Tuesday, May 14, 2013

Như thế nào là sáu xuất ly pháp


Hỏi: Như thế nào là sáu xuất ly pháp 

(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 8-5-2013, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng giảng: đây là đề tài rất quan trọng, thứ nhất là khi chúng ta nói đến Phật Pháp đa phần chúng ta có cảm giác hay cảm tính  nghĩ rằng tu những pháp này thì mình bị mất mát. 

Ví dụ,  một người nào làm chuyện gì cho mình phiền mình giận thì mình cứ nghĩ rằng nếu tiếp tục nuôi cơn giận thì có nghĩa là mình giữ được tư thế, còn nếu người ta làm chuyện gì mà mình bỏ qua không giận thì điều đó có nghĩa là mình dại. Mình giận là một phần, nhưng mình có lý do mình nghĩ rằng rất chính đáng để giận tức là mình không có dại dột, mình khôn mình mới giận, mình nghĩ như vậy. 

Hay là, khi mình nghe nói đến tu tập về vô ngã  thì cảm giác của mình đầu tiên về vô ngã là mất cái tôi, mất cái tôi thì thật sự cuộc đời mình vô nghĩa, mình cảm thấy là mất mát. Nhưng thật sự, chính ở chỗ nào chúng ta có cái tôi mới làm chúng ta nhức nhối, lấy ví dụ như mình làm việc ở trong một tổ chức hay mình sinh hoạt ở trong ngôi chùa và lúc nào mình cũng đặt vấn đề là người này phải khen mình, người kia phải tôn trọng mình, người ta phải làm xứng hợp với địa vị của mình, thì thật sự càng nghĩ  thì chúng ta càng khổ, bởi vì, qúi vị thấy người mà lúc nào cũng cần người khác để ý, cũng cần người khác nuông chìu  mới được an lạc, nhưng thật sự không được an lạc.

Hay hoặc giả, chúng ta có tâm ganh tị với người khác, trong sự ganh tị đó mình cảm nhận rằng mình đang cạnh tranh và nhờ có tâm đố kỵ người khác mình mới vươn lên. Nhưng thật sự không phải như vậy. Tâm ganh tị làm cho chúng ta khổ, làm cho chúng ta nhỏ mọn, làm cho cái nhìn của chúng ta không thông thoáng. Nhưng mình cứ tin rằng tâm ganh tị đó giúp cho chúng ta hơn là tâm hỉ, và mình rất sợ tu tập tâm hỉ là tại vì hễ tu tập tâm hỉ mình nghĩ mình không có sức cạnh tranh với những người khác.

Thì khi chúng ta đề cập đến những pháp như từ, bi, hỉ, xả, hay tu tập vô tướng tâm, hay quán tưởng về vô ngã tướng, thì quán tưởng về vô tướng tâm hay vô ngã tướng hay từ, bi, hỉ, xả, cảm giác đầu tiên của chúng ta là chúng ta phản ứng là mình tu những pháp đó là mình chịu mất mát, bị thiệt thòi hay mình mất đi cái này mất đi cái kia. 

Thực tế mà nói thì, chúng ta quên đi rằng chính sự tu tập những pháp đó khiến chúng ta bớt khổ, ở trong đời sống chúng ta khổ nhiều lắm. Trong kinh Đức Phật Ngài diễn tả tâm của chúng ta giống như vết thương, các giác quan của chúng ta giống như vết thương khi nào vết thương không băng bó mà người ta đụng vào thì mình nhứt nhối vì đau. 

Hồi chúng tôi còn nhỏ ở Việt Nam sống ở trong chùa đôi khi bị đứt tay hay đứt chân, điều mà chúng tôi sợ cái đứt là một lẽ rồi người ta lấy alcohol sức vào, chúng tôi không biết là qúi Phật tử có ai sống qua cái cảm giác đó không, alcohol để sát trùng thì rát khủng khiếp lắm, để vô thì nó rát và nó đau.

