Thursday, May 16, 2013

Tu tập một pháp môn nhưng không tiến bộ, có nên đổi sang pháp môn khác không?


Hỏi: Một người tu tập một pháp môn của Đạo Phật trong nhiều năm nhưng vẫn bị nằm một chỗ không tiến bộ về mặt tâm linh, vậy người này có nên đổi pháp môn mới không? Ý tiếc thời gian tu lâu của mình bỏ thì không nỡ nhưng tu tiếp thì không giải thoát, vậy nên làm gì, kính xin qúi Ngài chỉ dạy.

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu giảng : Trong câu hỏi này thì chúng tôi sẽ kể cho quí vị nghe một câu chuyện.

      Câu chuyện một đệ tử của Ngài Xá Lợi Phất khi Ngài Xá Lợi Phất cho một đệ tử xuất gia là một Tỳ Kheo, Ngài dạy cho vị ấy tu pháp môn là quán thân bất tịnh, nhưng xuốt thời gian ba tháng hạ, vị Tỳ kheo này không đạt được kết quả ngay cả một cái ấn chứng của sự tu tập cũng không có, ấn chứng của đề tài thiền quán cũng không có, bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất dẫn người đệ tử của mình đi đến Đức Phật.

       Đức Thế Tôn với Phật nhãn Ngài biết rõ căn tánh của vị Tỳ kheo này nên Ngài chuyển hướng, cho vị Tỳ kheo này một đề tài ngắm nhìn một cái hoa sen ở trước cửa chùa Kỳ Viên, và cái hoa sen đó lúc đầu thì tươi đẹp trong sáng, nhưng chẳng mấy chốc trở thành khô héo và rơi rụng, những cánh sen trơ trọi lại cái gương sen và rồi gương sen cuối cùng cũng bị khô héo, và bể ra rơi trên mặt nước, cảnh tượng này đã đánh thức tâm linh, tiềm thức quá khứ xa xưa của vị Tỳ Kheo này là một người thợ kim hoàn, là một người thợ chuyên môn làm các vật nữ trang bằng vàng .

          Đức Thế Tôn biết rõ được tâm tánh của vị Tỳ kheo đó cho nên Ngài đã dùng hình ảnh của hoa sen đẹp, bởi vì vị Tỳ kheo đó đã từng chiêm ngưỡng màu sắc óng ánh của kim loại quí như vàng, và Đức Thế Tôn đã dùng phương tiện này cho vị Tỳ kheo đó nhập tâm thưởng thức cái đẹp của cánh sen hồng, rồi khi vị Tỳ kheo này đang thưởng thức vẻ đẹp tinh khiết của cánh sen.  Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đã dùng thần thông làm cho cánh sen đó mau úa tàng khô héo, sự sinh diệt đột ngột như vậy khiến cho vị Tỳ kheo này cảm nhận được tánh chất vô thường, do đó, vị Tỳ kheo này đã phát triển minh sát quán thấy danh sắc và vô thường chứng quả A la Hán.

       Ở đây, nếu như một vị hành giả tu tập đã nhiều năm thực hành một pháp môn nào đó, nhưng pháp môn đó không có hữu hiệu, không có tác dụng . Chúng tôi nói ở đây không hữu hiệu, không tác dụng là không phải vì cái tánh chất của Giáo Pháp, mà vì căn tánh của chúng sanh này không thể nhập được bằng phương tiện pháp môn này, thì bấy giờ nếu như một vị hành giả tu tập có trí tuệ, và có sự thiết tha mong cầu sự tiến bộ giải thoát, thì vị Tỳ kheo đó phải lập tức đi đến vị Thầy của mình để trình bày, hoặc là tự mình thông hiểu được các pháp, thì mình phải chuyển đổi pháp môn chứ không thể nào chúng ta nắm bắt một pháp môn mà chúng ta khư khư gìn giữ nó.

       Cũng như đối với một người học võ nghệ, nếu như người này được người khác trao tặng cho một bảo  đao, hay một bảo kiếm, hoặc là một vũ khí nào khác, nhưng với người này không có thích hợp để sử dụng  vũ khí đó, thì người này không nên tiếc, bởi vì nếu tiếc như vậy không sử dụng được thì bảo đao đó hay thanh gươm đó cũng trở thành một thanh sắc vô dụng đối với vị đó thôi, người này có thể sử dụng bất cứ một loại vũ khí nào thích hợp và có tác dụng đối với mình ,thì nên sử dụng vũ khí đó như vậy sẽ lợi hại hơn.

