Monday, May 6, 2013

Tại sao người làm ác mà tái sanh cảnh giới lành?


Hỏi: Tại sao một người cả đời chỉ làm bất thiện nghiệp khi tử lại được tục sinh và cảnh giới tốt lành còn một người suốt đời làm thiện tu hành tinh tấn nhưng đến khi tử thì lại rơi vào cảnh giới địa ngục?

(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 16 tháng 03 năm 2008 - Chánh Hạnh chuyển biên) 

TT Tuệ Siêu trả lời: Một câu hỏi đưa lên phải có sự kiện cụ thể, không thể nào chúng ta tự đưa lên một giả thuyết để hỏi. Câu hỏi này xem như là một giả thuyết, nếu muốn hỏi chúng ta có thể đưa lên một điều nào quý vị tìm thấy trong kinh điển.

Có hai ttrường hợp, một người làm thiện chúng ta không thể nói rằng làm thiện suốt đời. Một người làm thiện có thể bị cận tử nghiệp ác rồi rơi vào cảnh giới địa ngục. Một người suốt đời làm bất thiện đến khi cận tử nghiệp được sanh vào cảnh giới tốt lành. Hai sự kiện đó chúng ta phải dè dặt, nếu chúng ta khẳng định một người cả đời làm ác, làm bất thiện nghiệp khi tu lại được sanh vào cảnh giới tốt lành. Điều này chúng ta cũng nên biết rằng, nếu một người cả đời chỉ làm ác thôi, thì họ rơi vào tình trạng người chuyên làm ác như vậy không thể sanh về cõi trời được. Và nếu chúng ta bết rõ một người suốt đời chuyên làm việc thiện tinh tấn tu hành mà đến khi cận tử nghiệp sanh xuống cảnh giới địa ngục thì lúc đó chúng ta hãy nêu nên vấn đề.
Không phải một người chuyên làm việc ác hay việc thiện suốt cả đời được. Trường hợp người ác lúc cận tử nghiệp có thể sanh vào cảnh giới tốt đó là trường hợp họ chỉ thỉnh thoảng làm ác. Do đó đối với cận tử nghiệp lúc đó tâm của người này vẫn có thể khởi lên tâm thiện được dễ dàng. Chứ nêu người làm bất thiện suốt cả đời nó đã trở thành Bahulakamma tức là thường nghiệp ác. Hễ có thường nghiệp ác cận tử nghiệp không thể quyết định cho sự tái sanh được. Cũng vậy đối với người suốt đời làm thiện thì nghiệp thiện của người đó gọi là Acinnakamma, đã có thường nghiệp thiện thì cận tử nghiệp không thể nào quyết định cho sự tái sanh được.

Trong Trung bộ kinh Đức Phật Ngài dạy bốn vấn đề chúng ta phải nhớ,
Nếu trong đời sống một người đã phạm vào trọng nghiệp ác, khi chết sự tái sanh ở cảnh khổ sẽ quyết định bởi trọng nghiệp ác như giết cha, giết mẹ, giết A-La-Hán, làm thân Phật chảy máu, chia rẽ Tăng. Như vua A-Xà-Thế phạm tội giết cha là vua Bình-Sa-Vương, về sau Đức vua đến đảnh lễ Phật và sám hối lỗi lầm của mình. Đức vua trở thành người Phật tử ngoan đạo và có nhiều công lao đối với Phật Pháp. Đức vua mỗi lần đến viếng thăm Đức Phật, chỉ nghe Pháp rồi hoan hỷ đi về.

 Đức Phật tuyên bố rằng,
“ Này Chư Tỳ kheo, nếuvị vua này không phạm tội giết cha, thì chính ngay tại chỗ ngồi này, vị vua ấy đã chứng được pháp nhãn ly trần vô cấu tức đạo quả Tu-Đà-Hườn”

Trong đời sống chúng ta có làm một trọng nghiệp ác, hay một trọng nghiệp thiện thì sự tái sanh đã có quyết định rõ ràng. Tức là tạo trọng nghiệp ác thì trọng nghiệp đó sẽ cho tái sanh xuống cảnh khổ. Nếu trọng nghiệp thiện như đắc thiền chẳng hạn, sau khi mệnh chung sẽ sanh về cõi Phạm Thiên. Đó là điều cố định. Nếu một người không có trọng nghiệp ác, không có trọng  nghiệp thiện.

Nói chung trong đời sống một người  không có tạo trọng nghiệp Garukammamà người đó có Acinnakamma tức là thường nghiệp.Thường nghiệp thiện hoặc thường nghiệp ác. 

