi dài tâm quả dị thục. Tâm quả dị thục đó là sản phẩm của nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện đời trước mà điển hình  là nó đã tác tạo nên patisandhi là tâm tái tục ở đầu kiếp sống.

-Nếu tâm patisandhi, kiết sanh thức thuộc về quả thiện dục giới thì kiếp sống đó gọi là thân nhân loại hay thân chư thiên.
-Còn nếu như patisandhi, kiết sanh thức đó do nghiệp của tâm thiền sắc giới hay thiền vô sắc giới tạo ra tâm quả thì tâm quả làm việc kiết sanh thức này, làm việc tái tục này sẽ hình thành một kiếp sống của vị Phạm Thiên Brahmā.
-Còn nếu như tâm kiết sanh thức đó là một trong bảy tâm quả dục giới tứclà tâm quan sát hay tâm thẩm tấn thọ xả quả bất thiện thì nó sẽ tạo nên một kiếp sống chúng ta gọi là người khổ địa ngục, khổ ngạ quỷ, khổ súc sanh, khổ A-tu-la.

Tâm patisandhi này còn có vai trò duy trì kiếp sống trôi chảy liên tục trong suốt thời gian từ khi tái sanh cho đến khi chết. Nếu như lúc nào có tâm khách quan sanh khởi để bắt cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc thì lúc đó tâm hộ kiếp nhường chỗ cho diễn trình tâm khách quan sanh khởi để biết cảnh mới. Nhưng nếu như không có cảnh mới hiện vào thì lúc bấy giờ tâm patisandhi  sẽ trợ cho tâm hộ kiếp sanh khởi. Nghĩa là tâm quả thứ nhất trợ cho tâm quả thứ hai, tâm quả thứ hai trợ cho tâm quả thứ ba và  trợ với nhau như vậy cái này tiếp nối cái kia bằng cách vô gián duyên hay đẳng vô gián duyên hoặc cũng được gọi là thường cận y duyênPakatūpanissayapaccaya. Nó trợ với nhau như thế.

Ở đây như chúng ta đã được nghe TT Giác Đẳng có nói cho chúng ta biết rằng tâm hộ kiếp là một loại tâm quả, là quả dị thục của tâm thiện hay tâm bất thiện tạo nên. Tâm quả này quyết định cho đời sống của chúng ta rất mạnh, mặc dù tâm quả đó đối với cảnh hiện tại không có tác dụng gì nhiều lắm. Chẳng hạn chúng ta thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị v.v…lúc bấy giờ những tâm khách quan đó sẽ sanh khởi. Nhưng bình thường tâm tái tục  khi trở thành bhavanga sẽ quyết định như thế này. Tâm patisandhi, tâm quả tái tục đó nó có thể là tâm thiện thọ hỷ hoặc thọ xả hợ p trí hoặc ly trí, vô trợ hoặc hữu trợ. Còn về tâm quả bất thiện thì vô nhân, do đó ở đây chúng ta sẽ ghi nhận một điều cảm tính của một con người, tánh tình của một con người, cử chỉ hay hành trạng của một con người ngay trong kiếp sống hiện tại này được ảnh hưởng thường cận y duyên ở quá khứ. Thế nhưng thường cận y duyên đó nó tác động vào tâm bhavanga tức là tâm hộ kiếp. Người trong đời quá khứ làm việc thiện có trí tuệ tương ưng thì tâm thiện tương ưng sẽ tạo ra một loại tâm quả mà hiện tại chúng ta gọi là bhavanga sau khi đã qua sát-na patisandhi.

Một người tái tục bằng tâm quả tương ưng trí như vậy, đời sống hiện tại của người đó, họ có khả năng trí tuệ căn bản có nghĩa là tuệ căn của họ, sự minh mẫn của họ có sẵn, nếu như họ chịu phát triển thêm, chịu khó khéo tác ý thêm gọi là yonisomanisikāra. Trong trường hợp này trí tuệ sẽ phát sanh tốt. Chẳng hạn chúng ta thấy rằng trong bộ Visuddhimagga (thanh tịnh đạo) Đức Phật có dạy một câu mà Ngài Buddhaghosa dùng làm chủ đề cho toàn bộ tác phẩm Thanh tịnh đạo,

“ Người có trí trú giới, tu tập định và tuệ”, 

Ngài Buddhaghosa giải thích, đã là người có trí sao còn tu tập tuệ, ở đây khơi mào cho bài kệ dùng “Người có trí” để ám chỉ cho người tái tục bằng tâm hợp trí, căn bản như vậy. Nếu như được tâm hợp trí đó rồi, được tâm bhavanga có trí đó, nhưng người này không khéo tu tập về định và tuệ, thì trí đó sẽ ẩn tàng và giống như một hạt giống tốt gặp môi trường thời tiết xấu cho nên không nảy mầm, không bám rễ và không phát triển vươn lên khỏi mặt đất thành một thân cây.