       Cũng như vậy khi chúng ta tu tập chúng ta cần phải hiểu rằng giáo pháp của Đức Phật, Ngài trình bày rất nhiều pháp môn, Phật pháp đa môn vì chúng sanh đa bệnh, hễ chúng ta tùy theo bệnh của mình mà dùng phương thuốc để  trị liệu tùy theo căn tánh của mình, là một chúng sanh nặng về ái tham thì chúng ta phải hành cái pháp môn khác, là một chúng sanh nặng về tánh sân hận thì chúng ta phải thực hành pháp môn khác, mà nặng về đức tin chúng ta phải thực hành pháp môn khác, mà nặng về tâm tư phóng dật suy nghĩ ưu tư thì chúng ta phải thực hành một pháp môn khác để đối trị, nặng về trí tuệ thì chúng ta phải thực hành một pháp môn khác để đối trị v.v... tùy theo cá tánh của mỗi người, tùy theo cái trình độ của mỗi người mà thực hành, như vậy việc thực hành mới có kết quả và sự thay đổi pháp môn này hoàn toàn thiết thực chớ không phải có lỗi lầm chi cả, và  cho nên chúng tôi nghĩ rằng việc chúng ta tu tập, chúng ta lựa chọn một đề tài ,một  đề mục ,một pháp môn thích hợp cho mình, thì đó là một điều chúng ta cần phải làm.

        Ở đây chúng ta không nên vì tiếc, vì cảm thấy uổng khi chúng ta bỏ đi thời gian quí báu, trong khi đó  thời gian thọ mạng của chúng ta không có thể quyết định được, không có thể chờ đợi được, cho nên chúng ta phải tranh thủ tu tập như thế nào để cho có hiệu quả, khi chúng ta đang bị bệnh phải nhanh chóng gấp rút điều trị như thế nào, để cho dứt trừ những căn bệnh đó bằng cách là chúng ta phải dùng những liều thuốc, những loại thuốc có tác dụng có hiệu quả, chứ không thể nào nói rằng trước đây tôi đã bỏ tiền ra để đi mua hiệu thuốc này bây giờ còn dư lại đem bỏ thì uổng, thì thôi bây giờ sẳn trong lúc này đang bị bệnh hãy đem thuốc đó ra dùng để khỏi phí tiền bạc, chúng ta suy nghĩ như vậy và chúng ta trị bịnh bằng cách như vậy là vô tình  chúng ta nuôi dưỡng căn bịnh của mình và có thể nguy hại đến cái sức khỏe của mình.  Cho nên trong trường hợp đó chúng ta không nên tiếc nuối thuốc nào cũng tốt cả nhưng chỉ hữu hiệu, chỉ thích hợp cho tùy căn bịnh,

       Cho nên khi chúng ta tu tập cũng giống như trường hợp mà chúng ta trị bịnh vậy, tùy theo pháp môn mà chúng ta thực hành không nên vì pháp môn đó tu tập đã lâu rồi, bây giờ bỏ đi thì uổng cho nên chúng ta kiên trì không có hiệu quả, thì như vậy pháp môn này chả có lợi ích gì cho chúng ta, cho cá nhân mình trong trường hợp đó.  Thành thử đây là vấn đề mà tất cả mọi người tu tập  đều cần phải dùng trí tuệ để suy xét. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi này với một vài ý kiến đóng góp như vậy và chúc quí vị được an vui tiến hoá. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .

1 comment:

  1. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

    Câu chuyện của Quý Thầy về sự giáo hóa của Đức Phật với đề tử của Tôn Giả Xá Lợi Phất thật hay.
    Ơ đây chúng ta cần thấy cái gốc (mục tiêu) của vấn đề là sự giải thoát của chúng ta. Còn phương tiện nào để đạt được giải thoát là quan trọng nhưng không phải là cốt yếu. Nếu một phương tiện dù tốt đến đâu mà không giúp chúng ta giải thoát thì cũng vô dụng.
    Bản thân Đức Phật Thích Ca trước khi thành đạo cũng đã thực hành rất nhiều pháp môn (Thế Tôn cũng đã mất 7 năm tu khổ hạnh cùng mấy người bạn) nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Thế Tôn cũng đã sáng suốt từ bỏ những pháp môn đó để tìm một còn đường giải thoát mới và thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề.
    Nếu thực hành "Quán pháp vô ngã" ta sẽ thấy chẳng pháp nào là của ta, vậy chúng ta kiên trì giữ pháp đó làm gì? Chúng ta mất thời gian tu pháp đó mà chưa đạt kết quả không phải làm không có ích. Ích lợi ở đây là chúng ta đã nhận ra "pháp đó không phù hợp với ta" và cần thực hành theo pháp phù hợp hơn.

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

    ReplyDelete