Monday, May 6, 2013

Quán thân bất tịnh đắc dụng trong trường hợp nào?


Hỏi: Quán thân bất tịnh đắc dụng trong trường hợp nào?

(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp, ngày 26 tháng 7 năm 2003 - Minh Hạnh chuyển biên )

TT Giác Đẳng trả lời: Khi chúng ta đề cập đến pháp quán bất tịnh thì cũng giống như những pháp tu thiền khác: Thứ nhất là cái gì hợp với căn tánh của mình thì điều đó tốt cho chúng ta hơn là cái gì không phù hợp với căn tính của mình. Có những người nặng tánh về sân, tánh họ hay phiền muộn hay giận dữ thì đề mục quán bất tịnh không hợp với họ nhiều. Tuy nhiên ở đây chúng ta nói rằng đề mục quán thân bất tịnh, hay quán tử thi hài cốt rất có lợi cho những hành giả đang tu tập phải vận dụng tâm tư của mình để đương đầu với những ham muốn về nhục dục.

Hơn thế nữa cách quán thân bất tịnh hay quán tử thi quán hài cốt v.v... rất lợi trong trường hợp chúng ta nặng về ngã tính hay nặng về sự dính mắc sắc thân của mình. Có nhiều người rất trọng về sắc đẹp của họ, họ rất trọng hình tướng ngoại hình của họ. Có những người rất dính mắc vào bản thân của họ. Như Ngài Na Tiên dạy rằng cái gọi là một chiếc xe long xa (xe vua) thì nó là kết cấu của nhiều bộ phận. Cũng như vậy, thân thể của chúng ta, gọi là anh A anh B, vua Milanda, tỳ kheo Nagasena vẫn là tất cả do kết cấu của nhiều bộ phận của nhiều cơ thể.

Phải nhìn theo truyền thống Phân tích tông, là truyền thống có thể chia chẻ, biện biện, thay vì nhìn một cách đại lượt thì chúng ta nhìn vào từng chi tiết và trong chi tiết đó có thể có khả năng xoá những ảo giác cho chúng ta về "Tôi" về "Ta" về tự ngã. Và trường hợp quán thân bất tịnh, trong trường hợp quán tử thi quán hài cốt giúp cho chúng ta rất nhiều. Không những chỉ có sự ham muốn về sắc dục, chúng ta còn tìm thấy ở đó những hiệu năng rất lớn để giảm thiểu những tính nặng về ngoại hình, nặng về "Tôi" về "Ta", điều đó cũng giúp chúng ta rất nhiều. Phải nói rằng những phương pháp này không phải dễ dàng để ứng dụng, một người thực tập phương pháp này nên tiếp xúc với một vị Thầy có nhiều kinh nghiệm.

Ngài Tangpulu Sayadaw. Ngài là vị bổn sư truyền tỳ kheo giới cho chúng tôi. Ngài là một vị thiền sư, Ngài chuyên môn về pháp quán 32 thể trược (pháp quán bất tịnh). Những lần bên cạnh Ngài nghe thuyết về pháp quán bất tịnh thì chúng ta mới thấy rằng pháp quán đó để nhập tâm để đem vào trong đời sống của chúng ta, không phải là chuyện đơn giản như đọc trong sách, mà đòi hỏi một số những thủ thuật cần thiết để chúng ta có thể gắng chặt tâm tư vào đề mục ./.

No comments:

Post a Comment