 Nhưng thật ra thì khi chúng ta đề cập đến cái rát của alcohol thì là nhỏ thôi, nhưng chúng ta hãy nghĩ điều này ở trong cuộc đời chúng ta có bao nhiêu lần chúng ta đau như sát muối. Ví dụ, mình là con người rất hiền lành hay mình là người luôn luôn mong cho người khác được tốt đẹp và mình mong người khác tôn trọng mình bây giờ người ta phỉ báng mình hay bôi nhọ hay vu vạ mình, tự nhiên mình về cảm thấy vừa thất vọng vừa bực tức vừa khổ sở, thì những lúc đó mình cảm nhận rằng rất là đau, mà không phải cái đau có một mà có cả trăm ngàn cái đau trong cuộc sống. Chính nhờ pháp tu này làm giảm thiểu những cái đau đó. 

 Chúng tôi lấy thí dụ, về vô tướng tâm giải thoát, cái vô tướng ở đây đặt biệt là khi mình nhìn thấy cái gì, mình nhìn thấy nó như vậy chứ thật sự nó không hẳn là như vậy. 

 Chúng tôi lấy ví dụ, như chúng tôi đang sống ở Texas, một tháng trước khi chúng tôi rời Texas thì đang là mùa hoa bluebonnet nở, chúng tôi làm một chuyến đi Austin, Texas và trên đường đi hai bên đường người ta trồng hoa bluebonnet thay cho cỏ xanh và là mùa hoa nở rộ như những tấm thảm rất là đẹp, và lúc hoa nở như là tấm thảm rất là đẹp mình nhìn thấy cảnh tượng lúc đó nếu có một người nào có mặt ở Texas trong thời gian đó với thời tiết mát mẻ của mùa xuân và nhìn thấy thảm hoa bluebonnet thì cảm tưởng Texas là thiên đàng chỉ có cảnh tượng thảm hoa bluebonnet ở trên những cánh đồng bất tận vào mùa xuân với không khí mát mẻ với hoa nở đẹp. 

 Nhưng, thật sự đó không phải tất cả là Texas, nó chỉ là một khoẳc khắc, nó chỉ là một thời điểm, nó chỉ là một phần của rất là nhiều phần, một hình ảnh của rất nhiều hình ảnh.

  Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, cái gì cuộc sống của chúng ta, chúng ta nhìn thấy cảnh hoa đẹp của mùa xuân thì chúng ta nên biết rằng đúng thời đúng lúc đúng chỗ và nó chỉ hiện hữu ở trong một thời gian tương đối ngắn, nó chỉ hiện hữu ở trong một khoẳnh khắc nào đó rồi nó cũng tan biến đi. Mùa hè nếu qúi vị trở về thăm Texas thì trời nóng oi bức đến nỗi không muốn bước ra bên ngoài hay hoặc giả mùa đông về thì trời lạnh giá và khi những thảm hoa tàn tạ rồi thì chúng ta cũng thấy nó không có gì hết. 
  
  Thì như vậy những cái gì mình nắm bắt ở trong cuộc đời này mà mình gọi đây là đẹp, đây là tối hậu, đây là vĩnh hằng, đây là tuyệt nhất, đây là tốt nhất, thì nó chỉ là ảo giác thôi, không hơn không kém. Giống như khuôn mặt của chúng ta ở một thời điểm nào trong ngày thì nhìn thấy đẹp đẽ khuôn mặt thanh tú nhất là vị nào có trang điểm ăn diện, nhưng nó không phải tất cả chúng ta, nó chỉ là một phần nào, một khoản khắc.
  
  Và do vậy, khi chúng ta sống về vô tướng tâm thì mình hiểu rằng dù là đẹp, dù là xấu, dù hay dù dở, dù xa dù gần, dù thô dù tế, tất cả những điều đó chỉ là một khoẳn khắc, một sát na, một thời điểm, một chập, một mảng, ở trong một tiến trình dài. Và không nên lấy đó là tất cả là tuyệt đối. 
  
  Khi chúng ta quán tưởng vô tướng thì rất là sợ. Đời sống có ý nghĩa là tại vì chúng ta tin  tuyệt đối về những thứ đó nhưng thật ra tin tuyệt đối về những thứ đó nó làm cho chúng ta khổ. 
  
  Lấy ví dụ, như bây giờ qúi vị tìm được một người bạn đời hay một người tình mà qúi vị nghĩ rằng người đó hoàn toàn trên tất cả mọi phương diện nhưng rồi một lúc nào đó qúi vị tìm thấy sự tuyệt vọng, chúng tôi nhớ có một lần chúng tôi nghe một bản nhạc có câu "dường như trong ta em có điều tuyệt vọng" bản nhạc đó thì thật sự không biết người nhạc sĩ đó viết như thế nào nhưng rõ ràng nó có một điểm là không ai chỉ có một điều tuyệt vọng mà có rất nhiều thất vọng trong cuộc sống. 
  