Thường nghiệp thiện là một người suốt đời làm phước, mỗi ngày thường đến chùa cúng dường bông hoa hoặc làm việc thiện, ngày nào cũng làm. Ngày nào cũng tinh tấn tu tập trở thành thường nghiệp thiện, sự tái sanh của người này ở đời sau chi phối bởi thường nghiệp thiện này. Một người có thường nghiệp ác như suốt cuộc đời làm đồ tể, họ đã quen sát sanh cho nên giờ phút lâm chung chính thường nghiệp đó chi phối mạnh và làm cho tâm của người này trở nên điên đảo và tái sanh vào cảnh giới khổ. Đó là trường hợp thứ hai do thường nghiệp làm chủ quyết định sự tái sanh.

Trường hợp thứ ba nếu một người trong cuộc đời, không làm trọng nghiệp ác không làm thường nghiệp ác, nghĩa là thường nghiệp và trọng nghiệp không có nhưng tâm của họ vui đâu trút đó, ai làm sao họ cũng làm vậy. Trong cuộc sống hằng ngày bậc đại hiền không ra bậc đại hiền nhưng nói rằng người hung dữ cũng không phải là người hung dữ. Đối với người này giờ phút lâm chung sự tái sanh sẽ bị chi phối bởi cận tử nghiệp. Ngay trong lúc đó nếu tình cờ họ nhìn thấy Đức Phật đi ngang, như cậu Matthakundali thì sẽ sanh lên cõi trời mặc dầu suốt đời cậu ta không làm thiện và cũng không làm ác nặng nề lắm, cho nên cận tử nghiệp dễ phát sanh . Cũng vậy với một người suốt đời họ không làm được thiện nhiều hay không làm ác nhiều, đối với người đó giờ phút lâm chung có thể khởi lên ác nghiệp để sanh xuống địa ngục. Như vậy chúng ta thấy rằng nêu không tạo trọng nghiệp, không tạo thường nghiệp thì sự tái sanh ở đời kế tiếp sẽ tỳ thuộc vào cận tử nghiệp, chứ không thể tự nhiên cận tử nghiệp sanh khởi được.

Với câu hỏi này, với một người suốt một đời làm ác nhưng tại sao giờ phút lâm chung được sanh về cõi trời. Điểm này trái với kinh điển vì suốt cuộc đời làm ác sẽ tạo thường nghiệp ác. Thường nghiệp ác sẽ quyết định sự tái sanh chứ không thể nào đến lượt cận tử nghiệp quyết định. Còn nói môt người suốt đời chuyên làm thiện tinh tấn tu hành tại sao khi cận tử nghiệp lại rơi xuống địa ngục. Bởi vì nếu họ tinh tấn tu hành suốt đời là thiện sẽ tạo thường nghiệp thiện, Thường nghiệp thiện sẽ quyết định sự tái sanh chứ không thể nào đợi đến cận tử nghiệp. Chúng ta nên lưu ý ở hai điểm này.

Trường hợp cuối cùng, chúng ta cần phải hiểu rằng, nếu như người này suốt đời họ không làm thiện nổi bật, không làm ác nổi bật, cũng không quen thường làm thiện, cũng không quen thường làm ác. Giờ phút lâm chung họ bị tình trạng hôn mê bất tỉnh, nên không ó cận tử nghiệp khởi lên lúc đó thiện hay ác, bậy sự tái sanh của họ do cái gì quyết định? Đó chính là Katattakamma khinh tiểu nghiệp, là một nghiệp nào nhỏ nhặt tiểu tiết mà người đó vô tình hay tình cờ làm được trong đời sống hiện tại hoặc trong đời sống quá khứ, nó sẽ len lõi nó khởi lên.

Ví dụ tình cờ một hạt bụi  rơi vào mắt khiến chúng ta dụi mắt nhiều làm cho viêm giác mạc trở thành đau mắt, đó là do khinh tiểu nghiệp. Nhưng cái đau mắt này không phải do vi trùng hay một thương tổn nào khác, mà do sự tình cờ của một nguyên nhân rất nhỏ đó là một hạt bụi. Do vậy khi có bụi bay vào mắt chúng ta để yên đó rồi nhỏ thuốc hoặc nháy mắt trong nước cho nó trôi ra. Cái khinh tiểu nghiệp như tình cờ chúng ta làm được có khi rất nguy hiểm nhưng đôi khi cũng mang lại sự tốt lành, do đó chúng ta khó biết được.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta nên quyết định hai điều,  chúng ta không thể chủ động về cận tử nghiêp và khinh tiểu nghiệp. Vì cận tử nghiệp khởi lên khi chúng ta đứng gần với cái chết, nên không thể quyết định được. Khinh tiểu nghiệp chúng ta không thể biết được, lường trứoc được vì tình cờ chúng ta đã tạo quá nhiều những ác nghiệp hoặc thiện nghiệp trong qúa khứ nên không thể biết được.