Cũng vậy khi người có trí tức là tục sinh bằng tâm quả tương ưng trí, về sau trong đời sống người này khéo tác ý và biết tu tập thêm sẽ phát triển được tuệ mà trong A-tỳ-đàm giải thích là, “Nếu trong trường hợp này một người tục sinh có trí thì người đó ngay trong hiện tại cố gắng tu tập, có cơ may chứng được thiền hay đạo quả ngay trong kiếp hiện tại”. Còn người tục sinh bằng tâm vô trí, bằng tâm thiểu trí như tâm vô nhân, tâm quan sát vô nhân hoặc dầu là tâm quả dục giới hữu nhân đi nữa có vô tham vô sân nhưng thiếu nhân trí tuệ thì người đó ngay trong hiện tại dầu có cố gắng tu tập, họ cố gắng làm phước làm các công đức cũng tạo nên nghiệp công đức thôi, chứ ngay trong hiện tại họ không chứng được pháp thượng nhân như thiền định đạo quả  v.v…Như vậy chúng ta thấy một ảnh hưởng thứ nhất.

Ảnh hưởng thứ hai, người tục sinh bằng tâm quả thọ hỷ có nghĩa là trong đời sống quá khứ có thường cận y duyên, làm thiện làm phước với tâm vui vẻ hoan hỷ, lúc nào cũng cởi mở, như vậy trong hiện tại khi được tái tục bằng tâm quả thọ hỷ thì người này có bản tính cởi mở, vui vẻ. Chúng ta thấy những người vui tính là do ảnh hưởng nơi tâm quả tái tục, kéo dài là chuỗi tâm hộ kiếp thọ hỷ.

Rồi laị nữa người tục sinh bằng tâm thọ hỷ  có trí đã đành, nhưng nói về trường hợp vô trợ và hữu trợ. Người trong đời sống quá khứ tạo những thiện nghiệp với tính cách nhậm lẹ, nhanh chóng, không cần phải đợi đốc xúi, hay có một động cơ thúc đẩy nhiều lần mà khởi tâm một cách nhanh chóng. Chính do thường cận y duyên này mà đời hiện tại sau khi tục sinh bằng tâm patisandhi là tâm tái tục vô trợ thì người này trong đời sống có sự linh hoạt, nhanh nhẹn làm việc gì cũng mau mắn. Trong cử chỉ oai nghi hay trong lời nói, trong sinh hoạt hằng ngày đi đứng nằm ngồi hoặc suy nghĩ đều có tính cách nhậm lẹ hơn người tục sinh bằng tâm hữu trợ. Hữu trợ có bản tính chậm chạp từ từ.

Nói tóm lại đối với chúng ta tâm bhavanga là một hình thức cảm ứng của nghiệp một cách trực tiếp và được xem như là căn bản của sự báo ứng nghiệp. Nếu chúng ta nói đến sự báo ứng của nghiệp mà bỏ qua tâm Patisandhi, tâm tái tục và bỏ qua tâm hộ kiếp, như vậy được xem như chúng ta chỉ nói cái bóng ở bên ngoài, không đi sâu vào chi pháp. Chúng ta cần phải hiểu rằng chính do có tâm quả làm chuyện tục sinh và làm việc hộ kiếp cho nên trong đời sống này mới quyết định được người đó có sở hành như thế nào, có bản tính như thế nào.

Tuy vậy chúng ta cần phải hiểu rằng, nó cũng ảnh hưởng thêm một chút nữa  tức là qua quy trình tâm pháp sanh khởi khi thấy, khi nghe, khi ngửi, khi nếm, khi đụng, khi xúc chạm, khi suy nghĩ, chúng ta gọi là lộ trình tâm nhãn môn, nhĩ môn, thiệt môn, tỷ môn, thân môn và ý môn, trong đó tâm javana, giai đoạn javana sẽ quyết định một người hiền thiện hay một người ác độc, một trạng thái tâm lành hay một trạng thái tâm bất thiện, xấu hay tốt quyết định ở đó. Nói như thế nào đi nữa chúng ta cũng nên biết rằng, tâm bhavanga chủ đạo cho việc hình thành kiếp sống của một con người có các cá tính khác khác nhau và từ chỗ cá tính khác khác nhau đó, chúng ta mới thấy rằng do quả nghiệp báo ứng mà người này có thể gặp được những điều tốt lành hay những điều bất hạnh.

Ở đây chúng ta cũng nên nói thêm rằng, mặc dù có một loại tâm quả khác không làm việc bhavanga được nhưng nó cũng là quả báo, sự báo ứng của nghiệp đó chính là đôi nhãn thức, đôi nhĩ thức, đôi thiệt thức, đôi tỷ thức, đôi thân thức, hai tâm tiếp thâu, những tâm đó cũng được gọi là tâm quả vô nhân, mặc dù gọi là tâm quả vô nhân nhưng cũng góp phần quan trọng trong đời sống của chúng ta. Một người có phước khi họ sanh ra ở đời, nhãn thức thọ xả quả thiện nó sẽ sanh khởi để luôn luôn được nhìn thấy những cảnh sắc tốt đẹp. Người thiếu phước hay người tạo nên ác nghiệp thì nhãn thức quả bất thiện sanh lên thường xuyên trong đời sống để họ thấy những cảnh điêu tàn, suy tàn. Cho nên trong trrường hợp này chúng ta phải biết rằng tâm bhavanga là một loại tâm  thuộc về quả dị thục và đó là một biểu hiện của sự báo ứng nghiệp hết sức rõ ràng.

No comments:

Post a Comment