  Tại vì chúng ta nghĩ rằng cái đẹp nhất phải là tất cả, cái đẹp phải rắn chắc như lõi cây, cái đẹp đó phải nằm yên như một trái núi. Nhưng ở trên thực tế không phải như vậy. 
  
  Và do vậy, trong cái nhìn của người tu Phật không phải cái giá trị của những pháp như vô thường, khổ, vô ngã, vô tướng, những pháp như tu tập tâm từ, bi, hỉ, xả, tu tập để được hơn cái gì thua cái gì, được cái gì mất cái gì, nhưng điểm chính những pháp đó là hoá giải được những phiền não của chúng ta, thành ra trong những lúc chúng ta khổ thì dễ tu nhất.
  
  Qúi vị cứ để ý như vầy, lúc nào tâm của chúng ta gặp hoàn cảnh nào mà chúng ta đau như sát muối vào trong vết thương, ví dụ như tự nhiên có ai họ chê mình hay một người mình rất qúi bây giờ họ trở mặt với mình họ nói những câu rất đau lòng thì thay vì chúng ta giận chúng ta buồn thì chúng ta trở về phòng chịu khó ngồi xuống lẳng lặng chánh niệm nhìn vào nỗi đau đó và khi nhìn vào nỗi đau đó mình biết rằng mình thiếu những pháp xuất ly. 
 
Nếu như mình có tu tập những pháp xuất ly, như  tu tập xuất ly đối với tâm sân, đối với tâm hại, đối với pháp bất lạc, đối với sự tham đắm, đối với nghi hoặc đối với ngã mạn v.v... thì nếu chúng ta có những pháp xuất ly đó thì chúng ta bớt khổ, mà thấy được điều đó thì mình mới thấy giá trị của Phật Pháp, thấy giá trị của sự tu tập. 
 
Con người chúng ta bị bịnh là chúng ta rất là dễ tin vào ma vương, chúng ta rất nghi ngờ đối với Phật, Đức Phật dạy, Ngài nói về vô ngã, về vô tướng, mình nghe thì thấy hay nhưng mình tu mình sợ mất mát, cái gì mình chấp vào bây giờ không có nữa mình cảm thấy mất mát nhưng trên thực tế chúng ta phải nhìn một góc cạnh khác những pháp Đức Phật dạy là phương linh dược là những phương thuốc trị những tâm bịnh và khi chúng ta tu tập những pháp này thì chúng ta giảm bớt cái khổ.
 
Một bài học rất đơn giản trong cuộc sống chúng ta đó là, khen và chê. Khi nào người ta khen mình một câu,  đôi khi lời nói là nịnh bợ, đôi khi lời nói là đãi bôi, đôi khi lời nói xã giao, thì chúng ta cảm thấy sung sướng, cứ sung sướng đi, cứ vui đi. Rồi lúc nào đó người ta chê mình, người ta nói xấu mình, người ta mạt sát mình, thì chúng ta cảm thấy đau, thì cứ đau đi. Nhưng mà rồi, hãy ngồi nhìn những thứ đó, chúng ta ráng nhìn một cách rõ ràng, ráng học những bài học đó rồi dần dà chúng ta sẽ thấy những giá trị pháp xuất ly này.
 
Chuyện chúng ta vui buồn, thì nếu như thân chúng ta bị cảm bị chóng mặt ói mửa v.v... thì tâm của chúng ta cũng vậy. Tâm của chúng ta ở đây là sân, là hại, là tham, là ngã mạn, có nhiều thứ và lúc chúng ta ngồi kiểm lại những cái khổ của phiền não thì lúc bấy giờ chúng ta mới thấy rằng những pháp xuất ly này có những giá trị lớn trong cuộc sống. 
 