Chúng ta làm chủ được hai loại nghiệp là trọng nghiệp và thường nghiệp. Chúng ta bỏ trọng nghiêp ác như đừng giết cha , giết mẹ, giết A-La-Hán, làm thân Phật chảy máu, chia rẽ Tăng. Cố găng làm trọng nghiệp thiện là cố gắng tu thiền để chứng đắc được thiền. Khi chứng đắc được thiền sắc giới thiền vô sắc giới, sau khi mạng chung chắc chắn sẽ sanh về cõi Phạm Thiên. Nếu chúng ta thấy khả năng tạo trọng nghiệp thiện không được , chúng ta hãy làm thường nghiệp thiện. Thí dụ quý vị không tu thiền chứng thiền được thì quý vị làm việc thiện như thường xuyên nghe pháp, lâu năm lâu tháng lâu ngày chúng ta được thấm nhuần Pháp, tai văng vẳng nghe Pháp của đức Phật, giờ phút lâm chung thường nghiệp đó cũng tốt.

Vào thời Phật Pháp mới du nhập sang xừ Tích Lan,  vị vua xứ này vô cùng hoan hỷ với chư Tăng, thời gian đó Phật giáo vô cùng hưng thịnh. Đức vua rất hộ độ cho chư Tăng, vua có thói quen mỗi buổi sáng trước khi lâm triều, vua ngồi chời đợi trước cửa hoàng cung để đặt bát cho các vị trưởng lão, chư Tăng đi khất thức, sau đó nhà vua mới lâm triều. Thói quen đó làm thành một thường nghiệp. Sau khi mạng chung đức vua sanh về cõi trời.

Chúng ta hãy tập thói quen làm việc thiện từng ngày lập đi lập lại. Ví dụ chúng ta hãy tập thói quen mỗi buổi sáng trước khi rời khỏi giường, chúng ta ngồi bật dậy dầu chưa đánh răng rửa mặt chúng ta quán tưởng “có thân đây phải chịu sự già sự bệnh sự chết.” Chúng ta cứ suy xét như vậy cho đến khi nào nhập tâm rồi chúng ta mời bước xuống giường và đi rửa mặt. Ngày nào cũng làm như vậy sẽ trở thành thường nghiệp thiện. 
Hoặc có thói quen khi đến chùa là đem theo bông hoa để cung dường tháp xá lợi hay mang chút ít lễ phẩm cúng dường đến chư Tăng, sẽ tạo thành thói quen trở thành Thường nghiệp thiện. Thường nghiệp thiện này sẽ giúp chúng ta có nhiều lợi lạc.

Tóm lại chuyện chúng ta cho rằng một người suốt cuộc đời làm ác đến giờ phút lâm chung được sanh cõi trời hoặc một người làm thiện sanh về cõi khổ.  Câu đó chúng ta nói chưa có chứng cứ và có tính cách đi ngược lại với lời dạy của Đức Phật. Chúng ta phải thận trọng trong vấn đề này. Cái gì làm thường cận y duyên thành thói quen cái đó gọi là thường nghiệp quyết định cho sự tái sanh.

Mong rằng khi nêu lên các câu hỏi có liên quan đến vấn đề nghiệp quả, chúng ta nên dẫn chứng rõ ràng. Ví dụ như tướng cướp Angulimala giết ng ười như vậy mà chứng được quả A-La-Hán v.v. Tại sao có một anh thiện nam tinh tấn tu tập và suốt đêm nghe Pháp đến sáng, rời khỏi chùa Kỳ Viên Jetavana, ra bờ hồ rửa mặt. Vào lúc đó có tên ăn trộm chạy ngang qua ném gói đồ ăn trộm được bên anh, dân làng chạy đuổi theo thấy bógn người với gói đồ trong lúc trời tờ mờ sáng. Dân làng tưởng anh là tên trộm, đập chết. Tại sao một người tinh tấn làm phước như vậy mà phải bị chết oan ức. Như vậy chúng ta đặt câu hỏi có cơ sở , chư Tăng sẽ có cái lý trả lời cho quý vị dựa theo kinh điển.

1 comment:

  1. Thầy trả lời rồi cũng như KHÔNG trả lời...

    Nói tóm lại cái nghiệp báo có nghiệp trả liền có cái [nhiều] đời sau mới phải trả do nhân quả tác động.

    Vậy thì khì người làm ác cả đời nhưng vì tích lũy nghiệp (nghiệp tốt do phước báo) của những đời trước còn đọng lại nên cái xấu của đời nay chưa kịp xảy ra. Nhưng nếu không khéo tu thì chắc chắn một kiếp nào đó sẽ phải trả cho cái nghiệp xấu của đời này.

    Ngược lại, những người làm tốt đời này mà gặp chuyện xấu hoài cũng vậy. Do quá khứ đã tạo nhiều Nghiệp (nhân) xấu rồi và ngày nay do duyên tròn đầy nên nghiệp trổ. Nếu khéo biết đạo và biết rằng mình phước mõng nên càng cố tu sửa thì một ngày nào đó sẽ chuyển cái nghiệp xấu thành tốt và đời huy hoàng hơn.

    A Di Đà Phật ...

    ReplyDelete