Một trong cái khó của người tu tập là vượt qua mặc cảm đối với giáo pháp, cái mặc cảm đó là gì, mặc cảm đó tương tự như bà Khema khi bà là vị hoàng phi nghe nói Đức Phật Ngài không tán thán sắc đẹp thì bà Khema có mặc cảm với Đức Phật mặc cảm với giáo pháp, bà không muốn đến gặp Đức Phật tại vì những lời Đức Phật dạy đi ngược lại với một giá trị lớn trong cuộc sống của bà vì bà là người rất sùng bái sắc đẹp sùng bái cái ngoại hình đẹp đẽ của mình, cho đến khi bà thật sự được nghe được thấy, được Đức Phật khai thị thì lúc đó bà mới cảm nhận được rằng giáo pháp không đơn giản về chuyện được hay mất, mà giáo pháp có thể phá được những căn bịnh trầm kha của đời sống. 
 
 Bởi vậy nhiều lúc chúng ta nên cảm ơn sự đau khổ, có sự đau khổ thì chúng ta mới thấy giá trị của Phật Pháp. Quí vị để ý, trong lúc nào mà chúng ta khổ nhiều thì chúng ta có cơ hội lớn để ta học.
 
Chúng tôi có quen với một một người Phật tử, người Phật tử này là một người lúc nào cũng tin rằng mình là một người rất tôn trọng pháp luật, mình là một người rất đàng hoàng, mình là một người có nguyên tắc sống, và vị này tin rằng mình sống như một công nhân tốt. Có một lần chúng tôi đi chung với gia đình của vị đó thì vị đó lái xe vượt quá tốc độ, lý do không phải vì vị đó chạy nhanh mà thật ra ở đó có tấm bảng báo hiệu giảm bớt tốc độ vì là nơi có người ta đi bộ qua lại đông, nhưng vì lúc lo nói chuyện không để ý, thì lúc bấy giờ vé phạt vì vượt quá tốc độ thì thật ra cũng là chuyện không vui đối với người Mỹ, nhưng chúng tôi có thể nhận ra được là vị này rất là khổ sở, khổ sở ghê lắm, tại vì nó làm tổn thương đến lòng tự hào của mình, mình là một người thượng tôn pháp luật, mình là một người công dân tốt, mình là một người tự hào lái xe mấy chục năm không bị ticket (giấy phạt) bây giờ mình bị ticket cảm thấy khổ ray rứt trong lòng, và cứ nói tới nói lui cứ chắt lưỡi hít hà cứ cảm thấy khó chịu về cái chuyện mình bị ticket. 
  
Thì ngay lúc đó chúng tôi học được một bài học là, ở trong cuộc đời này mình sống nặng lòng với cái gì quá khi chuyện xảy ra ngược lại thì mình đau lắm và cái đau đó là nỗi khổ của đời sống, chính mình phải có đủ trí tuệ để mình vượt qua nỗi đau đó, không có ai giúp cho mình được hết.
  
Chúng ta nhớ một điều như vầy là, dầu Đức Phật có thương chúng ta bao nhiêu, dầu chúng ta có hiểu Phật Pháp bao nhiêu, nhưng chính sự tu tập của bản thân mới giúp chúng ta hóa giải được những đau, hóa giải được những khổ, không có ai khác làm cho chúng ta hết khổ, chúng ta phải có sự trưởng thành giống như bây giờ cha mẹ mình rất là thương mình nhưng mình cứ trẻ con hoài, mình cứ cư xử ấu trĩ hoài, mình không có chịu lớn lên thì thật sự mình không có trưởng thành được. Sự trưởng thành mình ở một điểm như vầy là, một ngày nào đó mình nhận rằng mấy cái này nó chỉ làm cho mình khổ. 
   
Chúng tôi lấy ví dụ là, mình hay giận, mình hay cố chấp, bây giờ một lúc nào đó mình nhận ra mình giận người chỉ thiệt thòi cho mình thôi, dĩ nhiên khi mình giận mình có một ngàn lý do để giận, lý do nào cũng chánh đáng. Bây giờ, những lúc mình giận mình nghĩ tại sao mình giận chi cho nó khổ vậy. Chúng tôi rất thích câu Phật ngôn, một câu Phật ngôn rất là tuyệt vời đối với chúng tôi là 
"kẻ thù hại kẻ thù,
oan gia hại oan gia,
không bằng tâm niệm tà,
gây ác cho tự thân"
  
Tức là kẻ thù của mình hại mình bao nhiêu đi nữa thì cũng không tệ hại bằng chính mình hại mình, nghĩa là mình khổ là tại vì mình tự dấn mình vào khổ, mình khổ là tại vì mình cho phép mình khổ, mình khổ là tại vì mình muốn khổ. Kẻ thù làm cho mình khổ một nhưng mình làm khổ người thân mười, có bao nhiêu lần mình trằn trọc thâu đêm, có bao nhiêu lần mình cảm thấy chua xót trong lòng, có bao nhiêu lần mình cảm thấy rằng mình khổ là bởi vì tâm mình chấp vào những thứ đó mới khổ, thì tâm mình tâm niệm tà làm cho mình khổ hơn là kẻ thù mình.
  
Thành ra những người hay trách móc thì lúc nào cũng đổ lỗi tại người khác, mình khổ là do cha do mẹ do xã hội do người này người kia, lúc nào cũng đổ lỗi cả thế giới này đã làm cho mình khổ, nhưng chúng ta quên đi một điều rất căn bản là tại vì chúng ta không có tu nếu chúng ta tu thì chúng ta bớt khổ, mình phải tin như vậy, lúc nào mình cảm thấy phiền não, lúc nào mình cảm thấy đời sống mình giao động, đời sống mình khổ sở thì mình nói rằng tại mình thiếu tu, đừng có nói là tại ông A tại bà B tại thầy tổ tại cha mẹ tại bạn bè, nói như vậy thì ai nói cũng được hết.
  
Nhưng một lúc nào đó mình phải đứng dậy, mình nói rằng: đồng ý những cái khổ đó là một phần, nhưng phần chính tại vì mình thiếu tu. Đơn giản như vậy thôi, nhưng nếu mình có tu thì mình bớt khổ, mình thiếu tu thì mình khổ. 
 
Khi mình nói mình thiếu tu thì không phải là chuyện mơ hồ, như Đức Phật Ngài nói rằng: 
Mình thiếu tu tập tâm từ thì tâm sân nhiều.
Thiếu tu tập tâm bi thì tâm thù hận hay gọi là hại tâm nhiều.
Thiếu tu tập tâm hỉ thì sự bất lạc tức là sự khó  chịu bực bội nhiều.
Thiếu tu tập tâm xả thì sự tham đắm dính mắc nhiều.
Thiếu tu tập vô tướng tâm giải thoát thì mình bị kẹt nhiều.
Thiếu tu tập tâm vô ngã thì nghi hoặc nhiều.
Thì sở dĩ những phiền não sanh khởi nhiều tại vì là mình không chịu tu, đơn giản như vậy. 
Do vậy, có lẽ một câu chúng ta tự nhắc đi nhắc lại là:
 Tại sao mình khổ, không phải tại vì cảnh sát cho mình ticket.,
 tại sao mình khổ, không phải tại vì mình mất đồ,
 tại sao mình khổ, không phải tại người ta chê mình,
tại sao mình khổ, không phải tại vì mình nghèo,
Mà mình khổ đơn giản là tại vì thiếu tu. Mình thử ngồi suy nghiễm lại, thử đặt lại vấn đề đời sống mình thật sự rồi già, rồi tóc cũng bạc, rồi mình cũng lớn không phải ai cũng nhắc mình hoài được, nhưng,  riêng đối với người tu tập thì mình phải có thái độ cho rõ ràng là mình khổ là do mình thiếu tu tập.

 Khi đề cập đến những pháp xuất ly và đề cập đến những thiện pháp tu tập và do thiện pháp này giúp chúng ta cởi bỏ đi được những bất thiện pháp, thì khi chúng ta đọc những bài kinh này chúng ta tự khẳng định cho mình thấy rằng tại sao mình vui, tại sao mình khổ, và mình có trách nhiệm của tự thân mình thì chúng tôi tin rằng điều đó có ý nghĩa lớn với người Phật tử, và điều đó chúng ta mới thấy gía trị thật sự của Phật Pháp, không phải Đức Phật Ngài có dư thì giờ Ngài rảnh quá rồi Ngài đem nói vô thường vô não vô ngã như là lý sự,  Đức Phật dạy những pháp xuất ly cho chúng ta là tại vì Ngài biết rằng những pháp đó giúp cho chúng ta giải quyết được những vấn đề trầm kha của cuộc sống chính là sự đau khổ ./.  

No comments:

Post a Comment